Tại sao hài tết cứ phải đổ dồn vào quay cuối năm?
Liên quan đến việc bị chỉ trích khi đóng cảnh nhạy cảm trong hài tết “Bản nhiều vợ” mới đây, danh hài Chiến Thắng chia sẻ, anh sẽ phải rút kinh nghiệm trong việc nhận lời tham gia các bộ phim hài tết để tránh chuyện đáng tiếc như ồn ào vừa qua.
“Tôi xin rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này. Đây là một trong những bài học khiến tôi phải nhìn nhận lại thái độ nghiêm túc đối với việc làm nghề, Chiến Thắng nói.
Nam danh hài kể, hôm đó anh lên tới Lai Châu mới nhận được kịch bản từ đạo diễn. Khi đọc qua kịch bản, anh thấy có một số đoạn không ổn nên có trao đổi lại với đạo diễn. Tuy nhiên, đạo diễn trấn an anh rằng “không sao đâu”. Vì nghĩ đã đi cả một đoạn đường dài từ Hà Nội lên Lai Châu, cả đoàn lại đang chờ đợi mình… nên Chiến Thắng vẫn chấp nhận hoá trang để vào quay.
“Tôi đóng phim này không được bao nhiêu tiền cát sê đâu. Tôi nhận lời là vì đạo diễn tha thiết mời tôi quá. Không nhận thì lại bị cho là không giúp đỡ anh em, lại bị người ta gọi là chảnh. Nhưng đúng là làm nghệ thuật mà cứ cả nể là đôi khi đưa mình vào thế khó”, nam danh hài nói thêm.
Chiến Thắng tâm sự, sau khi đọc được những phản ứng của dư luận anh cảm thấy rất có lỗi. Anh tự hứa với lòng mình sẽ cẩn trọng hơn trong cách làm việc dù thân quen đến mấy.
Nhân câu chuyện này, Chiến Thắng cũng bày tỏ, anh đã nhiều lần đề xuất với các đoàn làm phim là từ những năm sau trở đi không nhất thiết cứ phải đến tết mới “vắt chân” làm hài tết.
“Tôi nói luôn rằng, tại sao cứ phải tết mới đổ xô nhau làm hài trong khi giữa năm giữa tháng không chịu làm. Thời tiết không quá lạnh nên sẽ rất thuận lợi cho việc quay và chọn bối cảnh. Thêm nữa là đạo diễn – biên kịch sẽ có nhiều thời gian để trau chuốt cho kịch bản.
Tại sao có nhiều kịch bản không thể hay được là tại vì cứ viết vội viết vàng. Từ đó mới sản sinh ra mấy cái thể loại hài nhảm, hài tục… Và cũng vì quay quá cập rập nên nghệ sĩ, diễn viên… cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu kịch bản và sáng tạo những mảng miếng của riêng mình.
Cứ đổ dồn cuối năm mới làm khiến cho mọi thứ trở nên cập rập. Kịch bản không có thời gian mà trau chuốt, nghệ sĩ đóng phim quá nhiều cũng không còn thời gian mà nghiên cứu kịch bản mà thời tiết lạnh đóng phim cũng rất khổ chứ không sung sướng gì.
Tôi cũng nói thẳng rằng, các nhà tài trợ một khi đã có kế hoạch làm truyền thông trong các sản phẩm hài tết cũng không nên quá cứng nhắc khi đến cuối năm mới giải ngân.
Đành rằng, chiến lược của một công ty phải có sự chuẩn bị nhưng làm thế sẽ vô tình khiến các sản phẩm hài tết trở nên kém chất lượng, cẩu thả và nhạt nhẽo bởi làm theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, Chiến Thắng nói.
Nhà tài trợ "thao túng" thị trường hài tết?
NSND Trung Hiếu cũng cho biết, anh đã nhiều lần có lời với các đoàn làm phim là có quay phim hài tết thì cũng nên quay sớm vì cuối năm nghệ sĩ rất bận rộn, sẽ không có nhiều thời gian để đầu tư cho vai diễn.
Thậm chí, nhiều nghệ sĩ thấy có nhiều vai diễn phù hợp với mình nhưng vì trùng lịch nên chỉ có thể nhận được một đến hai phim. Đó là một điều rất đáng tiếc cho đoàn làm phim lẫn nghệ sĩ và cả khán giả.
“Hài tết hiện nay có rất nhiều dạng phim. Có phim câu khách bằng cái này, có phim câu khách bằng cái kia. Tuy nhiên, phim dù có chiêu trò gì nữa thì khi phát sóng cũng phải mang đến ấn tượng cho người xem.
Và muốn đạt được điều đó thì phải có sự chuẩn bị thật chu đáo chứ không thể cập rập, vội vàng… được. Khán giả cũng không bao giờ bắt bẻ tại sao phim tết mà anh lại quay vào giữa mùa thu hoặc đầu mùa đông”, NSND Trung Hiếu nói.
NSND Quốc Anh lại cho rằng, làm phim hài tết vào giữa năm cũng không ảnh hưởng gì, không nhất thiết phải làm vào cuối năm. Tuy nhiên, các nhà tài trợ có chịu đồng hành với các nhà sản xuất vào giữa năm hay không mới là điều đáng nói.
“Đúng là phim tết bây giờ có những phim không hề có một tí không khí tết nào cả, chẳng hạn như phim “Râu quặp” của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng mà tôi từng tham gia. Vậy thì những phim đó đâu nhất thiết phải quay vào dịp tết? Nhưng các cụ đã nói “có bột mới gột nên hồ”, các nhà tài trợ phải chịu đồng hành với họ thì mới mong ra làm được.
Bản thân tôi rất ủng hộ ý tưởng làm phim hài tết vào giữa năm bởi đó là quãng thời gian không quá bận nên đạo diễn có thời gia để nghiền ngẫm kịch bản, lựa chọn bối cảnh, tìm diễn viên phù hợp… Diễn viên khi tham gia phim cũng sẽ không bị phân tán vì phải chạy “sô” chỗ này, chạy “sô” chỗ kia”, nam nghệ sĩ phát biểu.
Đạo diễn Mai Long cũng nói rằng, tết là dịp mà mọi người mới có thời gian quây quần bên nhau để cùng thưởng thức một bộ phim đầy ắp tiếng cười. Vì thế, trong năm thì có thể có những phim ngắn hoặc clip hài để phản ánh hơi thở cuộc sống nhưng cuối năm nhất thiết phải có hài tết. Bởi lẽ đó mà hài tết mới được gọi là “đặc sản”.
Tuy nhiên, có một cái khó là hài tết muốn làm được phải có nhà tài trợ. Không ai có đủ lực tự mình bỏ tiền ra để sản xuất một phim hài tết. Mà các nhà tài trợ lại thường chỉ giải ngân vào cuối năm.
“Có một cái khó là vì không có nhà nước tài trợ nên các nhà sản xuất phải phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân, mạnh thường quân. Mà khổ nỗi, đầu năm đi xin kinh phí để làm hài tết lại toàn bị người ta gọi là “dở hơi” vì họ chưa có kế hoạch cho những việc như thế.
Thêm nữa, phim tết là phải đúng dịp tết thì mọi màu sắc, không gian và cảm xúc mới hài hoà. Chẳng hạn, quay cảnh mùa xuân mà trời nắng chang chang, diễn viên đổ mồ hôi ròng ròng… thì cảnh sắc không còn là mùa xuân nữa. Tất nhiên, có những phim không hề có tí mùa xuân nào cả hoặc không hề liên quan gì đến tết nhưng rõ ràng là muốn làm phim vào giữa năm cực kỳ khó.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn