Giáng sinh yêu thương - tuyệt phẩm của đại văn hào Anh lay động triệu trái tim

Thứ hai - 17/12/2018 21:27
“Câu chuyện khiến cho độc giả vừa cười vừa khóc - phải dang rộng đôi tay, cởi mở trái tim bao dung của mình trước những mảnh đời nghiệt ngã” là lời bình mà Athenaeum, tạp chí văn học ở London nói về cuốn sách Giáng sinh yêu thương của Charles Dickens - đại văn hào Anh nổi tiếng.

Dù là một tác phẩm ra đời cách nay hơn một thế kỷ, song những triết lý sống được đại văn hào người Anh Charles Dickens gửi gắm qua tác phẩm Giáng sinh yêu thương (A Christmas Carol) vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến thời đại ngày nay.

Athenaeum, một tạp chí văn học ở London đã bình về cuốn sách như sau: “Câu chuyện khiến cho độc giả vừa cười vừa khóc - phải dang rộng đôi tay, cởi mở trái tim bao dung của mình trước những mảnh đời nghiệt ngã”.

Qua mỗi trang sách, tác giả khắc họa sống động nhân vật Ebenezer Scrooge keo kiệt, ưa gắt gỏng. Tuy nhiên, nhân vật này đã có những chuyển biến lớn về tư tưởng, tình cảm và nhận thức về giá trị nhân bản sau cuộc ghé thăm của những “vị khách siêu nhiên” là Hồn ma vất vưởng Jacob Marley, Hồn ma Giáng sinh Quá khứ, Hiện tại và Tương lai.

Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả kỳ đầu tiên của cuốn sách ý nghĩa này!

Giáng sinh yêu thương - tuyệt phẩm của đại văn hào Anh lay động  triệu trái tim

Kỳ 1: Giáng sinh yêu thương - Hồn Ma Marley

Trước hết, Marley đã chết. Không còn mảy may nghi ngờ gì nữa. Viên mục sư kiêm thư ký kiêm trưởng ban tẩn liệm và than khóc dã ký giấy khai tử cho Marley. Scrooge ký lên đó. Tên lão - Scrooge - quả thật thích hợp, nổi danh trong giới tài phiệt London, bởi lão mó vào đâu cũng hái ra tiền. Lão già Marley đã chết, chắc như đinh đóng cột.

Xin bạn lưu ý cho, tôi không có ý nói chết thì nhất thiết phải chắc như đinh đóng cột. Lẽ ra tôi phải nói là chắc như đinh đóng quan tài kia. Nhưng người xưa hẳn có lý riêng khi ví von như thế; và một kẻ vô danh tiểu tốt như tôi không nên xáo trộn nó làm gì. Bởi vậy, cho phép tôi được nhắc lại và nhấn mạnh rằng Marley đã chết, điều đó chắc như đinh đóng cột.

Scrooge có biết Marley đã chết? Dĩ nhiên là biết. Làm sao mà không được chứ? Hai người là cộng sự của nhau từ lâu lắm rồi, chỉ là tôi không biết lâu đến thế nào thôi. Scrooge là người thừa hành kiêm văn thư, người được uỷ nhiệm, người thừa kế, người bạn kiêm cả người than khóc độc nhất của Marley. Và dù không quá đau buồn trước sự ra đi của Marley nhưng quả thật Scrooge rất xuất sắc trong việc điều hành tang lễ ngay từ ngày đầu tiên và tiến hành mọi thứ thật long trọng, tất nhiên không quên chuyện mặc cả.

Nhắc đến lễ tang của Marley khiến tôi quay về vấn đề ban nãy. Rõ ràng, Marley đã chết. Các bạn phải hiểu rõ diều này kẻo câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây chẳng còn gì thú vị nữa. Giống như nếu chúng ta không tin cha của Hamlet đã chết ngay từ khi vở kịch chưa bắt đầu, thì việc bóng ma của ông ấy, trong đêm hôm khuya khoắt, mình mặc áo giáp, tản bộ giữa cơn gió mạnh rét buốt làm tán dởm hồn vía cậu con trai nhút nhát cũng bình thường chẳng khác gì khi ta bắt gặp một quý ông trung niên nào đó đi đi lại lại trong nghĩa trang Saint Paul lúc trời tối.

Nhiều năm sau, Scrooge vẫn không xoá tên của Marley quá cố trên cánh cửa tiệm: Scrooge & Marley. Ai cũng gọi đó là tiệm của Scrooge và Marley. Thỉnh thoảng, cũng có một số khách hàng mới gọi Scrooge là Scrooge hoặc đôi khi là Marley, nhưng dù gọi tên nào thì Scrooge cũng sẵn lòng hợp tác cả. Với lão, gì cũng như nhau.

Nhưng than ôi, Scrooge lại là một kẻ vắt cổ chày ra nước! Một lão già tội lỗi luôn thèm thuồng, sẵn sàng quắp chặt, vét nhẵn, chộp lấy, giật phăng, vắt ép mọi thứ! Lão sắc lạnh như một hòn đá lửa mà không loại thép nào có thể chẹt ra được một tia lửa hào phóng; đồng thời lão lại bí hiểm, đơn độc và khép chặt như một con sò.

Sự lạnh lẽo trong tâm hồn khắc lên khuôn mặt lão những đường nét già nua, vuốt nhọn cái mũi sắc lẻm, bóp hẹp đôi gò má, làm cứng nhắc dáng đi của lão; khiến đôi mắt lão đỏ sọc và làm cặp môi mỏng tái mét chỉ chực rít lên những lời lẽ thấu xương.

Một lớp sương giá phủ kín mái đầu, hai hàng lông mày và hàm râu quai nón thô xoắn của lão. Ngày cũng như đêm, lão luôn mang theo bên mình nét buốt lạnh đó. Lão phủ giá băng lên văn phòng của lão trong những ngày oi bức và chẳng hề chịu làm ấm thêm dù chỉ một độ trong suốt mùa Giáng Sinh.

Giáng sinh yêu thương - tuyệt phẩm của đại văn hào Anh lay động  triệu trái tim - Ảnh minh hoạ 2
Dù là một tác phẩm ra đời đã hơn một thế kỷ, song những triết lý sống được đại văn hào người Anh Charles Dickens gửi gắm qua tác phẩm Giáng sinh yêu thương vẫn vẹn nguyên giá trị .

Cái nóng hay băng giá bên ngoài hầu như chẳng ảnh hưởng gì đến Scrooge. Không mặt trời nào sưởi ấm được lão; không thời tiết lạnh giá nào khiến lão rùng mình. Không ngọn gió nào tê buốt hơn con người lão. Tuyết rơi còn có lúc dừng; mưa rào còn có lúc tạnh, nhưng bão tố phong ba không bao giờ chạm đến được lão. Mưa rơi tuyết đổ có thể tự hào hơn lão ở duy nhất một điểm. Đó là, tất cả rồi cũng sẽ dịu xuống và qua đi, còn Scrooge thì chưa bao giờ!

Chưa từng có ai chặn lão trên phố để chào hỏi vài câu thân mật, như: “Ông Scrooge thân mến, ông có khoẻ không? Hôm nào rảnh rỗi đến nhà tôi chơi nhé”'. Chưa có gã hành khất nào nài nỉ xin lão vài xu lẻ, chưa có đứa trẻ nào nhờ lão xem giúp mấy giờ, chưa có một người đàn ông hay phụ nữ nào nhờ lão chỉ đường lấy một lần trong suốt cuộc đời lão. Ngay cả những con chó dẫn đường cho người mù xem ra cũng biết rõ lão; mỗi khi thấy lão bước đến, chúng lập tức kéo chủ tránh ngay vào các lối ra vào của những ngôi nhà ven đường hay một khoảnh sân nào đó, đồng thời ve vẩy đuôi như muốn nói: “Thà mù còn tốt hơn là có đôi mắt ác quỷ như ông ta, ông chủ à!”`.

Nhưng Scrooge chẳng thèm bận tâm! Lão chỉ thích có thế: lão luôn tránh né mọi người trên đường đời tấp nập này, luôn cảnh báo để mọi sự thương cảm phải tránh xa. Đó là tất cả những gì mà người biết chuyện gọi là “những đam mê” của Scrooge.

Tác giả: (Trích Giáng sinh yêu thương) Còn nữa

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây