Độc đáo tấm bia nặng 13 tấn đặt trên lưng rùa
Pho sử liệu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trang trí, điêu khắc đá
Tại quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh còn lưu giữ bia vua Lê Hiến Tông (Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi). Bia được dựng trên điểm cao nhất của gò đất hướng Nam, cách lăng mộ vua Lê Hiến Tông khoảng 30m về phía Tây Nam, cách mộ vua Lê Thái Tổ khoảng 500m về phía Tây.
Với kỹ thuật chế tác thủ công, bia và rùa được làm bằng đá nguyên khối hình chữ nhật, màu xanh đen, nhẵn mịn, cao 2,78m, rộng 1,98m, dày 0,27m, nặng khoảng 13 tấn. Trán bia lượn hình vòng cung, chia thành ba ô, mỗi ô trang trí một rồng, thế rồng cuộn bay vút từ dưới lên, đầu ngẩng cao ngậm hạt trân châu.
Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi chạy song song, nối từ đỉnh xuống đế bia. Mặt trước bia khắc chữ Hán. Tên bia khắc theo lối chữ Triện, gồm 7 chữ: “Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi”.
Toàn văn bia khắc theo lối chữ Khải chân, mặt trước có 58 dòng, 3.000 chữ, ghi về thân thế, sự nghiệp của vua Lê Hiến Tông. Mặt sau trán bia chia làm ba ô riêng biệt, chính giữa khắc một rồng ổ lớn, hai bên khắc hai rồng...
Dưới tấm bia có trọng lượng 13 tấn là hình rùa với đầu to, mập ngẩng cao ngay ngắn, dáng rùa thoải mái tự nhiên. Bốn bàn chân rùa lộ 5 móng, đuôi vắt ngang. Bia được lập ngày 8 tháng 12 năm Giáp Tý, niên hiệu Cảnh Thống thứ 7 (1504) nhằm ghi về thân thế, sự nghiệp của vua Lê Hiến Tông.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, phong cách nghệ thuật chạm khắc ở bia vua Lê Hiến Tông đã có sự chuyển biến rõ rệt so với phong cách nghệ thuật ở bia Vĩnh Lăng (bia vua Lê Thái Tổ). Ở bia Dụ Lăng, kỹ thuật chạm khắc sâu hơn, đường nét sắc nhọn, dứt khoát, trau chuốt tỉ mỉ, khỏe khoắn, thể hiện rõ được các đặc điểm của phong cách tạo hình thời Lê Sơ.
Có thể nói, bia Dụ Lăng với những đặc trưng tiêu biểu, là hiện vật độc bản mang tính độc đáo, đại diện cho phong cách nghệ thuật của một giai đoạn mới phát triển rực rỡ nhất. Đây là một pho sử liệu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trang trí, điêu khắc đá thời Lê Sơ.
Vị Vua thả hơn trăm cung nữ khi mới lên ngôi
Theo các soạn giả, vua Lê Hiến Tông là con trai kế tự của Thánh Tông Thuần hoàng đế; mẹ là Trường Lạc Thái Hoàng Thái hậu họ Nguyễn. Vua thông minh, sáng suốt vượt bậc nhưng lại rất nhân từ, ôn hòa, không tỏ ra nghiêm khắc.
Lúc mới lên ngôi, Vua cho thả cung nữ đến hơn trăm người, sai sứ bãi miễn cứu trợ cho dân bốn phương nghèo khó; những người nghèo khổ già yếu trong quân đều tha và bố trí cho về; những người đi phú dịch công trình thì giảm bớt; tha cho những người lầm lỡ, oan khuất, khôi phục quan chức cho những người trước đây mất chức, khen thưởng người có công, tha bỏ những người trước đây còn mắc nợ nhà nước.
Nhà vua còn cho nới rộng hình phạt trong quân, thi hành tiết nghĩa, giúp kẻ nghèo túng khốn cùng, nâng nhấc những người liêm khiết, tiến cử người hiền tài, làm cho trong ngoài đều vui.
Ngày Quý Sửu 24 tháng 5, năm Giáp Tý, niên hiệu Cảnh Thống thứ 7 (1504), vua băng hà, thọ 44 tuổi. Cũng như các vị vua Lê trước đó, sau khi Vua Lê Hiến Tông mất được triều đình đưa về quê hương Lam Sơn - Lam Kinh an táng, xây lăng và lập bia. Ngày Giáp Thìn 18 tháng 11, quan tài Vua được đưa về Tây Kinh. Ngày Giáp Tý mồng 8 tháng 12 làm lễ an táng ở bên hữu Vĩnh Lăng, gọi là Dụ Lăng.
Vua Lê Hiến Tông là vị vua thông minh, nhân từ, giỏi giữ cơ đồ, gìn giữ thành quả dựng nước của cha ông. Vua thường nói: “Thánh tổ ta mở mang tạo dựng cơ đồ, phụ hoàng sửa trong, dẹp ngoài quy mô đã định, ta việc gì phải thay đổi khuếch trương, chỉ tuân giữ cơ nghiệp cũ, bồi đắp mở mang cho rạng rỡ, to lớn để tỏ rõ lệnh đức của tổ khảo ta”.
Sử gia Vũ Quỳnh, người gần cùng thời nhận xét: Vua thông minh, trí tuệ hơn người, nhân từ, ôn hòa, không tỏ ra nghiêm khắc. Khi bãi chầu thường gặp gỡ sĩ đại phu để hỏi han việc hay dở, dùng nét mặt lời nói khơi gợi cho họ nói ra để thấu đạt được tâm tình của kẻ dưới, gạt bỏ sự lấp liếm che giấu. Kẻ thần hạ có lỗi lầm gì, chỉ răn quở qua loa, không nỡ đánh roi làm nhục.
Cách cai trị nhàn hạ ung dung, chưa từng lộ ra lời nói, sắc mặt tức giận mà thiên hạ răm rắp theo lệnh. Ông là người chú trọng đặc biệt đến việc làm thủy lợi, chăm sóc bảo vệ đê điều, đường sá. Mỗi xã cho đặt một xã trưởng chuyên trông coi việc nông trang.
Cũng dưới thời vua Lê Hiến Tông, ông cho phép quân đội và công tượng thay phiên nhau tháng 6, tháng 10 chia một nửa về làm ruộng. Ông cũng chú tâm đến giáo dục quan lại, chống thói quan liêu, tham nhũng...
Vua Lê Hiến Tông trị vì 7 năm nhưng là ông Vua cuối cùng của triều Lê Sơ còn giữ được những thành tựu từ thời Thái Tổ gây dựng. Trong thời gian này, đất nước yên ổn không loạn lạc.
Theo đánh giá, bia Dụ Lăng không chỉ là hiện vật có giá trị đối với Quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, mà đây còn là một báu vật mang nhiều giá trị trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Văn bia là một chứng tích lịch sử, góp phần cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho hậu thế.
Từ những giá trị đó, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh quyết định chọn bia Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng bi (Bia Dụ Lăng vua Lê Hiến Tông) trình các cấp có thẩm quyền đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Trước đó, tại Khu di tích Lam Kinh đã có 3 bảo vật quốc gia, gồm: Bia Vĩnh Lăng - Lam Sơn Vĩnh Lăng bi; Bia Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao - Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng và Bia “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi”- Bia Vua Lê Thánh Tông.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn