Được biết, ngày 26/4 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chị sẽ biểu diễn lại ca khúc “Màu hoa đỏ” do bố chị sáng tác. Cảm xúc của chị thế nào khi thể hiện lại bài hát này sau những lùm xùm vừa qua?
Cảm ơn bạn đã quan tâm không chỉ đến chương trình, bài hát mà còn cả cảm xúc của người nghệ sỹ. Đối với tôi thì “Màu hoa đỏ” vẫn luôn là “Màu hoa đỏ”, nên mỗi lần được cất lên ca khúc này thì đều rưng rưng tự hào. Có khác chăng là lần này bài hát sẽ được tiếp sức bằng chính tình yêu của khán giả sau những sóng gió vừa qua.
Chuyện ồn ào thì đã khép lại, lòng người có thể lao xao nhưng ca khúc thì vẫn vậy. Người nghệ sỹ vẫn dựa trên cái hồn của ca khúc để truyền tải đến người nghe một cách chân thực và sinh động nhất, rồi từ đó cảm xúc, sự sáng tạo hay sự thăng hoa mới có không gian để thể hiện. Tôi vẫn luôn dựa trên cái cốt lõi đó trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình.
Ba tôi đã gửi tặng ca khúc này cho đất nước, cho cộng đồng, cho những người chiến sỹ trong giai đoạn đất nước đang có chiến tranh. Nhưng khi thể hiện ca khúc này, có lẽ vì tinh thần của nó nên tôi vẫn cảm thấy vô cùng ý nghĩa khi đất nước đang hoà bình, vì hoà bình hay chiến tranh thì đều cần tinh thần hy sinh cho sự phát triển của dân tộc. Vậy nên tôi luôn dành cho "Màu hoa đỏ" một cảm xúc đặc biệt vì ở đó thấm đượm tính nhân văn và vẻ đẹp cuộc sống.
Chị nghĩ sao khi “Màu hoa đỏ” được lựa chọn làm tên cho cả một chương trình hướng tới ngày lễ lớn của đất nước?
Tôi nghĩ, NSND Trần Bình đã làm một việc vô cùng ý nghĩa, cao đẹp và hợp lòng người đó là lựa chọn “Màu hoa đỏ” làm tên của chương trình. Là một nghệ sỹ công tác tại Nhà hát và đã làm việc với NSND Trần Bình lâu năm, tôi rất cảm động trước tấm lòng mà đơn vị công tác của mình dành cho ca khúc "Màu hoa đỏ" và cho bản thân, cho gia đình tôi. Hương hồn ba tôi hẳn sẽ vui lắm. Tên chương trình không chỉ là tên của ca khúc mà còn là tên của một tinh thần bất diệt, tinh thần "Màu hoa đỏ"!
Được biết ca khúc “Màu hoa đỏ” lần này sẽ được phối khí lại theo một cách rất đặc biệt để tưởng nhớ cha chị, chị có thể bật mí một chút về những điểm mới mẻ trong lần trình diễn này hay không?
Phối khí là nỗ lực của nhạc sỹ và ê-kíp, tôi cũng chỉ là một thành viên của hoạt động sáng tạo đó. Nhưng với cảm xúc thời đại mà công chúng vừa tiếp lửa cho, chúng ta có quyền hy vọng vào một bản phối vừa giữ lại những tinh hoa cốt lõi của “Màu hoa đỏ” nhưng vẫn sống với những nhịp đập của thời đại.
Sự việc ca khúc “Màu hoa đỏ” bị cấm lưu hành đã làm dấy lên làn sóng trái chiều trong dư luận, khi đó Sở VHTT&DL Tiền Giang đã gửi lời xin lỗi tới gia đình chị. Gia đình chị đã tiếp nhận điều này như thế nào?
Trước hết thì chúng tôi đón nhận và ghi nhận. Tuy nhiên, tôi vẫn canh cánh một điều trong lòng rằng: “Nếu sai, chúng ta tìm nguyên nhân rồi sửa cho đúng quy trình nhưng hậu quả để lại thì có quy trình nào lý giải được không?”. Chúng tôi mong rằng các đơn vị quản lý sẽ có cách nhìn nhận và ứng xử một cách thận trọng với những giá trị tinh thần có sức ảnh hưởng sâu rộng.
Trong tâm thư gửi cha, chị có nêu một băn khoăn rằng: “Phải chăng mọi giá trị đều thật mong manh?”, đó có phải là điều mà Thanh Lam vẫn luôn canh cánh trong lòng sau nhiều năm làm nghệ thuật?
Băn khoăn đó nằm trong dòng chảy cảm xúc khi viết thư tâm sự với hương hồn ba. Nhưng ngay khi viết những dòng đó tôi đã nghĩ đến một điều ít mong manh hơn đó là quy luật. Có lẽ những giá trị nào nương nhờ được vào quy luật, cộng hưởng được quy luật thì nó sẽ mạnh mẽ như chính quy luật vậy. Mọi vấn đề đều có giải pháp, điều quan trọng là chúng ta có định tâm để nhận ra được những quy luật của sự phát triển không thôi. Chỉ khi nhận ra được thì chúng ta mới có thể tìm ra lời giải cho sự băn khoăn của mình.
Ở thời điểm hiện tại khi đã thành danh và có nhiều năm đóng góp cho nghệ thuật, động lực gì khiến Thanh Lam tiếp tục cống hiến, sáng tạo trong nghệ thuật?
Có lẽ được thừa hưởng từ ba nên tinh thần "Màu hoa đỏ" luôn cháy rần rật trong huyết quản và tâm hồn tôi. Nhưng cụ thể hơn thì là vì một nền nghệ thuật Việt Nam sáng tạo, đẳng cấp và nhân văn hơn – đó chính là động lực rõ ràng nhất.
Chị nghĩ mình sẽ gửi gắm điều gì thông qua việc làm mới ca khúc ‘Màu hoa đỏ” trong đêm nhạc vào ngày 26/4 tới?
Mục đích của tôi không phải là làm mới "Màu hoa đỏ" vì như đã nói cái gì mang tính quy luật thì không bao giờ cũ. Còn gửi gắm điều gì trong lần này ư? Ba tôi gửi gắm cho tôi bài này khi tôi mới 21 tuổi, khi đó tôi là ca sỹ đầu tiên thể hiện lại trong giai đoạn bắt đầu sự nghiệp.
Nay nhờ tình yêu thương và ủng hộ của khán giả và đồng nghiệp mà mọi người biết đến Thanh Lam, tôi muốn thay ba tôi gửi đến khán giả một điều đó là những điều gì đã là quy luật thì sẽ tồn tại và luôn phát triển. Những giá trị khi được soi rọi trước ánh sáng của quy luật thì sẽ huy hoàng rực rỡ mà không điều gì có thể lu mờ được. Tình yêu, tình thương sẽ luôn là nguồn năng lương cho chúng ta sống; khát khao và vươn tới mỗi ngày.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn