Ở cái tuổi này, đi qua nhiều cái Tết, khoảnh khắc nào trong ngày lễ đặc biệt để lại trong chị dấu ấn khó quên?
Tôi nghĩ rằng, mỗi cái Tết đều có vẻ lãng mạn riêng. Nhưng tôi vẫn nhớ ngày nhỏ, những ngày Tết khi còn ba (nhạc sĩ Thuận Yến- PV), mẹ thường để ba là người xông đất. Khi chuẩn bị giao thừa, ba sẽ đi ra ngoài và trở lại nhà mừng tuổi cho tôi và em trai, Trí Minh. Trên tay ba cầm cành lộc mùa xuân. Đó là thời khắc tuyệt đẹp của cuộc sống và tôi nhớ mãi!
Thế còn hương vị ngày Tết qua các món ăn đối với cô bé Thanh Lam- theo như chị ví von là háu ăn và khỏe mạnh thì sao?
Tôi nhớ, ngày nhỏ, những ngày sát Tết, được mẹ phát đống lá dong để đi rửa gói bánh chưng. Sau đó, tôi phụ mẹ gói bánh chưng, luộc bánh chưng. Khoảnh khắc gia đình quây quần cùng nhau rất thích. Có lần luộc xong nồi bánh chưng thì tôi được mẹ cho ăn, tôi ăn bánh chưng nhiều đến nỗi… nôn cả ra. (Cười) Sau đợt đó, tôi mới không dám ăn quá nhiều nữa.
Ngoài được ăn bánh chưng thỏa thích, tôi nhớ cái giá rét khi ngồi rửa lá dong. Rồi vo gạo nếp, đỗ xanh…Tôi thấy trẻ con bây giờ sướng hơn nhiều, nhưng lại không được trải qua cảm giác thích thú khi ăn cái bánh chưng do mình tự gói. Trẻ con thời trước, ăn miếng bánh chưng còn cảm nhận được cái giá rét, sự quây quần, khoảnh khắc gia đình…
Đối với cuộc sống khó khăn trước đây, cứ nghĩ đến miếng bánh chưng, miếng giò ngày Tết thì tôi thấy chẳng món gì… ngon bằng.
Khi ba chị ra đi, để lại khoảnh trống trong chị thế nào mỗi khi Tết đến?
Chúng ta không thể làm gì đối với quy luật sinh- diệt của cuộc sống. Chúng ta phải chấp nhận rằng một ngày nào đó, người thân của chúng ta sẽ ra đi. Tôi nghĩ rằng, cho dù những năm gần đây Tết không còn ba nhưng cả gia đình và mẹ luôn ra mộ ba. Đó là những khoảnh khắc nhớ về ba rất ý nghĩa.
Gia đình chị vẫn giữ được thói quen gì khi Tết đến?
Trước đây, Trí Minh còn ở Việt Nam thì chị em tôi thắp hương ở nhà mình xong là chạy sang nhà mẹ. Giờ thì gia đình Trí Minh sống ở nước ngoài rồi. Tết năm nay, gia đình cậu ấy về Hà Nội.
Có thói quen nữa tôi vẫn giữ đó là đi lễ chùa ngay sau thời điểm giao thừa. Có năm tôi đi lễ cùng bạn bè, cùng ca sĩ Tùng Dương.
Nổi tiếng nấu ăn ngon trong giới nghệ sĩ, Thanh Lam thường trổ tài nấu món gì trong dịp đặc biệt này?
Là người yêu ẩm thực, trong những ngày Tết, tôi luôn luôn thích nấu những món ăn cổ truyền, món ăn Việt. Cũng giống như hát, có lúc tôi đầy ngẫu hứng trong việc nấu nướng.
Tôi hay chiêu đãi người thân, bạn bè món cá chép om dưa. Tết năm vừa rồi, tôi làm lẩu mời nhóm bạn đến nhà ăn, có cả gia đình Tùng Dương. Tôi mới mua nồi của nước ngoài, bên trong nồi hầm có nồi đất đẹp lắm. Hôm đấy, tôi lại bưng nồi đất ra nấu trên bếp ga. Thế là cái nồi sau đó bị vỡ, nước bắn vào cả chân con trai Tùng Dương. Nghĩ lại vẫn thấy sợ.
Thiện Thanh, Đăng Quang đang sống cùng bố, con gái đầu của chị thì đã có gia đình riêng, có con… Vậy Tết này, các con có về sum vầy cùng mẹ?
Các cháu đã lớn, luôn gần gũi mẹ và gia đình. Những ngày Tết, Đăng Quang đang đi học xa, tôi cũng rất nhớ con.
Có thể hiểu, Tết chị vẫn… một mình?
Tôi nghĩ, thời gian một mình cũng rất quan trọng. Những khoảnh khắc sống một mình để thấy rằng khi có người thân ở xung quanh càng ý nghĩa hơn nữa.
Nhiều người bây giờ quan niệm, Tết đến là đi du lịch, đi chơi, không còn mặn mà sum vầy, thăm hỏi họ hàng như Tết truyền thống, chị thì sao?
Tôi thấy Tết mọi người cứ đi hết nước này nước nọ. Bản thân tôi lại rất thích Hà Nội những ngày 30, mùng 1 Tết bình yên, cứ như Hà Nội của… riêng mình. Vì thế, tôi ít khi đi xa Hà Nội vào dịp Tết mà tận hưởng ngay những khoảnh khắc bình yên như thế.
Cũng mỗi khi Tết đến, nhiều người có thói quen sắm đồ mới, không quần áo thì cũng giầy dép, trang sức. Còn chị?
Tôi cũng tự thưởng cho bản thân, mua sắm món đồ gì để mình vui nhất mỗi khi Tết đến. Tôi thích cây cối, thích trang sức.
Chị có kiêng kị điều gì trong dịp Tết?
Tôi không kiêng kị gì đặc biệt.
Bên cạnh những hân hoan, niềm vui; chị có sợ điều gì khi Tết đến?
Sợ nhất là tắc đường. Những ngày cuối cùng của năm thường rất đông. Hầu như các con phố đều tắc. Cứ cuối năm là người người tất bật trên đường. Chỉ có đêm 30 Tết, tôi thấy đêm rất vắng lặng. Đó là những khoảnh khắc rất yên ắng, đẹp của Hà Nội.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn