Khi NSƯT Tấn Minh cùng tập thể Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long bắt tay vào thực hiện chương trình nghệ thuật “Hà Nội xưa và nay”, nhiều người đã gọi đây là “cuộc chơi mạo hiểm”, “canh bạc nghệ thuật”… Sở dĩ người ta gọi như vậy bởi trong thời điểm thị trường âm nhạc đang đầy rẫy khó khăn mà lần đầu tiên đến với thị trường NSƯT Tấn Minh lại dám đem một chương trình nghệ thuật “nặng đô” như vậy đến với công chúng thưởng thức nghệ thuật quả là mạo hiểm như đang chơi trò đỏ đen.
Bản thân diva Mỹ Linh khi chia sẻ trong chương trình cũng bày tỏ rằng, chị cảm thấy run thay, run lây cho người anh của mình ngay từ khi được mời tham gia biểu diễn trong chương trình.
“Nhìn thấy anh Minh “đứng mũi chịu sào” để làm một chương trình lớn như thế này tôi run lắm. Nhưng sau khi đứng ở dưới sân khấu xem xong màn múa Tễu, tôi thở phào nhẹ nhõm. Bụng bảo dạ: “Xong rồi. Thế là xong rồi”. Đến khi song ca với anh Minh tôi lại run trở lại. Tôi với anh Minh song ca với nhau rất nhiều rồi nhưng đây là lần đầu tiên song ca với anh Minh trong một trạng thái hết sức căng thẳng nên tôi cũng lây cái sự căng thẳng đó của anh…”, diva Mỹ Linh chia sẻ.
Thực tế, trong suốt chương trình “Hà Nội xưa và nay”, tiếng vỗ tay chưa hề ngơi ngớt. Mỗi tiết mục dường như đã chạm đến trái tim của người nghe, bất kể đó là tiết mục quen thuộc, đơn giản, dễ nghe… hay tiết mục mới lạ, cầu kỳ, gai góc…
Mở đầu chương trình là một Hà Nội xưa với những âm thanh - hình ảnh quen thuộc như: tiếng rao quà vặt, tiếng leng keng bán kem, tiếng hát xẩm ở góc chợ hoặc hình ảnh chú Tễu thường thấy ở các sân khấu thủy đình, canh hát ả đào, chiếc xe kéo tay…
Những âm thanh, hình ảnh đó như gợi nhắc về một Hà Nội hào hoa phong nhã mà rất đỗi thân thương đã từng in đậm trong ký ức của bao thế hệ. Ở đó, tiếng hát trở thành chiếc cầu nối thời gian đưa người nghe tìm về chốn cũ. Tiết mục “Đêm ả đào” do Hồng Duyên, Lô Thủy và Minh Thu khép lại những hoài niệm nhưng gieo vào lòng người những vấn vương khó gọi tên bằng ngôn ngữ.
Ba tiết mục cuối của “Hà Nội xưa” gồm: Trên đỉnh Phù Vân - Mỹ Linh, Hoá mã -Thanh Thanh Hiền và múa Thiền đã làm cho khán giả ngập chìm trong sắc màu của cũ – mới. Cách thể hiện “Trên đỉnh Phù Vân” của diva Mỹ Linh ở tuổi ngoài 40 đã mang đến cho người nghe những thanh âm mang đầy tính chiêm nghiệm. Âm hưởng ca trù chất chứa trong bài hát đã không còn liêu trai ma mị mà rõ nét những u buồn trầm mặc của đời sống.
Tiết mục “Hoá mã” của Thanh Thanh Hiền lại khiến người ta liên tưởng đến tuồng, chèo và hát bội. Cách thể hiện “nhập đồng” của nữ nghệ sỹ này làm cho sân khấu ngập tràn màu sắc tâm linh nhưng cũng rất gần với tâm thức của mỗi người Việt. Có đôi chỗ người xem không thể nhận ra được đâu là chị đang hát và đâu là đang diễn. Sự biến hóa liên tục của giai điệu âm nhạc cộng với những động tác biểu diễn rất đỗi điêu luyện đã làm cho tiết mục lúc xa lúc gần, lúc sợ lúc yêu.
Nếu các tiết mục đầu hơi “nặng” khiến người nghe phải căng mình khi thưởng thức thì tiết mục múa Thiền đã làm dịu bớt những cái nhăn đầy suy tư ấy. Ngôn ngữ múa cộng hưởng với âm thanh và ánh sáng đã tạo ra một thước phim đa nghĩa. Khán giả đã vỗ tay không ngớt khi 3 nghệ sỹ múa dứt động tác chụm đầu xoay người hoặc trườn người lăn mình trên sân khấu. Mỗi một động tác múa mang đến những cảm nhận riêng về vô thường, về tu thiền và về đức tin chất chứa trong mỗi con người.
Phần hai của chương trình, Hà Nội mang âm thanh và hơi thở của thời hiện đại. Đó là nỗi nhớ của những người con đi xa hướng về mảnh đất này bằng tất cả tình yêu và khát khao ngày trở lại.
Tiết mục Trở về NSƯT Tấn Minh - Khánh Linh và tập thể Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Cây vĩ cầm - Khánh Linh, Nhớ mùa thu Hà Nội - Lô Thuỷ, Hà Nội của tôi - Minh Thu, Phố không mùa - Đông Hùng, Hà Nội đêm trở gió - Mỹ Linh, Mong anh về Mỹ Linh - Tấn Minh… liên kết với nhau như một câu chuyện kể đầy những lời thủ thỉ. Ở đó, mọi thứ thân thuộc và ngọt ngào như chính tình yêu của một chàng trai dành cho một cô gái. Hà Nội vì thế mà nghiêng nghiêng trong những thanh âm lúc khoan lúc nhặt, lúc bổng lúc trầm… mà dù có nghe đi nghe lại người ta vẫn không hề biết chán.
Có người gọi vui phần ba của chương trình là một cách “biểu dương lực lượng” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long bởi ở phần này toàn bộ lực lượng của Nhà hát đều được tung ra hết. Những tiết mục: Nồng nàn Hà Nội, Hà Nội trà đá vỉa hè, Hồ Gươm sáng sớm, Tan vào Hà Nội, Hà Nội 12 mùa hoa, Trở về… đã làm cho Hà Nội trở nên bừng sức sống.
Sức sống ở đây chính là sự vươn mình trỗi dậy của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Sức sống đó còn là những hình ảnh quen thuộc ai cũng có thể bắt gặp mỗi khi đặt chân đến đây. Sức sống đó chính là sự quyện hòa của những giọng hát căng tràn sức trẻ đã gắn bó với Nhà hát này nhiều năm. Cách dàn dựng để mỗi nghệ sỹ khi cất giọng đều là một điểm nhấn hoặc cách bè phối đầy ăn ý mỗi khi hát với nhau đã khiến cho người nghe hào hứng tột độ.
Trong suốt hai tiếng đồng hồ, “Hà Nội xưa và nay” đã thực sự làm cho người xem đã cả phần nghe lẫn phần nhìn. Người ta không chỉ thấy ở mỗi tiết mục là một sự đầu tư đầy nghiêm túc mà còn là một sự chỉn chu đến từng chi tiết. Từ dàn nhạc, cách dựng sân khấu, cách điều chỉnh ánh sáng… và cả phần biên đạo múa. Có thể nói, cú “xuất quân” đầu tiên của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã thu được “thắng lợi” ngoài mong đợi.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn