Nhan nhản "bình hoa di động" trên phim Việt
“Bình hoa di động” là cụm từ mà nhiều người dùng để chỉ những diễn viên chỉ biết phô diễn ngoại hình trước ống kính chứ không biết diễn xuất hoặc diễn xuất rất kém. Và mặc dù công nghệ sản xuất phim Việt đang được đánh giá là tiến bộ từng ngày nhưng tình trạng “bình hoa di động” lượn lờ trên phim thì vẫn còn nhan nhản.
Rất nhiều khán giả đã không tiếc lời “ca thán” về khả năng diễn xuất “siêu chán” của hai nữ diễn viên Lee Balan và Thanh Bi trong bộ phim “Người phán xử”. Trong phim, Lee Balan vào vai Bích Ngọc, một chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ tuổi có tính cách thẳng thắn. Vai diễn được đánh giá là có nhiều “đất diễn” cho Lee Balan đánh bật mình nhưng nữ diễn viên này lại diễn rất kém duyên và mờ nhạt.
Với gương mặt khả ái và chiều cao 1m70, Thanh Bi được đạo diễn “chọn mặt gửi vàng” cho vai Vân Điệp, bồ nhí của anh chàng thiếu gia Phan Hải. Đây không phải là vai chính nhưng được xem là có nhiều mảng miếng giúp diễn viên trưng trổ tài năng. Tuy nhiên, lối diễn xuất “non tay” của Thanh Bi đã khiến cho nhân vật Vân Điệp mờ nhạt và bị đuối về sau.
Tim trong phim “S.O.S Sói trắng” của đạo diễn Lê Hoàng ra mắt hồi tháng 6/2017 cũng bị xem là “nên chuyên tâm cho việc ca hát”. Trong phim, Tim được giao đóng vai ca sĩ Jimmy (vai chính) yêu cô gái trẻ Ly. Dù đã từng đóng vài bộ phim nhưng nam ca sĩ này vẫn chưa đủ sức thể hiện những vai nặng ký mang nhiều sắc thái tâm lý phức tạp. Có khán giả hài hước: “Tim chỉ thực sự tỏa sáng trong các cảnh anh đứng hát trên sân khấu trong phim…”.
Ngoài Tim, người mẫu Quỳnh Hương ("gà cưng" của Vũ Khắc Tiệp) được giao vai nữ chính trong phim nhưng ngoài vẻ đẹp bắt mắt thì người đẹp này không thể hoàn thành được vai diễn khi diễn xuất gượng gạo, đặc biệt là những cảnh nặng tâm lý, biểu cảm…
Cách đây không lâu, vai diễn của hotgirl Hạ Vi trong bộ phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân cũng bị chê tả tơi khi để lộ nhiều điểm yếu của mình trong diễn xuất. Dù được giao vào vai Tấm - nhân vật chính và được làm việc chung với dàn diễn viên “cứng cựa” nhưng Hạ Vi vẫn khiến khán giả thất vọng vì cách diễn xuất không cảm xúc, không điểm nhấn… ngoại trừ tạo hình đẹp.
Khán giả quay lưng, thụt lùi đáng kể
Đạo diễn Dũng Nghệ nhìn nhận rằng, có hai nguyên nhân khiến cho tình trạng “bình hoa di động” vẫn còn nhan nhản trên màn ảnh Việt, gây nên sự nhàm chán nhất định cho người xem, làm thụt lùi đáng kể sự phát triển của điện ảnh. Nguyên nhân thứ nhất theo nam đạo diễn là do những bất cập trong khâu tuyển sinh và đào tạo của các trường nghệ thuật. Nguyên nhân thứ hai là do yêu cầu của các nhà tài trợ và quảng cáo.
“Thực tế cho thấy, để tìm được những gương mặt vừa có tài năng, lại vừa có ngoại hình đẹp là rất hiếm. Nên có không ít nhà cơ sở đào tạo ưu tiên yếu tố ngoại hình khi tuyển chọn với hi vọng tài năng có thể đào tạo.
Ở nguyên nhân thứ hai, khi quyết định đầu tư cho phim, các nhà tài trợ cần những gương mặt đẹp, những nhân tố đang gây sốt cộng đồng mạng hoặc những celeb có sẵn một lực lượng fan hâm mộ nhất định để quảng bá thương hiệu sản phẩm nên thường ép các nhà sản xuất mời những diễn viên không chuyên đến từ các lĩnh vực khác như: người mẫu, ca sĩ , hotboy, hotgirl... tham gia vào phim.
Cũng có những trường hợp họ biết tự thay đổi chính mình và làm việc với sự cầu thị cao nhất nên dần dần khẳng định được mình trong lĩnh vực diễn xuất. Còn lại đa số đều là các “bình hoa di động". Tóm lại, nền công nghiệp điện ảnh và truyền hình của chúng ta đang rất thiếu những diễn viên toàn năng”, diễn viên Dũng Nghệ lý giải.
Tương tự, NSƯT Trịnh Kim Chi cũng cho rằng, khi bắt tay làm phim, các nhà sản xuất phải tính toán việc thu lợi nhuận nên ngoài việc đảm bảo tính hấp dẫn của kịch bản thì còn còn phải đau đầu với việc phát hành. Chính vì thế, nhiều nhà sản xuất phải mời những khuôn mặt “hot” để gây sự chú ý của khán giả. Đó là nguyên nhân khiến đến thời điểm này màn ảnh Việt vẫn còn những gương mặt mới không qua trường lớp diễn xuất hoặc không phải thuộc lĩnh vực điện ảnh.
“Theo tôi được biết, hiện nay các nhà làm phim cũng khá cẩn thận khi mời những gương mặt mới không qua trường lớp. Họ sẽ có những khóa dạy cấp tốc cho những nhân vật này để vào phim tốt hơn. Nhưng đôi khi chỉ đẹp thôi chưa đủ mà cần năng khiếu nữa. Chỉ đào tạo một thời gian ngắn, tôi nghĩ quá khó với những “bình hoa di động thiếu nước”... và điều đó khiến khán giả khó chịu khi xem phim”, nghệ sĩ họ Trịnh nói.
NSƯT Trịnh Kim Chi phân tích rằng, những năm gần đây, điện ảnh Việt đã cập nhật cách làm phim của nước ngoài khá nhiều nên thị trường điện ảnh cũng đã có phần đổi khác. Tuy nhiên, phim truyền hình thì lại đáng lo ngại về chất lượng. Vì nhiều yếu tố mà nhà làm phim đã chọn những kịch bản phim nhàn nhạt và diễn viên “vừa “hot” vừa rẻ” khiến cho khán giả quay lưng với phim truyền hình.
“Tôi chỉ sợ càng lúc, phim truyền hình Việt càng hiếm phim có thể khiến khán giả giữ kênh xem cho tới hết”, nữ diễn viên này nói.
Đạo diễn Dũng Nghệ phân tích thêm rằng, khi khán giả truyền hình đã quá chán các diễn viên với những vai diễn na ná nhau cả về tính cách lẫn tạo hình nhân vật thì sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sức hút của phim.
Với diễn viên tay ngang, nếu được săn đón nhiều, họ sẽ ảo tưởng về giá trị bản thân, coi thường những nghệ sĩ chân chính và các bạn diễn được đào tạo bài bản. Thói kiêu ngạo, chảnh choẹ và căn bệnh "ngôi sao" cũng từ đó mà ra. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của lớp trẻ.
Thay vì chịu khó học hỏi, trang bị cho mình một nền tảng văn hoá tốt, chịu khó trải nghiệm… để có thể bước đường dài thì họ chọn cách ngắn nhất, nhanh nhất và dễ bị lãng quên nhất đó là tạo scandal để được chú ý.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, ngoài công nghệ làm phim thì tình trạng nghiệp dư hóa của diễn viên không chuyên đã khiến cho phim Việt bị khán giả quay lưng. Số lượng phim sa đà vào chuyện “mua vui” ngày càng nhiều khiến cho thị trường phim kém về doanh thu, khó bán bản quyền, không thể tranh giải, không gây được tiếng vang… mà còn làm cho điện ảnh Việt có những thụt lùi đáng kể.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn