Sáng 27/11, gần 100 đại biểu là cán bộ quản lý nhà nước, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, bảo tồn cùng các cơ quan thông tấn báo chí đã tham dự hội thảo về Không gian di sản với chủ đề “Bảo tồn & phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TPHCM”. Chương trình do Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM và Công ty Cổ phần Minerva tổ chức, dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, phát biểu tại buổi khai mạc đã cho biết: "Sài Gòn - TP.HCM với bề dày hình thành và phát triển hơn 300 năm, còn thừa hưởng những dấu ấn di sản kiến trúc cảnh quan văn hóa quan trọng. Trước động lực phát triển kinh tế, đang đặt ra các thách thức bảo tồn những không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị có giá trị di sản. Câu hỏi đặt ra là, để công tác Bảo tồn di sản kiến trúc cảnh quan đô thị đạt hiệu quả, cần những giải pháp, cách làm nào? Làm sao để khuyến khích động lực và nguồn lực đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản?”
Hội thảo đã phác họa bức tranh toàn cảnh về hiện trạng các công trình cần nghiên cứu bảo tồn và chương trình bảo tồn mà thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện, đồng thời đi sâu vào phân tích các mô hình, giải pháp, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Trong hội thảo đã có 8 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu trao đổi đến từ các chuyên gia của Việt Nam, Pháp, Ý, nhóm chuyên gia đến từ Thượng Hải, Singapore... Trong đó, đáng chú ý là tham luận của kiến trúc sư Nicolas Viste giới thiệu về biệt thự 110-112 Võ Văn Tần với đề xuất phục dựng, bảo tồn và tôn tạo lại biệt thự sau thời gian gần 3 năm tập trung vào việc đánh giá, phân tích về giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc.
Kiến trúc sư (KTS) Nicolas Viste (Pháp), trưởng nhóm trùng tu biệt thự Võ Văn Tần, cho biết biệt thự này được xem là báu vật quốc gia nhờ vào các thiết kế mô phỏng một cách đặc biệt về văn hóa Việt Nam đã bị bỏ quên theo thời gian. Sau những nghiên cứu và đánh giá, KTS Nicolas Viste cho biết, nhà thiết kế biệt thự cổ này đã chọn lựa những phương pháp tân tiến nhất và vật liệu chất lượng nhất thời đó để tạo nên một kết cấu biệt thự bền vững theo thời gian.
Kiến trúc sư Nicolas Viste đã có những đánh giá chuyên sâu, phân tích và định lượng các thiệt hại, hư tổn ảnh hưởng đến tòa nhà bằng các cuộc điều tra, giải thích nguồn gốc các thiệt hại, từ đó đề xuất biện pháp sửa chữa thích hợp. “Tất cả các hạng mục và thành phần của ngôi biệt thự sẽ nhận được sự chăm sóc tỉ mỉ trong các bước phục dựng, theo tiêu chuẩn quốc tế về kinh nghiệm tốt nhất, để duy trì toàn vẹn và làm sống lại vẻ đẹp độc đáo của nó”, kiến trúc sư Nicolas Viste phát biểu tại hội thảo.
Kiến trúc sư Trần Văn Khải cũng đưa ra những cơ sở lý luận và pháp lý của việc trùng tu ngôi biệt thự này cùng với đề xuất đặt tên cho khu vực di sản cũng như phương án bảo tồn biệt thự 110-120 Võ Văn Tần. Ông khẳng định, việc bảo tồn di tích 110-112 Võ Văn Tần có tác dụng trong việc khôi phục và phát huy bản sắc đô thị cổ của vùng quận 3 và rộng hơn.
Sau hơn hai năm khảo sát, giữa tháng 12/2018, biệt thự Võ Văn Tần sẽ chính thức được trùng tu. Bước đầu tiên sẽ phá bỏ những dãy nhà xung quanh được xây dựng sau này. Sau đó sẽ trùng tu tòa nhà chính, hội trường âm nhạc, các nhà phụ, vườn, ba cổng vào và hàng rào. Thời gian trùng tu kéo dài hơn ba năm. Ê-kíp trùng tu là các chuyên gia đến từ Ý, Pháp...
“Ý định giữ nguyên di tích biệt thự số 110 -112 Võ Văn Tần Q.3 TP.HCM là một hành vi sáng suốt, mang lại giá trị to lớn không những cho xã hội mà cho chính người chủ di sản - Công ty Cổ phần Minerva”, kiến trúc sư Trần Văn Khải khẳng định sau hội thảo.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng chia sẻ thêm, sau khi tham quan thực địa biệt thự 110-112 Võ Văn Tần và trao đổi cùng những người phụ trách dự án đã cho thấy thấy quy trình khảo sát để lập kế hoạch, phương án trùng tu công trình và dự kiến công việc tiếp theo được thực hiện khoa học, bài bản.
Kết thúc hội thảo, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa đánh giá Không gian di sản - Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM được làm sớm, đúng lúc, cung cấp nhiều góc nhìn cũng như những chia sẻ hữu ích để các cơ quan quản lí nhà nước, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà đầu tư và cả người dân cùng đồng hành trong quá trình bảo tồn và giữ gìn những kiến trúc đẹp, di sản văn hóa của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tác giả: Băng Châu
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn