Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật Điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi tới Bộ Tư pháp cho biết, cả nước hiện có 5 cơ sở phát hành và phổ biến phim trong nước, 7 cơ sở phát hành và phổ biến phim có vốn nước ngoài thường xuyên tham gia các hoạt động phát hành phim.
Tính đến tháng 12/2018, cả nước có 180 rạp/cụm rạp với khoảng 930 phòng chiếu, số lượng ghế ngồi khoảng 130.000 ghế, vượt chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển điện ảnh tới năm 2020, tầm nhìn 2030.
“Do số lượng phim nhập khẩu nước ngoài và số lượng phim Việt Nam sản xuất tăng, số lượng phim không cho phép phổ biến cũng có xu hướng tăng. Từ năm 2007 đến năm 2018 đã có 233 phim không được phép phổ biến” - báo cáo cho hay.
Trong khi đó, công tác chiếu phim ở các địa phương chủ yếu vẫn là hoạt động chiếu phim lưu động. Hết năm 2018 cả nước có 265 đội chiếu phim lưu động, trung bình hàng năm các đội chiếu phim lưu động ở các địa phương đã phục vụ trên 43.200 buổi chiếu với trên 9 triệu lượt người xem.
Nhiều kẽ hở, phim nước ngoài chiếm lĩnh thị trường
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định nhiều quy định của Luật Điện ảnh chưa cập nhật với tình hình phát triển của nền kinh tế thị trường hoặc chưa có quy định nhằm bảo vệ và phát triển điện ảnh dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo cam kết quốc tế, Việt Nam không quy định hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài. Luật Điện ảnh cũng không quy định tỷ lệ chiếu phim Việt Nam trong những khung thời gian nên không có một hạn chế nào đối với việc chiếu phim nước ngoài tại Việt Nam.
“Từ đó dẫn tới việc phim nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, phim Việt Nam rất khó đưa vào hệ thống rạp chiếu phim hoặc nếu được các rạp chiếu phim chấp nhận thì chỉ chiếu ở những giờ xem không thuận lợi với số lượng suất chiếu mỗi ngày cũng rất hạn chế”- Bộ này nêu thực tế.
Bên cạnh đó, luật hiện hành cũng chưa quy định cụ thể đến phương thức phát hành phim qua vệ tinh, trên internet đối với các nhà phát hành có máy chủ đặt tại Việt Nam, cũng như chưa đề cập đến phương thức phát hành phim xuyên biên giới.
“Trên thực tế, đây là phương thức phát hành phổ biến trên thế giới, mới được đưa vào Việt Nam trong những năm gần đây, song hứa hẹn phát triển mạnh mẽ thông qua những nhà phát hành lớn như Netflix, Amazon Prime Video,… Tuy nhiên nhà nước chưa có chính sách đối với những vấn đề nêu trên gây khó khăn cho công tác quản lý điện ảnh và thất thu thuế cho ngân sách”- báo cáo cho hay.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định việc tổng kết, đánh giá đề xuất xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) trong thời điểm hiện nay trở thành nhiệm vụ có tính bức thiết nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp để tăng cường quản lý các hoạt động điện ảnh trên cả nước trong thời gian tới.
Tại cuộc họp hội đồng thẩm định vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến đánh giá tác động của chính sách, phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của của đề nghị xây dựng Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Một số thành viên hội đồng thẩm định đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên hội đồng thẩm định và tiếp tục rà soát, chỉnh lý để Bộ Tư pháp hoàn thành báo cáo thẩm định.
Tạo công bằng khi mở rộng đối tượng nhập khẩu phim
Luật Điện ảnh quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim”.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến thời điểm hiện tại việc quy định này đã không còn phù hợp. Lý do bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển vượt bậc về số lượng phòng chiếu và số lượng phim nhập khẩu. Điều này dẫn đến việc thống lĩnh thị trường và kiến nghị kéo dài của các doanh nghiệp Việt Nam và Hiệp hội phát hành, phổ biến phim Việt Nam.
“Thực tế này tiềm ẩn nguy cơ phim nước ngoài lấn át, gây khó khăn cho phim Việt Nam đưa vào phát hành, phổ biến tại hệ thống rạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển điện ảnh dân tộc”- báo cáo cho hay.
Chính vì thế, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đề xuất sửa đổi quy định điều kiện thành lập doanh nghiệp nhập khẩu phim, mở rộng đối tượng được nhập khẩu phim đến các đơn vị sự nghiệp nhằm tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, phổ biến phim giữa các doanh nghiệp.
Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn