Thưa ông, ông từng làm giám khảo của nhiều cuộc thi nhan sắc, là nhà hoạt động văn hóa, ông nghĩ gì về ồn ào xung quanh cuộc thi Hoa hậu Đại dương và các cuộc thi hoa hậu thời gian vừa qua?
Trước hết, những sự việc vừa qua tôi có theo dõi. Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ là sự thương cảm với Hoa hậu Ngân Anh và gia đình cô ấy. Phải hiểu rằng gia đình cô ấy đang chịu áp lực rất lớn. Đương nhiên trước hết là áp lực của dư luận.
Dư luận có lý khi cảm thấy bất ổn trong kết quả và có thể đưa ra nhận xét. Nhưng báo chí và dư luận nên hiểu một điều rằng, kết quả này là do các giám khảo cuộc thi ấy quyết định chứ không phải do thí sinh quyết định.
Nên tôi cho rằng, công luận đừng chĩa mũi nhọn vào cá nhân ai.
Tôi từng là nhà báo, từng tham gia giám khảo nhiều cuộc thi nhan sắc, tôi rất chia sẻ điều này. Rõ ràng vấn đề cần đặt ra bây giờ là nhận thức về chuẩn mực của cái đẹp.
Từng ngồi ghế Trưởng BGK cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tôi thấy đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại về cái gọi là "vẻ đẹp tự nhiên", bên cạnh đó chúng ta phải tôn trọng quyền làm đẹp của con người. Luật pháp cũng nên điều chỉnh tiêu chuẩn để tìm được cái đẹp tự nhiên trên nền tảng tôn trọng quyền được làm đẹp của con người. Ở đây chính là mức độ can thiệp đến đâu của phẫu thuật thẩm mỹ.
Rất nhiều hoa hậu sau khi đăng quang họ lại làm đẹp, ai làm gì họ đâu? Rõ ràng có những cái đẹp tự nhiên, có những cái đẹp con người tự tạo cho mình nó cũng là giá trị chứ, tại sao lại không? Cho nên, vấn đề còn lại chính là tiêu chí cuộc thi. Vẻ đẹp tự nhiên nghe rất dễ hiểu, nhưng thế nào là vẻ đẹp tự nhiên cần có giải thích rõ ràng.
Hơn nữa, cái cách phê phán của “cộng đồng mạng” cũng quá khắt khe. Tôi nghĩ rằng, trước mắt mong các bạn buông tha, đừng quá khai thác đời tư cá nhân của ai đó. Tôi nghĩ rằng đến lúc nào đó, những thông giật gân kiểu như vậy cũng không “ăn khách”, cho nên hãy thực sự đóng góp với tinh thần nhân bản để hướng tới điều tốt đẹp.
Còn trừ khi chúng ta phát hiện ra cái gì tiêu cực thì phán xét sau. Ở đây chưa ai nói có chuyện tiêu cực cả, có thể chỉ có sự hạn chế của một ban giám khảo nào đó… Mà tôi nói thêm, đừng tuyệt đối hóa thế giới mạng để tạo ra quyền lực. Tôi rất mong gia đình các cháu tham gia nên có bản lĩnh, vì các cháu còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm phải đối mặt với dư luận đôi khi lại vô cùng khắt khe.
Trở lại vấn đề về mặt quản lý, nhiều ý kiến cho rằng ồn ào quanh cuộc thi Hoa hậu Đại đương mà chỉ xử phạt hành chính với BTC là một biện pháp quá nhẹ?
Thế dư luận muốn phạt gì?
Có ý kiến cho rằng cần phải tước danh hiệu của Hoa hậu thì mới thỏa đáng. Ý kiến của ông thế nào?
Tước ư? Rồi để làm gì? Vì chúng ta cũng đã quá quan trọng những cuộc thi này.
Thực ra đây là một chương trình mang tính giải trí. Mỗi năm số lượng các cuộc thi đã bị khống chế rồi, cái nào được gọi hoa hậu, cái nào được gọi là hoa khôi, thế nào được gọi là người đẹp. Nếu bạn thi người đẹp của phường cũng được, không ai cấm.
Có những cái phản cảm như trong lúc đồng bào đang gặp bão lũ thì tránh đi, đấy là ứng xử xã hội để đừng gây phản cảm.
Việc xử phạt cũng phải trên cơ sở luật lệ. Kể cả việc tước danh hiệu thì cũng phải căn cứ trên cơ sở pháp luật.
Hơn nữa, việc chúng ta giầy vò một người để làm gì, chẳng nhẽ chúng ta sung sướng trên chuyện đó hay nhân danh là chân lý? Suốt thời gian qua, thông tin về Hoa hậu Đại dương trên báo chí như thế là quá đủ. Điều quan trọng sau này cuộc thi còn có uy tín nữa hay không, cá nhân những người đoạt danh hiệu đóng góp gì cho cộng đồng?
Từ câu chuyện này, tôi nghĩ cần chuẩn mực hơn, một người “đã trải qua thẩm mỹ” như thế có được tham gia không? Phải ghi rõ và thông báo cho tất cả các thí sinh rằng các cháu đã chót làm và dù có rút ra thì cũng đừng thi nữa. Đấy là do chuẩn mực chúng ta chưa rõ ràng, nó chỉ có câu chung chung là vẻ đẹp tự nhiên, không can thiệp của phẫu thuật, mà nói như thế thì vô cùng…
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn