Những cái tên dài ngoằng, khó hiểu
Năm 2018, khi bộ ba Marzuz, Gill và Onionn tung ca khúc “Và thế giới đã mất đi một người cô đơn” đã gây bàn tán xôn xao vì tựa đề quá dài. Bài hát có tựa đề 10 từ này nói về chuyện tình đẹp của hai con người đã tìm thấy nhau giữa thế giới rộng lớn. Dẫu tựa đề hơi dài nhưng nhiều người vẫn chấp bởi đó là lời trích ra từ bài hát và đọc qua người ta có thể hiểu ngay.
Tuy nhiên, mới đây, khi Bích Phương đặt tên cho MV của mình bằng cụm từ “Em bỏ hút thuốc chưa - người yêu cũ nhắn tin hỏi nhưng bích phương không muốn trả lời” thì nhiều người đã không khỏi choáng váng. Lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc có tựa đề một MV dài đến 18 từ. Điều đáng nói, tựa đề MV không toát lên được bất kỳ một thông điệp nào.
Trước đó, nữ ca sĩ này còn trình làng MV dài tới 10 từ “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” trong dự án “Việt Nam - Việt Nam”. MV tái hiện đám cưới của người Dao với nghi thức trao lời thề ước và kết hôn dựa trên bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ ở vùng núi rừng Tây Bắc. Tuy nhiên, tựa đề bài hát và với nội dung ca khúc không có chút liên quan gì đến nhau.
Tiếp nối “trào lưu” này, giọng ca Phan Ngân và Hải Sâm cũng tung ra một ca khúc dài không kém “Em không muốn mình cao thêm tí nào nữa đâu nhé”. Ca khúc nói về chuyện yêu xa giữa đôi trai gái người Nam - kẻ Bắc nhưng tựa đề lại khiến người ta “rối trí”.
Mới đây, Chi Pu lại bất ngờ tung teaser cho ca khúc mới toanh với tựa đề “Lẳng lặng mà nghe Chi Pu kêu con cờ ra, cờ ra con mấy, số gì đây số gì đây?” khiến cộng đồng mạng xôn xao. Tên của bài hát không chỉ dài mà còn vô cùng khó hiểu. Không ai lí giải được ẩn ý hoặc thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua cách đặt tên này.
Việc đặt tên sản phẩm âm nhạc của mình bằng những cụm từ vừa dài, vừa khó hiểu… đang có xu hướng trở thành “trend" trong giới Vpop. Nhiều người lo ngại, nếu cứ chú trọng đến việc đặt tên sản phẩm âm nhạc theo cách khó hiểu để gây sốc và gây chú ý mà bỏ qua tính thẩm mỹ thì âm nhạc sẽ không còn là âm nhạc.
Chỉ là một hình thức tạo “trend”, gây tò mò?
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương cho rằng: “Nghệ sĩ thì cần phải sáng tạo không ngừng nếu muốn tồn tại lâu trong nghề. Tôi cho đây cũng là một sự sáng tạo và nên tôi ủng hộ. Nó cũng là nghệ thuật, nghệ thuật biết cách lôi cuốn, hấp dẫn khán giả. Tôi vốn ưa sự đặc biệt, nghệ sĩ bạn dám làm những điều người bình thường khó mà nghĩ ra. Tôi nghĩ sẽ có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tôi thấy thú vị đấy”.
Theo nữ nhạc sĩ họ Lưu, mỗi ngày có quá nhiều sản phẩm ra mắt, nếu các nghệ sĩ trẻ không tạo ra được ấn tượng riêng, có chất “điên” trong mỗi sản phẩm thì bạn sẽ bị mờ nhạt.
“Tôi không nghĩ họ dùng chiêu trò đặt tên bài dài để gây chú ý mà đó là những tính toán thông minh của nhạc sĩ cũng như ê-kíp. Các dòng indie, underground… hầu hết mang ngôn ngữ đời vào ca khúc. Đa phần là những câu nói đời thường chúng ta hay bắt gặp ngoài đời. Trước đây, họ thiên về dùng lối ẩn dụ, dùng nghĩa bóng… nhưng nay người viết trẻ dùng từ rất thẳng”, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương chia sẻ thêm.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lại bày tỏ: “Ngày nay, các nghệ sĩ trẻ, dường như không còn chú trọng đến tính thẩm mỹ toàn vẹn ca khúc. Để được khán giả trẻ chú ý, họ có thể đặt tên theo teen code, theo mật mã, theo lối chơi chữ hoặc theo ký hiệu của mạng xã hội hoặc bất cứ câu nói nào có thể tạo “trend”.
Tất nhiên, đó là quyền của mỗi nghệ sĩ, họ không làm sai, không làm trái với điều gì. Không ai có thể phê phán vì đó là đứa con tinh thần của họ. Thế nhưng, đối với những người làm chuyên môn thì điều này có thể không nhận được sự ủng hộ từ họ vì rõ ràng là những bài hát đó không còn tính thẩm mỹ toàn vẹn dù có thể nội dung rất hay, chất lượng rất tốt”.
Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, người ta có thể đặt tên bài hát dài nhưng phải có ý thơ và hợp lý. Còn nếu đặt dài mà trúc trắc, khó hiểu, vô nghĩa thì chỉ là một hình thức tạo “trend”, gây tò mò mà thôi.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận: “Tôi nghĩ, cách đặt tên dài loằng ngoằng và có chút gợi tò mò hoặc đôi khi hơi “bí hiểm” đều hướng tới một cái đích là người xem mạng xã hội. Đây là cách làm khá phổ biến của các youtuber trong các lĩnh vực khác từ nhiều năm qua và giờ nó đang được nhắc tới trong lĩnh vực ca nhạc - giải trí trên nền tảng số.
Cho nên việc một vài sản phẩm của một vài ca sĩ giải trí đặt tên sản phẩm như vậy có lẽ là mục đích ngay từ đầu đối với sản phẩm mà họ sản xuất là sẽ phát trên nền tảng số (mạng xã hội). Có thể cái tên đấy chỉ là tên file, tên để thu hút người xem nhấp chuột vào, còn tên đúng của tác phẩm chắc sẽ ngắn hơn. Thực tế, rất ít nhạc sĩ khi sáng tác ca khúc mà đặt tên dài vì một trong những nguyên tắc cơ bản của việc đặt tên là súc tích, cô đọng mà toát được tinh thần, thông điệp của tác phẩm.
Một số nhạc sĩ tiền bối cũng đặt tên dài. Chẳng hạn nhạc sĩ Phú Quang có bài “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi” có 6 chữ, thậm chí bài “Có một vài điều anh muốn nói với em” có tới 9 chữ. Dẫu vậy, phải khẳng định cách đặt tên bài hát của nhạc sĩ Phú Quang hoàn toàn mang tính chất và thông điệp nghệ thuật. Nó có sự khác biệt nhất định so với cách đặt tên clip dài của các sản phẩm âm nhạc phát trên nền tảng số của các ca sĩ trẻ hiện nay”.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn