Tháng 6/2017, tại Sài Sơn - Chùa Thầy, đạo diễn Việt Tú công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam ”Thủa ấy xứ Đoài" - lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, diễn viên là 140 người nông dân Sài Sơn, nhưng vở diễn đã đóng lại sau chưa đầy 10 buổi công diễn. Ngày 28/10, vở “Tinh Hoa Bắc Bộ” ra mắt với danh xưng “sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam” trên cùng một không gian sâu khấu và địa điểm Sài Sơn.
Nhà đầu tư của cả hai vở diễn triệu đô này đều là Tập đoàn Tuần Châu. Vì sao “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển lại đốt tiền “đập đi xây lại” hai sản phẩm gần như tương tự nhau ? Và đạo diễn Việt Tú nói gì khi có một vở “thực cảnh đầu tiên” xuất hiện sau vở diễn của anh?
Truyền thông rất bất ngờ và băn khoăn khi “Thuở ấy Xứ Đoài” vừa công diễn đã bị đóng còn anh thì im lặng. Chưa bao giờ nghe anh nói về việc khép lại tác phẩm mà anh dành tâm sức suốt 2 năm?
Đạo diễn (ĐD) Việt Tú: Trên tư cách tác giả và nhà sản xuất, tôi đã bàn giao vở diễn cho nhà đầu tư (NĐT) là tập đoàn Tuần Châu và họ đã mở bán vé. Còn việc vì sao họ dừng vở diễn thì tới ngày hôm nay, tôi vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời chính thức nào từ phía NĐT. Và tôi vẫn đang chờ lời chính thức mà họ cần phải nói với tôi.
Trong buổi họp báo công bố “Tinh Hoa Bắc Bộ” - ông Đào Hồng Tuyển, chủ tịch Tuần Châu đưa ra lý do: vở diễn không đáp ứng được yêu cầu của các đại lý du lịch, vì vậy NĐT phải đầu tư lại để xây dựng một dự án mới. Anh nói gì về điều này?
Đây là lí do chính cho việc tôi đồng ý lên tiếng, vì mọi việc đã bước qua ngưỡng lịch sự tối thiểu. Cho đến thời điểm này tôi chưa nhận được bất kỳ lời phàn nàn nào về chất lượng cũng như yêu cầu sửa chữa hay thay đổi vở diễn từ NĐT. Chúng ta đang nói về một dự án đầu tư hàng triệu đô! Trong suốt 15 năm làm nghề của tôi, tôi có thể khẳng định cho dù chỉ là 1 event nhỏ nếu đạo diễn làm đổ bể, việc bồi thường hay phải sửa chữa cho nhà đầu tư là đương nhiên.
Nên nói nhà đầu tư tiếp tục bỏ ra tiền tỉ lẳng lặng mời một đơn vị khác thực hiện một sản phẩm tương tự, và để yên cho ông đạo diễn làm hỏng sản phẩm thì quá vô lý. Nếu lý do là vở diễn không đáp ứng được yêu cầu đại lý du lịch - chính tôi cho đến tận bây giờ chưa nhận được bất kỳ văn bản nào có những phản hồi từ đại lý du lịch, hay chủ đầu tư.
Còn chất lượng vở diễn thế nào thì đã được truyền thông và những khán giả mua vé ghi nhận, bạn có thể kiểm tra với cụm từ “Thưở ấy xứ Đoài” với google search. Tôi mong NĐT trung thực khi đưa ra lí do, là một doanh nghiệp không nên tấn công nghệ sĩ theo cách không đàng hoàng như thế. Tôi sẵn sàng nhận lại vở diễn cũ và đảm bảo 2 năm tới thu hồi vốn dựa trên hệ thống phân phối sẵn có của mình.
Vậy phải chăng có gì uẩn khúc phía sau để NĐT thấy phải “cạch” anh ra?
Trong dự án này tôi chỉ lấy 40% số lương đáng lí mình được hưởng, đổi lại là 10% kinh phí bán vé trong suốt vòng đời của sản phẩm. Và có thể đây là mấu chốt của việc xuất hiện lí do vở diễn không đạt yêu cầu như họ đang quy chụp? Tôi có thể khẳng định rằng hiện tại dự án của ông Tuyển, hay nói chính xác là công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội vẫn đang nợ tôi tiền, và họ nợ không chỉ tôi mà các nghệ sĩ khác như họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, nghệ sĩ rối nước Chu Lượng…Tôi thấy thất vọng sâu sắc khi NĐT mà mình tôn trọng lại tấn công mình một cách không trung thực. Tôi vốn đã không muốn nói ra điều này, nhưng giờ đây sự bịa đặt đã đi quá giới hạn, chưa kể rất nhiều điều tôi đã sáng tạo đang bị nhận sằng.
Cả hai vở đều dùng người nông dân là diễn viên, phía NĐT cho biết đó là ý tưởng của ông Đào Hồng Tuyển nên họ có quyền sử dụng lại trong vở “Tinh Hoa Bắc Bộ”…
Ý tưởng đó là của tôi đưa ra. Ai cũng biết điều này, vấn đề ở đây là lòng tự trọng và đạo đức thôi.
Quay trở lại với vở diễn, anh muốn nói gì khi có tới hai vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam?
Thực ra tôi muốn mọi người tỉnh táo để không bị rơi vào bẫy tranh cãi qua đó pr miễn phí cho bất kỳ sản phẩm nào. Vậy nên tóm lược như sau: Vở diễn của tôi được ra mắt vào tháng 6 năm 2107, được cấp bản quyền từ tháng 8 năm 2016, điểm đặc sắc nhất của vở diễn bao gồm: tôi lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, khung cảnh làng quê Bắc Bộ tái tạo nguyên gốc, 140 nông dân biểu diễn trên mặt nước, nhà thuỷ đình 10 tấn nhô lên từ mặt hồ, vở diễn là sự kết hợp giữa chất liệu dân tộc với hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại. Chỉ cần đọc kỹ đường link liên quan trên các báo mạng cùng với bức tranh tổng thể về vấn đề tài chính do tôi cung cấp chúng ta sẽ có câu trả lời vì sao Thủa ấy Xứ Đoài lại đột ngột bị ngừng lại.
Quay trở lại với vở diễn, anh muốn nói gì khi có tới hai vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam?
Về bản chất ai cũng biết tôi làm gì và làm vào khi nào, tuy nhiên, vì nhu cầu độc giả, những người chưa có cơ hội tiếp cận với vở diễn của tôi thì tôi thông tin cơ bản như sau:
1. Vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam “Ngày xưa” hay còn gọi là Thủa ấy xứ Đoài được cấp đăng ký bản quyền vào tháng 8 năm 2016, ra mắt tháng 6 năm 2017.
2. Một vở diễn tương tự tính chất, xuất hiện sau đó 4 tháng, dùng lại hình thức thể hiện, chất liệu văn học, quy hoạch không gian bao gồm toàn bộ những gì hiện hữu (cảnh quan, hồ nước, nhà thuỷ Đình được nổi lên từ đáy nước, hạ tầng chuyển động) là một phần không thể tách rời trong ý tưởng xây dựng vở diễn đặc biệt này, không nên tráo đổi khái niệm nó là một công trình kiến trúc sân khấu phục vụ mọi hình thức - cũng xưng danh là “đầu tiên”, thì cảm giác của tôi là thương cho sự không biết trước biết sau, không biết đúng sai của họ.
Tác giả: Hoa Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn