“Huy Khánh từng không ai mời đóng phim chỉ vì… cái mũi”
Làm phim, tôi sợ nhất là người xem. Đến lúc phim chiếu thì tắt tivi, tắt đài, rồi bỏ đi lang thang.
Còn chán nhất là làm phim mà diễn viên nào cũng đâu vào đấy. Phim trước họ diễn một màu, đến phim mình cũng màu y xì đúc như thế. Diễn viên của mình chưa đạt đến độ biến hoá, có thể thay đổi toàn bộ hình thức, giọng nói, tính cách theo nhân vật...
Tôi không bao giờ thử vai, mà thường chọn diễn viên trước. Thử vai nguy hiểm lắm nhé. Có một số cô cậu rất lành nghề khi thử vai, nhưng sau đó không còn lại cái gì cả. Lại có một số người rất ngô nghê, luống cuống, nhưng tiềm ẩn trong họ là một diễn viên đích thực. Tôi chọn vai theo cảm tính. Diễn viên, quan trọng nhất vẫn là cốt cách bên trong.
Mà số phận của diễn viên Việt Nam mình cũng truân chuyên lắm, thường họ không được chọn vai theo ý họ thích, mà theo định kiến. Ngày xưa Huy Khánh không ai mời đóng phim chỉ vì cái mũi. Tôi nhìn Khánh, nói: “Tao sẽ biến mày thành ngôi sao!”
Vậy là tôi tổ chức một bữa tiệc rất lớn ở Sài Gòn, để mọi người chọn giữa Đức Tiến và Huy Khánh. Ai cũng bỏ phiếu cho Đức Tiến, kể cả những bậc gạo cội trong nghề. Chỉ duy nhất có một phiếu bỏ cho Huy Khánh. Lá phiếu ấy là của kẻ độc tài Lưu Trọng Ninh. Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy Huy Khánh làm được, và quả thực Huy Khánh bước ra từ “Dốc tình” vô cùng thành công.
Khi Tăng Thanh Hà đóng “Dốc tình”, lúc đó Hà mới 16 tuổi. Khi quay những cảnh đầu, tôi phát hiện cô ấy rất khá và có ý muốn đôn lên vai chính. Hà từ chối, bảo, chú cho cháu đóng vai này đi, phim sau cháu xin vai chính. Hà khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Và cho đến giờ, trong cuộc đời làm đạo diễn của tôi, Tăng Thanh Hà là người duy nhất từ chối đóng vai chính.
Những diễn viên đi ra từ phim của tôi, họ nổi tiếng, hay thành sao này nọ, tôi chưa bao giờ quan tâm. Chỉ đơn giản là tôi dùng họ cho phim của tôi, chứ không phải “mát tay” lăng xê, hay “đào tạo gà” như mọi người vẫn nói...
“Tôi bị nhiều người ghét…”
Nhiều người nói tôi quá ngạo mạn và độc tài. Ngạo mạn không phải là tính cách, mà là thành quả của một quá trình sống. Nói ngạo mạn thì hơi tiêu cực, nhưng theo tôi, con người phải có niềm kiêu hãnh. Kiêu hãnh là ánh hào quang lớn nhất của đời người. Chán nhất là sống mà không có niềm kiêu hãnh.
Còn độc tài là phải rất tự tin, tự tin là mình đúng. Kẻ độc tài phần lớn là người sẽ làm nên điều gì đó. Kẻ lúc nào cũng làm theo ý người khác, không bao giờ làm nên trò chống gì. Tôi bị nhiều người ghét, nhiều kẻ không chịu được ánh mắt của tôi. Chỉ có ai chơi sâu mới phát hiện tôi sống giản dị, chân tình. Tôi chơi, thường chọn bạn hay bị nói xấu. Còn người mà ai cũng khen, tôi không thích chơi.
Tôi cho rằng, cuộc đời con người điều quan trọng nhất là phải có đích để đi, dù có thể ngã gục giữa đường. Ngần này tuổi, tôi còn nhiều thứ ham muốn lắm: làm phim, hoàn thiện ngôi làng, thiên đường hoa... Tôi muốn làm những điều có ích cho xã hội. Tôi ham sống nên sợ chết. Nếu được lựa chọn, tôi thích chết bất ngờ. Chết khi đang làm phim. Chết như thế là sướng nhất.
Lúc làm “Hoa cỏ may”, bệnh tim khiến nhiều lúc đang chỉ đạo ở hiện trường, máu không lên não, tôi đứng đờ ra, trấn tĩnh rồi lại làm tiếp.
Bộ phim “Hoa cỏ may” vừa ra mắt công chúng. Sau 10 năm kể từ phần 2 kết thúc, khán giả sẽ được gặp các nhân vật chính trong phần 3 cùng những câu chuyện mới. Đài truyền hình từng họp, bảo tại sao có những bộ phim chỉ nói về yêu đương thế này. Nhiều người nói “Hoa cỏ may” phần 3 không hay bằng những phần trước, tiết tấu chậm rãi, nhẹ nhàng. Bởi vì mấy tập đầu nó có trách nhiệm tải quá khứ.
Tôi thì nghĩ rằng, phần 3 của bộ phim không có trách nhiệm nối tiếp phần 2 mà phải phát triển nội dung mạnh mẽ hơn. Nó có vẻ đẹp cuộc đời lãng mạn hơn phần 2 rất nhiều. Tôi có hơi thái quá trong việc tạo nên các giông bão và có thể mọi người sẽ không chấp nhận. Thời bình yên đã qua, các nhân vật của tôi cần phải bước vào cuộc đời với những giá trị và nhu cầu khác nhau. Họ cần phải lựa chọn những lối đi riêng, không còn đơn thuần mơ mộng về tình yêu hay những chuyện ganh ghét, tủi hờn.
Phim cũng là người. “Hoa cỏ may” hay nhiều bộ phim khác của Lưu Trọng Ninh luôn mang một màu bàng bạc, cô đơn. Bởi trong tôi luôn thường trực nỗi cô đơn. Thế nhưng, xem “Hoa cỏ may” của Lưu Trọng Ninh, vẫn là sự thấu hiểu và cảm thông đến tận cùng nỗi đau của con người. Tôi thừa nhận, phim bị cắt nhiều, lúc lồng tiếng tôi ốm nên không thể tham gia được.
Năm 1998, lúc đang đứng ở đỉnh cao của điện ảnh, tôi bỏ đi trồng rau. Rồi tôi dựng làng Vượt, tuyển dân, sau đó lại bỏ đi làm Kiều. Bối cảnh của Kiều là các làng quê, lầu xanh cũng không cầu kỳ. Tôi không đi vào chuyện cung đình mà là những chuyện đời thường thôi. Với Kiều, vẫn là nỗi đau đời nhưng không chỉ toàn nước mắt
Đến tuổi này, khi đã đi qua ranh giới giữa cái chết và sự sống, đến tột cùng của hạnh phúc và đau khổ, tôi nghiệm ra bản năng trong tôi là một con người phản kháng. Trở về làng quê sống là biểu hiện của sự phản kháng. Tôi vẫn đang chăm chút cho ngôi làng của mình, biết đâu đó sẽ là nơi tôi dừng chân cuối đời.
Điều cuối cùng tôi muốn, đó là sự tự do trong sáng tác!
Tác giả: Nguyễn Hằng ghi
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn