Nằm ngay sát Quốc lộ 1A, giữa địa phận 2 xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, danh thắng Kẽm Trống được hình thành từ những dãy núi đá vôi nằm sát hai bên bờ con sông Đáy. Kẽm Trống là một nét chấm phá, một bức tranh thuỷ mạc mà đất trời đã tạo nên...
Trước phong cảnh trời nước hữu tình, núi sông ngoạn mục như vậy, bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương khi đi qua Kẽm Trống đã để lại một bài thơ vừa lãng mạng và cũng rất hiện thực để nói về vẻ đẹp của Kẽm Trống.
"Hai bên là núi, giữa là sông
Có phải đây là Kẽm Trống không
Gió dập cành cây khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
Ở trong hang núi cong hơi hẹp
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng
Qua cửa mình ơi nên ngoái lại
Nào ai có biết nỗi bưng bồng."
Không chỉ có Hồ Xuân Hương mà rất nhiều các tao nhân mặc khách khi qua đây cũng đã để lại nhiều bút tích ca ngợi Kẽm Trống, hiện nhiều bút tích vẫn còn khắc trên núi Bài Thơ nằm trong khu danh thắng Kẽm Trống.
Những buổi sớm mai, những ngọn núi nơi đây như bồng bềnh trôi trên biển sương mù. Cảnh hư hư thực thực ấy làm ta liên tưởng đến câu chuyện cổ tích lung linh màu sắc đầy quyến rũ. Vào những buổi sáng đẹp trời ta còn nghe những âm thanh vui tai của vạn chài buông lưới, gõ xuống mạn thuyền. Chính vì vậy mà trước đây nơi này khá hút khách tham quan.
Nhưng ngày nay, thay vì phát huy được giá trị, mang lại kinh tế cho địa phương thì Kẽm Trống đang bị bỏ quên và có nguy cơ xóa sổ trong nay mai bởi tình trạng khai thác đá đang diễn ra tại đây.
Kẽm Trống giờ đây đã không còn là một điểm đến thơ mộng và là một danh thắng Quốc gia cần được bảo vệ mà đã biến thành một công trường khai thác đá, vật liệu xây dựng.
Danh thắng Kẽm Trống bị xâm hại và biến dạng, núi Rùa đã bị đánh cụt đầu, dãy núi Vắt Ra thì một bên thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình đã bị khai thác mất một nửa. Núi Bài Thơ nơi bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đề thơ nằm “trơ trọi” một mình. Phía bên Hà Nam danh thắng Kẽm Trống vẫn phần nào được bảo tồn, nhưng phía bên Ninh Bình thì gần như trơ trọi.
Theo ông Đỗ Văn Khánh, ở thôn Trung Hiếu, xã Thanh Hải là thôn nằm sát với dãy núi Vắt Ra cho biết: “Trước đây khu vực này bình yên lắm, chim hót vang cả ngày, cảnh đẹp... Ấy vậy mà mấy năm nay, bên Ninh Bình họ cho khai thác nửa bên núi Vắt Ra làm khu Kẽm Trống suốt ngày rung chuyển do phá đá nổ mìn, bụi mù mịt nên chẳng còn ai tham quan”.
Phía UBND xã Thanh Hải cho biết, đã nhiều lần một số doanh nghiệp về địa phương tìm hiểu để xây dựng khu du lịch sinh thái, nhưng khi thấy danh thắng Kẽm Trống bị phá nham nhở họ cũng chẳng tha thiết mấy.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Đinh Văn An, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, cho biết: “Kẽm Trống là một danh thắng nổi tiếng của Hà Nam, nhưng đến nay vẫn chưa mang lại được giá trị về du lịch cho địa phương. Phía các đoàn thể đã họp bàn rất nhiều lần nhưng chưa tìm được phương án, do đặc thù nằm địa bàn 2 tỉnh nên hướng giải quyết rất khó khăn”.
Tác giả: Đức Văn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn