“Đóng mà không đúng thì một đồng chúng tôi cũng không đóng”
Vừa qua, Trung tâm Bảo về quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai phí tác quyền âm nhạc trên ti vi ở các khách sạn. Theo đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC cho biết, VCPMC tiếp tục triển khai thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được truyền dẫn qua tivi tại phòng lưu trú khách sạn và các lĩnh vực kinh doanh có sử dụng âm nhạc khác theo đúng quy định của pháp luật. Dự kiến đầu tháng 10/2017, VCPMC sẽ tiến hành việc này trên phạm vi toàn quốc.
Bà Dương Thị Thơ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết, chiều ngày 13/9 đã diễn ra một cuộc họp giữa các thành viên Ban chấp hành Hiệp hội và một số chủ khách sạn tại Đà Nẵng. Cuộc họp đã bàn luận rất sôi nổi về động thái thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi ở khách sạn mà VCPMC mới tuyên bố trên báo chí.
Bà Dương Thị Thơ khẳng định, sau cuộc họp, tất cả các thành viên Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng đều thống nhất không nộp phí tác quyền âm nhạc qua tivi ở khách sạn cho VCPMC. Lý do không nộp là vì tất cả các tác phẩm âm nhạc trên truyền hình là bên phía truyền hình đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí bản quyền theo quy định. Như vậy là khách sạn không có cớ gì để nộp thêm tiền tác quyền cho VCPMC nữa.
“Hôm qua, sau khi đã thống nhất ý kiến là tất cả các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng sẽ không nộp bất kỳ một đồng phí nào về tác quyền âm nhạc trên tivi cho VCPMC thì tôi đã gửi mail (thư điện tử - PV) đi cho tất cả các khách sạn. Luật sư cũng đã tư vấn cho chúng tôi rất kỹ và rất rõ về vấn đề này, nếu cần đối chất chúng tôi sẽ đối chất. VCPMC căn cứ vào điều nào, khoản nào, luật nào…, còn nếu chỉ vận dụng văn bản dưới luật thì đó không phải là luật nên chúng tôi không thực hiện.
Hiện nay công nghệ thông tin phát triển, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy nghe nhạc điện tử, máy tính xách tay… trở nên thông dụng, người có nhu cầu muốn nghe nhạc toàn tải nhạc về nghe chứ ai đi mở tivi để nghe nhạc mà đòi thu tiền tác quyền. Tôi khẳng định, VCPMC sẽ không bao giờ thu được một đồng nào tiền tác quyền tại Đà Nẵng. Đừng có mơ thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi ở khách sạn của Đà Nẵng nữa. Đóng mà không đúng thì một đồng chúng tôi cũng không đóng. Chúng tôi kịch liệt phản ứng những điều phi lý này và nếu cần chúng tôi sẽ làm tới cùng sự việc này”, bà Thơ bày tỏ.
Phải có đủ cơ sở pháp lý mới được thực hiện việc thu phí
Trước thông tin trên, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục bản quyền tác giả đã cho rằng, về nguyên tắc, nếu muốn thu phí việc sử dụng các sản phẩm âm nhạc tại các khách sạn qua truyền hình thì cơ quan thu phí phải có giấy chứng nhận ủy quyền của tác giả. Đặc biệt, địa điểm tiến hành thu phí phải có sử dụng các tác phẩm của tác giả đã được ủy quyền thì mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu phí.
“Phải xác định được tác phẩm âm nhạc của tác giả ủy quyền cho Trung tâm được khai thác sử dụng (có hợp đồng kèm theo) và hai bên phải có trách nhiệm với nhau trong việc thỏa thuận các mức tiền thì việc thu phí bản quyền tác phẩm mới được tiếp tục. Cục Bản quyền tác giả chỉ tham gia giải quyết và đảm bảo những việc đó được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Quan hệ dân sự trong việc thu bao nhiêu, thu như thế nào, trả hay không trả và đến hay không đến được tay của tác giả đều theo điều lệ của hội viên và thỏa thuận giữa hai bên với nhau. Việc đưa ra mức giá 25.000 đồng phải có sự đồng thuận giữa hai bên tác giả và cơ quan được ủy quyền trên giấy tờ pháp lý chứ không đơn giản chỉ là thu phí trên các sản phẩm một cách thông thường được.
Còn mức thu 25.000 đồng là phải xác định cho một năm, được khai thác sử dụng trong mỗi đầu tivi đó. Trong một năm thì được bao nhiêu và sử dụng bao nhiêu, như vậy mới khoa học cả đầu vào và đầu ra.
Việc thu phải theo mức độ hiện hành của xã hội và đúng theo quy định của pháp luật. Cũng không thể áp dụng cả một mức cho toàn bộ được bởi vì nước ta điều kiện phát triển kinh tế xã hội khác với các nước khác, chúng ta không thể lấy mức giá ở một thành phố phát triển để áp dụng với những nơi vùng sâu vùng xa được, như vậy chẳng khác nào bị đội giá lên cả. Chúng ta chỉ thực hiện thể chế ủy quyền theo pháp luật thôi, phải công khai minh bạch và có lộ trình, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng về mức giá thì lại do thỏa thuận giữa bên tác giả và trung tâm được ủy nhiệm thực thi”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, tới đây, Cục Bản quyền tác giả sẽ phối hợp với VTV để sử dụng phương tiện phần mềm cộng nghệ thông tin để kiểm soát chiết xuất tần suất phát sóng các tác phẩm âm nhạc. Để từ đó, minh bạch hơn cho các bên liên quan trực tiếp được hưởng lợi như: tác giả, nghệ sĩ biểu diễn hay nhà sản xuất tác phẩm… Bên cạnh đó, việc làm này cũng sẽ đưa ra được đánh giá khách quan nhất để đưa ra được sự đóng góp của nền công nghiệp điện ảnh cho nền kinh tế quốc dân trong thời gian qua là như thế nào.
Ngoài ra, Cục Bản quyền tác giả cũng sẽ tiến tới sửa đổi 2 nghị định hiện hành, trong đó có bổ sung thêm 4 điều có liên quan tới việc tháo gỡ và đảm bảo cho các tổ chức, tập thể hoạt động đúng quy định của pháp luật, hướng tới công khai minh bạch tài sản, tác phẩm. Công khai việc thu và xác định mức thu cho bên ủy quyền của tác giả.
“Luật pháp là vấn đề về khoa học, chúng ta nên công khai minh bạch tất cả những chức năng nhiệm vụ của từng cá nhân tổ chức. Nếu Cục làm sai, Cục sẵn sàng chịu trách nhiệm trước chính phủ và nhân dân.
Phải rõ ràng minh bạch chuyện dừng việc thu phí là vì lý do gì và tới đây tiếp tục thu phí là lý do như thế nào. Nói về cơ sở pháp lý thì việc thu phí này đã được đặt ra từ năm 2015 khi hội nhập quốc tế. Lúc mới thực thi chúng ta vẫn giữ chỉ thu phí trong trường hợp có quảng cáo và tài trợ.
Sau này Nghị định 71 có điều 26 và 33 quy định rõ mức trả là do thỏa thuận của hai bên. Nếu có xung đột, gây ảnh hưởng tới lợi ích của nhân dân thì cơ quan nhà nước sẽ vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho mỗi cá nhân. Tuy nhiên, việc quy định của luật pháp ở phương diện như vậy cũng cần phải dựa vào thực tiễn để sao cho hợp lý và phù hợp với hoàn cảnh xã hội thực tại.
Điều 45a hiện hành cũng quy rõ rồi, việc trả thù lao nhuận bút phải tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội và mức hiện hành. Cụ thể, mức thu phải khoa học và theo thỏa thuận giữa hai bên.
Luật nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn, thực tiễn nước ngoài như vậy nhưng chưa chắc ở Việt Nam đã thực hiện được bởi vì mỗi nước có một thể chế riêng, chế tài riêng. Việc thu phí bản quyền chúng ta đã rõ rồi, nhưng vấn đề là thu như thế nào, giải thích ra sao và thu bao nhiêu trong trường hợp nào lại là cả một quá trình cần phải rất cẩn trọng và có kế hoạch thực sự cụ thể sao cho minh bạch, đúng quy định của pháp luật”, ông Hùng nhấn mạnh thêm.
Trước đây, như đã phản ánh, vào tháng 5/2017, khi nhận được thông báo của Sở Du lịch thành phố về việc VCPMC yêu cầu nộp phí tác quyền âm nhạc, trong đó có khoản thu 25.000 đồng/tivi/năm đối với khách sạn có tivi trong phòng lưu trú, nhiều đại diện khách sạn Đà Nẵng đã rất bức xúc.
Thời điểm đó, anh Phạm Việt Cương - đại diện một khách sạn ở Đà Nẵng nêu ý kiến: Việc trả tiền tác quyền âm nhạc là giao dịch dân sự theo thỏa thuận giữa tác giả và người sử dụng, có thể ủy quyền cho đơn vị đại diện như Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Nhưng ở đây lại hành chính hóa thành một loại lệ phí, với mức thu kiểu như “khoán” và “tận thu” vậy là không hợp lý. Đặc biệt, khoản thu đối với phòng nghỉ có sử dụng ti vi là vô lý.
Theo anh Cương, các cơ sở lưu trú đã trả phí sử dụng dịch vụ truyền hình. Các nhà đài mới biết có sử dụng tác phẩm âm nhạc nào, tác phẩm đó có được tác giả ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giải âm nhạc thu phí hay không. Khách ở các cơ sở lưu trú bật ti vi lên, có chương trình thì họ xem, chứ họ đâu có chủ động chọn tác phẩm nào. Cơ sở lưu trú đã trả phí sử dụng dịch vụ truyền hình rồi tại sao lại phải trả tiền tác quyền âm nhạc nữa?
Tác giả: Tâm An
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn