Trong bài viết gửi về cho , diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đã chia sẻ quan điểm và nhận định của mình về xu hướng hiện đại hóa dòng tranh Đông Hồ.
Dưới đây là nội dung bài viết và quan điểm của diễn giả Hồ Nhựt Quang.
“Bên kia sông Đuống,
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”...
Đó là mấy câu thơ được trích dẫn từ tác phẩm “Bên kia sông Đuống” (1948- Nhà thơ Hoàng Cầm) nói lên tiếng lòng khi nhìn thấy quê hương mình - quê hương Bắc Ninh, vùng trù mật của biết bao loại hình văn hóa dân gian và nghệ thuật độc đáo, đã bị chiến tranh tàn phá.
Thời đi học, chúng tôi là người miền Nam chưa có dịp nhìn qua tranh Đông Hồ như thế nào, thời đó cũng chưa có phương tiện hiện đại để tra cứu thông tin hình ảnh tranh Đông Hồ là gì, có chăng chỉ là mô tả mang tính lý thuyết hoặc được xem một hình minh họa đàn lợn âm dương trông rất ngộ nghĩnh trong sách giáo khoa. Về sau, có dịp đến Bắc Ninh trong chuyến du lịch hồi năm 2004, tôi say đắm với làng nghề, say đắm với những tác phẩm tranh Đông Hồ đã tồn tại hơn 9 thế kỷ.
Cái độc đáo là nguyên liệu được làm từ chất liệu rất mộc, rất thiên nhiên như vỏ sò điệp trộn hồ, than gỗ xoan, than lá tre, lá chàm, hoa hòe, gỗ vang… với màu sắc vừa nhu vừa sáng và họa tiết vừa đơn giản nhưng vừa khéo léo và nội dung có triết lý sâu sắc.
Nội dung mô tả cảnh sinh hoạt đời thường như hái dừa, em bé ôm gà, em bé ôm con cốc, đàn gà, lợn âm dương, đánh ghen… cũng có hình những anh hùng dân tộc như Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán, Hai Bà Trưng…
Trên tranh chỉ có vài chữ Hán tự mang ý nghĩa chúc tụng như Vinh Hoa hoặc Ngũ Đức, Vinh Quy… tranh thường được bán nhiều trong dịp giáp Tết để trang trí mừng xuân cho vui nhà vui cửa. Tuy nhiên, thực tế tôi được biết làng nghề đang dần bị mai một do thị hiếu của khách hàng đang bị giảm xuống trầm trọng và nghệ nhân khó bám trụ lấy nghề.
Gần đây, qua thông tin đại chúng, tôi được biết có nhóm bạn 9X đã thực hiện lại dòng tranh này dưới phiên bản phù hợp thị hiếu đương đại nhưng cách làm như khuôn đúc và chất liệu, nguyên liệu màu vẫn giữ truyền thống như xưa.
Tất nhiên, sẽ có nhiều ý kiến trái chiều liên quan vấn đề này, nhưng theo tôi, sự sống còn của dòng tranh đang thoi thóp trong thời đại chúng ta. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trong số đó, phải kể đến là:
- Xưa kia, thú chơi tao nhã trong dân gian là “nhứt chữ - nhì tranh - tam sành - tứ kiểng”, có nghĩa là người xưa rất thích thư pháp, thích tranh, thích chơi đồ sành, đồ gốm và cây cảnh. Ngày nay, xã hội phát triển, kiến trúc nhà khác xưa nên rất khó phù hợp để trang trí tranh cổ truyền, sản phẩm mỹ thuật hiện đại đã lấn át lối mỹ thuật xưa.
- Việc quảng bá ý nghĩa và sự độc đáo của dòng tranh truyền thống chưa cao, khi người ta chưa hiểu được ý nghĩa văn hóa của nó thì khó có thể sinh tình cảm để yêu để quý.
Việc làm của các bạn 9X là sự đột phá mang tính bắc cầu giữa truyền thống và hiện đại. Việc các bạn thỉnh ý nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - một trong 2 nghệ nhân tranh Đông Hồ còn lại của Việt Nam chính là các bạn tôn trọng bậc thầy để được truyền thừa phương pháp chế tác cổ truyền từ cách làm khuôn và chất liệu màu, cách phối màu. Thêm nữa, bằng sự sáng tạo của tuổi trẻ nhạy bén biết nắm bắt thị hiếu kinh doanh nhưng hơn hết là các bạn muốn giúp cho làng nghề tồn tại và sống được.
Với cái nhìn khách quan của mình, tôi rất hoan nghênh các bạn và những nghệ nhân tranh Đông Hồ. Bởi muốn cho tranh được sống thì người nghệ nhân phải sống và làng nghề phải vẻ vang, được sự ủng hộ của cộng đồng cho cả 2 dòng trang cổ và mới, rất cần sự cảm thông và có cái nhìn sâu hơn của công chúng để thấy sự độc đáo của tranh Đông Hồ.
Tranh truyền thống có cái đẹp của truyền thống, nhắc nhớ xa xưa, mang tính hoài niệm rất cao. Tranh hiện đại mang tính bắc cầu do dựa trên lối họa của tranh xưa, vẫn màu sắc và hình ảnh của đấu vật, của Nguyệt lão… nhưng mang tính vui vui, sôi nổi, mang yếu tố hiện đại.
Khi ta cho đó là lối tranh mang tính thị hiếu nhất thời cũng đúng vì xã hội càng phát triển, theo luật phản bác tự nhiên sẽ tạo ra sinh và diệt. Cái gì không phù hợp sẽ mất đi, cái gì phù hợp sẽ phát triển rộ lên.
Tranh Đông Hồ đã hơn 9 thế kỷ tồn tại, chứng tỏ sức bền và linh hồn của tranh, của làng quê Bắc Ninh rất vững chãi. Hôm nay, đương đại hóa tranh Đông Hồ là để cho ta có dịp nhìn lại kỹ hơn giá trị xưa qua cách chế tác và thưởng thức ý nghĩa nội dung cũ mới đan xen, so sánh và đối chiếu giá trị tân cổ và quan trọng nhất là giá trị thiêng liêng của văn hóa dân tộc nằm ở đâu.
Trào lưu hoài cổ trong thời đại mới này đang rộ lên rất đặc biệt như đồ giả cổ gốm sứ, đồ đồng, vé xem cải lương, tranh thư pháp, nhạc bolero… nên rõ ràng quá khứ không cũ nát mà có sức sống rất mãnh liệt, đáng để gìn giữ.
Việc đương đại hóa tranh dân gian là làm cho người thưởng thức tranh dễ hiểu hơn ý nghĩa tranh, khi có hiểu có quý thì mới yêu mới ra sức gìn giữ. Đặc biệt, có mới có cũ trên một dòng sản phẩm thì mới so sánh và đối chiếu để biết đâu là tính độc đáo.
Cuối cùng, việc hiện đại hóa, đương đại hóa bất kỳ giá trị truyền thống rất hay nhưng đừng để cái hay cái mới “đập nát” và giết chết giá trị truyền thống xưa kia của cha ông dày công xây dựng gìn giữ, khi đó ta sẽ rất có lỗi với tiền nhân.
Xin các nghệ nhân hãy sản xuất cả hai dòng tranh và chúng ta cũng nên ủng hộ cả hai dòng tranh để giúp làng nghề và góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.
Xin chúc sức khỏe toàn thể quý nghệ nhân làng nghề tranh Đông Hồ, chúc quý vị vạn sự như ý và tạo được vẻ vang trong sự nghiệp của mình.
Tác giả: Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn