Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), với mục tiêu phát huy lòng tự hào dân tộc và truyền thống yêu nước, tạo không khí thi đua trong cơ quan và ngành điện ảnh, ngày 12/6, Viện phim Việt Nam đã tổ chức chương trình điện ảnh chuyên đề Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc tại Viện phim Việt Nam (Ba Đình, Hà Nội).
Chuyên đề có sự tham gia của: ông Trần Hồng Hà - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VHTTDL; ông Phùng Minh Cường - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ VHTTDL; NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Vũ Nguyên Hùng - Quyền Viện trưởng Viện Phim Việt Nam,…
Cùng với đó là sự tham gia giao lưu của các đạo diễn, các nghệ sĩ từng tham gia làm phim và đóng vai Hồ Chủ Tịch như: đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, NSND Bùi Bài Bình, nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, NSƯT Tiến Hợi, đạo diễn NSƯT Trần Lực, TS. Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh và đông đảo công chúng yêu điện ảnh.
Trong khuôn khổ chương trình điện ảnh chuyên đề đã diễn ra hoạt động trưng bày hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh. Đây là bộ sưu tập với hơn 100 bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn từ 1945 đến 1969, trích từ các phim tư liệu, tài liệu đang được lưu trữ tại Viện phim Việt Nam. Những bức ảnh này được lựa chọn và trình bày một cách có hệ thống theo trình tự thời gian.
Trong chương trình còn có hoạt động giao lưu, gặp gỡ nghệ sĩ điện ảnh, tổ chức chiếu giới thiệu các tác phẩm điện ảnh xuất sắc về Bác Hồ ở hai thể loại: phim tài liệu và phim truyện. Các phim được lựa chọn bao gồm “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh chân dung một con người” (phim tài liệu) và các bộ phim truyện: “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Vượt qua bến Thượng Hải”, “Nhìn ra biển cả”.
Qua các tác phẩm này, một lần nữa cuộc đời và sự nghiệp hoạt động Cách mạng vĩ đại của Người được tái hiện một cách hệ thống, sống động và sâu sắc hơn đến với người yêu điện ảnh.
Khán giả có cái nhìn toàn cảnh về con người Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhiều góc độ khác nhau: chân thực và mang tính thời sự ở thể loại phim tài liệu; nhân văn và cao cả ở những bộ phim truyện điện ảnh.
Ông Vũ Nguyên Hùng - Quyền Viện trưởng Viện Phim Việt Nam phát biểu khẳng định, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn với sự nghiệp Cách mạng của dân tộc, động viên toàn dân đoàn kết một lòng phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường vượt qua mọi hy sinh gian khổ, tiến hành cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng Tổ quốc.
Ngành điện ảnh Việt Nam vinh dự được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập năm 1953, trải qua 65 năm với sự lao động hết mình, điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã có nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình giao lưu với các nghệ sĩ diễn ra với màn giao lưu với Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm… Và đặc biệt, lần đầu tiên 3 nghệ sĩ từng đóng vai Bác Hồ thành công nhất, đó là NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Tiến Hợi, Đạo diễn, NSƯT Trần Lực cùng hội ngộ và chia sẻ những câu chuyện cảm động về quá trình đóng phim.
NSND Bùi Bài Bình từng thể hiện vai Bác Hồ trong phim “Nhà tiên tri”, nghệ sĩ chia sẻ đây là sự tự hào to lớn nhưng cũng là thách thức đối với bất cứ diễn viên nào.
NSƯT Trần Lực cho biết, trong quá trình đóng vai Bác Hồ trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, nghệ sĩ đứng trước thách thức cực kì to lớn là làm phim về Bác phải chính xác, nghiêm túc, chân thật mà vẫn thu hút người xem. Còn với NSƯT Tiến Hợi (tham gia phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” với vai Nguyễn Tất Thành), nghệ sĩ cho biết, đã dành thời gian tâm huyết nghiên cứu những tư liệu về Bác trong thời gian dài để có thể vào vai Bác Hồ một cách chân thực nhất từ cử chỉ đến giọng nói.
Tác giả: Phương Nhung
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn