Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh chia sẻ rằng, thời gian qua, lĩnh vực hội hoạ, nhiếp ảnh... xảy ra khá nhiều vụ lùm xùm liên quan đến chuyện “đạo - nhái” tác phẩm. Và mỗi khi xảy ra sự vụ nào, các họa sĩ, nhiếp ảnh gia và công chúng lại mong muốn các cơ quan nhà nước vào cuộc làm rõ trắng đen. Tuy nhiên, ở nhiều nước trên thế giới, việc này không phải do cơ quan Nhà nước đảm nhận mà thường do các tổ chức phi chính phủ đứng ra thực hiện.
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã từng đến gặp một số tổ chức và đơn vị tư nhân đặt vấn đề nhưng không ai chịu đứng ra nên cuối cùng Bộ VHTT&DL buộc phải xắn tay vào làm.
“Chúng tôi đã tìm hiểu khá kỹ các mô hình trên thế giới, chỉ duy nhất Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh do Nhà nước thành lập. Trong khi đó, các quốc gia khác, Trung tâm giám định này đều do tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ thành lập.
Có thể lấy ví dụ như Hàn Quốc hiện nay đang có khoảng 15 trung tâm giám định mỹ thuật, nhiếp ảnh đang hoạt động và đều được xã hội hóa, trong đó có 2 Trung tâm lớn. Mỗi năm, Trung tâm này giám định từ 500 đến 700 tác phẩm và tất cả các cuộc giám định chỉ cần tới hội đồng thẩm định là đủ.
Bộ VHTT&DL quyết định cho thành lập Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh là bởi trước thực trạng mạo danh tác giả, tranh sao chép không đúng quy định, tranh nhái phong cách tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả đang tác động xấu đến thị trường mỹ thuật Việt Nam ở trong nước và quốc”, ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.
Theo đó, các hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh sẽ gồm: Hội đồng giám định tác phẩm hội họa - đồ họa do họa sỹ Lương Xuân Đoàn làm Chủ tịch; Hội đồng giám định tác phẩm điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt sẽ do PGS.TS Vương Học Báu làm Chủ tịch; Hội đồng giám định tác phẩm nhiếp ảnh sẽ do nhà nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh làm Chủ tịch.
Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định 1 đến 3 tác phẩm là 35 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 4 đến 10 tác phẩm là 70 triệu đồng.
Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 11 đến 20 tác phẩm là 140 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 21 đến 50 tác phẩm là 140 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ trên 50 tác phẩm là 281 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nếu tác phẩm giám định có thêm sự thẩm định của công nghệ với sự giúp sức của Viện Khoa học Kỹ thuật Hình sự (Bộ Công an), người yêu cầu được thẩm định sẽ phải trả thêm một khoản phí nữa, bên cạnh mức phí phải trả cho hội đồng nghệ thuật. Để đi tới quyết định cuối cùng về tranh giả, tranh thật cần đạt tới sự đồng thuận của 100% hội đồng.
Đại diện Ban Pháp chế - Bộ VHTT&DL cho biết, bản giám định do Trung tâm Giám định và Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh cung cấp, được áp dụng đối với các hoạt động kinh doanh, triển lãm và đấu giá tác phẩm. Còn đối với một vụ kiện tụng cụ thể, tòa án có thể yêu cầu thêm một bản giám định tư pháp, bên cạnh bản giám định chuyên môn do trung tâm cung cấp.
Các thành viên hội đồng sẽ làm việc với tư cách là cộng tác viên của trung tâm. Do vậy, bộ máy vận hành của đơn vị này không bị phình ra. Trước câu hỏi, vai trò của trung tâm giám định sẽ như thế nào trong các vụ lùm xùm về bản quyền nhiếp ảnh, mỹ thuật, ông Vi Kiến Thành cho biết, trung tâm không chạy theo các vụ việc. Ai có nhu cầu thì làm hồ sơ xin giám định. Chủ tịch HĐNT của chuyên ngành đó sẽ xem xét các chứng cứ để đi đến quyết định có chấp thuận hồ sơ giám định đó hay không.
Ông Vi Kiến Thành còn nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cho vận hành trung tâm một thời gian để công khai, minh bạch việc thẩm định tranh. Khi tình hình đã tốt rồi. Chúng tôi sẽ xin rút ngay. Bộ VHTT&DL cũng muốn việc này nên được xã hội hóa nhưng không ai làm cả nên buộc bộ phải ra tay”.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn