Việc bộ phim “Everest Người tuyết bé nhỏ” được đơn vị phát hành là CGV lặng lẽ rút khỏi hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc mà không đưa ra bất kỳ một lời giải thích nào đã khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi. Với tư cách là Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, bà có thể nói gì về điều này?
Trước hết, tôi phải nhấn mạnh rằng, đây là một sự việc không hề mong muốn của đơn vị phát hành lẫn những người liên quan. Ngay khi xảy ra vụ việc này, Cục Điện ảnh cũng đã liên hệ với bên đơn vị phát hành là CGV để đề nghị họ có báo cáo và giải trình.
Ở thời điểm hiện tại, ngoài việc rút bộ phim “Everest Người tuyết bé nhỏ” (tựa đề tiếng Anh là “Abominable”) khỏi hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc thì tất cả các thông tin liên quan đến bộ phim cũng đã được gỡ bỏ.
Hiện tại, chúng tôi cũng đang gấp rút tiến hành kiểm tra lại các bản phim vì bây giờ phim kỹ thuật số nên sẽ có rất nhiều phiên bản khác nhau, kể cả trailer cũng thế. Từ kết quả làm việc đó chúng tôi mới đưa ra được hướng giải quyết cuối cùng.
Tuy nhiên, dù sự việc thế nào thì với tư cách là người đứng đầu Cục Điện ảnh - đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực điện ảnh, tôi sẵn sàng nhận mọi trách nhiệm. Tôi thẳng thắn nhìn nhận những sai sót nếu có chứ không tránh né.
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng để lọt hình ảnh nhạy cảm về chủ quyền biển đảo trong phim phát hành ở Việt Nam. Vì thế, sự việc lần này khiến nhiều người cho rằng, còn quá nhiều lỗ hổng trong quy trình kiểm duyệt phim ở Việt Nam?
Thú thật, Hội đồng duyệt phim đã rất thận trọng và trách nhiệm trong việc duyệt phim. Đặc biệt, sau sự cố “Điệp vụ biển đỏ” năm 2018, các thành viên đã cảnh giác và thận trọng hơn rất nhiều trong quy trình duyệt phim. Và không chỉ thận trọng trong khâu kiểm duyệt những bản phim được nộp mà thận trọng trong tất cả mọi phương diện, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất.
Tôi khẳng định, các thành viên trong Hội đồng duyệt phim đều là những người có chuyên môn và trách nhiệm cho nên không có chuyện khinh suất, lơ là hay “nhắm mắt cho qua” trong chuyện này đâu.
Tôi tin, nếu hình ảnh về “đường lưỡi bò” được thể hiện rõ rệt trên phim thì các thành viên trong Hội đồng duyệt phim đã không bao giờ để lọt và bộ phim sẽ không bao giờ được phát hành nếu chưa cắt bỏ hình ảnh đó. Cả Hội động duyệt phim có tới 11 người và đâu phải vừa xem vừa ngủ gật đâu mà hình ảnh rõ ràng lại có thể cho qua được. Có một điều nữa đó là nếu trắng đen thì sẽ nhìn thấy rất dễ, còn “truyền thông xám” mới là cái rất khó khăn.
Bà có thể chia sẻ rõ hơn về quy trình kiểm duyệt phim điện ảnh hiện nay?
Hội đồng thẩm định phim quốc gia hiện nay làm việc theo quy chế mà Cục Điện ảnh và Bộ VHTT&DL đã ban hành. Hội đồng gồm 11 thành viên, hoạt động theo nhiệm kỳ, có trách nhiệm tư vấn cho lãnh đạo Cục Điện ảnh ra quyết định cấp phép phổ biến và phát hành phim. Trong số 11 vị này, có cả đại diện của Tổng Cục Chính trị và Ban Tuyên giáo Trung ương chứ không phải chỉ riêng những người làm điện ảnh hoặc theo dõi điện ảnh.
Tất cả các bộ phim được phát hành tại hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc, không bất kể đó là phim Việt Nam sản xuất hay phim nhập của nước ngoài đều được kiểm duyệt rất kỹ. Trên thực tế là đối với những phim có liên quan đến vấn đề va chạm luật thì sẽ tập trung rất cao.
Thú thật là khi nói ra chuyện này tôi rất thương các bác trong Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia vì bình thường chúng tôi căng thẳng rất nhiều. Các bác trong Hội đồng có cả người lớn tuổi và có cả những người trẻ.
Từ thời Cục trưởng Ngô Phương Lan còn làm lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng đã chủ trương mời những người trẻ vào Hội đồng duyệt phim quốc gia. Đó là những người làm lĩnh vực báo chí theo dõi điện ảnh hoặc những người theo dõi các bộ ngành có liên quan đến điện ảnh. Nhưng thú thật là chưa được một nhiệm kỳ thì nhiều người đã cáo lui vì lịch làm việc rất nặng.
Cứ đúng 1h30 chiều là thực hiện duyệt phim và trung bình mỗi chiều sẽ duyệt 2 phim. Thông thường là những phim dưới 100 phút nhưng cũng có những phim dài hơn. Thời gian kéo dài cho mỗi buổi duyệt phim như thế thường từ 1h30 đến 17h30. Đó là với những phim trôi chảy, không có vấn đề gì lớn, còn phim có vấn đề chắc chắn sẽ muộn hơn.
Trong các dịp lễ tết, các kỳ liên hoan, các đợt cao điểm... thì Hội đồng duyệt phim làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật là bình thường. Hoặc tăng cường duyệt phim vào cả buổi sáng. Ngay từ khi tôi về nhận vị trí Cục trưởng Cục Điện ảnh là đã phải làm việc thêm cả thứ Bảy và Chủ nhật rồi.
Trách nhiệm rất nặng nề nhưng thù lao lại rất ít ỏi cho nên nhiều người trẻ đã không thể trụ được. Bởi một tuần duyệt đều đặn 3 buổi như thế thì các bạn ấy không có nhiều thời gian để làm những công việc khác. Vì thành viên Hội đồng duyệt phim không có lương cố định mà được hưởng theo đầu phim đã duyệt.
Thù lao cũng quy định rất rõ ràng, dưới 100 phút thì được nhận 150 nghìn; từ 100 đến 150 phút thì được nhận 150 nghìn nhân với hệ số 1,5; từ 150 đến 200 phút thì 300 nghìn và từ 200 phút trở lên là 300 nghìn. Thường thì phim 300 phút trở lên rất ít, chỉ có những phim 2 tập mới có thời lượng đó. Và các thành viên không được nhận thêm bất kỳ một khoản thù lao nào khác ngoài những khoản đã quy định trên. Trong khi đó, mỗi khi duyệt phim họ đều phải làm việc rất tập trung.
Những người đang làm việc trong Hội đồng duyệt phim quốc gia là những người cực kỳ yêu điện ảnh và họ cũng rất có trách nhiệm mới chịu được áp lực lớn như thế.
Như NSND Vũ Xuân Hưng - nguyên Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia từng chia sẻ là một năm anh ấy từng dự 225 buổi duyệt phim. Với một khối lượng công việc như thế thì khó có người trẻ nào dám bỏ hết công việc để giam mình trong phòng duyệt cả. Vì thế, việc các thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia đang hỗ trợ cho Cục Điện ảnh trong khâu duyệt phim hàng năm như hiện nay là quá đáng quý.
Trong sự việc lần này, bà nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim quốc gia?
Như tôi đã nói, với cương vị của người đứng đầu Cục Điện ảnh - cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, tôi xin nhận mọi trách nhiệm khi đã để xảy ra sự việc đáng tiếc này. Tôi thẳng thắn nhìn nhận và cầu thị lắng nghe mọi ý kiến để khắc phục.
Và chúng tôi cũng đang tiến hành kiểm tra lại một cách kỹ càng, thận trọng các bản phim và sẽ sớm có thông tin đến dư luận, người yêu điện ảnh.
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn