Phạm Nguyễn Nguyệt Hà là học sinh lớp 12 trường liên cấp Việt - Úc Hà Nội, đồng thời là học sinh trung cấp 9/9 chuyên ngành Piano Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Nguyệt Hà vừa được Nhạc viện uy tín Lawrence - Đại học Lawrence là một trong những trường đại học theo hệ thống giáo dục khai phóng - nghệ thuật tự do hàng đầu của Mỹ cấp học bổng 140.000 USD (hơn 3 tỷ đồng) cho 4 năm đại học.
Từng muốn bỏ cuộc vì cơ hội kiếm học bổng khó khăn
Chào Nguyệt Hà, cảm xúc của bạn như thế nào khi nhận được học bổng giá trị từ ngôi trường uy tín của Mỹ?
Em cảm thấy rất vui và háo hức. Em bắt đầu nộp hồ sơ từ cuối năm 2018 và mới nhận được kết quả vào tháng 4/2019. Em sẽ nhập học vào tháng 9 năm nay. Piano là đam mê lớn của cuộc đời em. Ban đầu em cũng không tự tin nộp hồ sơ vào các trường đại học Mỹ vì quá nhiều khó khăn.
Khi đến xin tư vấn từ các trung tâm du học, họ không có nhiều thông tin và kinh nghiệm về ngành học của em. Còn đến ngày hội du học, tìm kiếm học bổng Mỹ cũng hiếm có một trường âm nhạc sang trực tiếp tư vấn. Vậy là em tự tìm kiếm cơ hội thông qua thầy cô, bạn bè và mạng internet.
Quá trình xin học bổng của Nguyệt Hà đã diễn ra như thế nào?
Ngoài việc nộp hồ sơ theo yêu cầu như các chuyên ngành khác thì chuyên ngành của em đòi hỏi thí sinh có mặt trực tiếp thi theo ngày cố định mà trường yêu cầu. Việc rải hồ sơ khắp nơi như các chuyên ngành khác là không thể.
Ngoài ra, thời gian dự thi lại trùng với lịch thi cuối học kì 1, việc di chuyển từ trường này sang trường khác, từ bang này sang bang khác của Mỹ cần nhiều thời gian và điều em lo ngại nhất là sẽ tốn kém rất nhiều tiền bạc của gia đình. Em cũng xét rất nhiều đến yếu tố học phí của từng trường.
Thú thực ban đầu em lo lắng rất nhiều bởi trước đây, năm 14 tuổi, em từng theo học khoá piano 1 tháng tại Pháp và nhận thấy các bạn ở các quốc gia khác rất tài năng. Đã có lúc em nghĩ sẽ bỏ cuộc.
May mắn là cuối năm 2016, lúc em học lớp 10 và hệ trung cấp 7/9, em được học chương trình master do Giáo sư người Mỹ giảng dạy và cô khuyến khích em nộp hồ sơ hệ đại học của trường.
Lúc chuẩn bị hồ sơ, em chợt nhớ lại lời dặn của Giáo sư, tìm địa chỉ email của cô gửi cách đây 2 năm. Em cảm thấy tự tin hơn khi có sự khích lệ của cô và được biết cô đang là chủ nhiệm khoa Piano tại Nhạc viện Lawrence. Và vì cô đã từng giảng dạy, theo dõi tiến trình học tập của em nên em chỉ phải gửi video tiết mục trình diễn cùng dàn nhạc mà không cần phải bay sang Mỹ thi trực tiếp, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho gia đình.
Câu chuyện truyền cảm hứng từ tiếng chuông điện thoại
Cơ duyên nào đưa Nguyệt Hà đến với chuyên ngành piano?
Từ khi mới 5 tuổi, em đã được bố mẹ cho theo học piano lớp tập thể của cô giáo Trần Vân Cơ và được cô khích lệ, nhận xét em có năng khiếu về âm nhạc. Sau hơn một năm em chuyển sang học cá nhân do TS.Nguyễn Huy Phương giảng dạy và nhờ thầy chỉ bảo tận tình, năm 9 tuổi, em thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
TS.Nguyễn Trinh Hương là cô giáo giảng dạy trực tiếp em suốt 9 năm qua. Cô rất nghiêm khắc và tận tâm với học sinh. Thời gian đầu em còn mơ hồ, chưa định hướng rõ đam mê mà mình sẽ theo đuổi, nhưng nhờ có sự định hướng của cô, em xác định được piano sẽ là nghề gắn với mình suốt đời, từ đó em cố gắng tiến bộ theo thời gian.
Chiếc ghế, cây đàn piano đã gần gũi, thân thuộc bên em hơn 13 năm nay, mỗi giai đoạn chiếc ghế lại được hạ thấp xuống và em cảm nhận được là mình đã lớn và niềm đam mê cũng vậy. Và nó chỉ có thể hạ xuống để đôi bàn chân em tiếp đất vững hơn.
Nhiều du học sinh chia sẻ, giai đoạn khó khăn nhất là việc chuẩn bị hồ sơ, nhất là bài luận (essays). Nguyệt Hà có kinh nghiệm gì chia sẻ với các bạn?
Việc viết bài luận 1.100 từ theo yêu cầu cũng gây không ít áp lực cho em nhưng nhờ có sự động viên của mẹ mà em đã tìm được hướng tiếp cận cho riêng mình. Mẹ khuyên em nên tạo dấu ấn riêng từ những câu chuyện giản dị về ước mơ, về cuộc sống xung quanh mình.
Em kể về gia đình, về họ hàng, mọi người rất thành công, nổi tiếng ở các ngành kĩ thuật, em là người trẻ đầu tiên lựa chọn theo âm nhạc.
Em kể về sự đón nhận của công chúng đối với ẩm nhạc cổ điển tại Việt Nam. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, âm nhạc cổ điển vẫn còn kén người nghe. Nhưng thật lạ, những trở ngại đó không làm em nhụt chí mà cảm thấy tự hào vì bản thân đã có cơ hội tiếp cận thứ âm nhạc tuyệt vời này.
Có một câu chuyện khiến em tin rằng, rồi đây âm nhạc cổ điển sẽ được nhiều người thưởng thức. Một lần bác hàng xóm cạnh nhà bà em khoe rằng, con trai bà vừa tặng bà chiếc điện thoại. Bà nói, điện thoại nghe rõ nhưng tiếng chuông của nó gây cho bà cảm giác khó chịu và bà nhờ em đổi lại.
Em vui vẻ hướng dẫn bà vào cài đặt, nhạc chuông hiện tại là của một ca sĩ mới nổi, em lần theo kho nhạc có sẵn và lần lượt hỏi bà. Em bất ngờ khi bà muốn nghe lại tiếng đàn piano êm dịu và quyết định làm nhạc chuông chờ vì đoạn nhạc đó đã làm bà thấy dễ chịu.
Đều đó khiến em tin, âm nhạc cổ điển không khó nghe như nhiều người thường nghĩ mà sẽ đi vào trái tim một cách tự nhiên.
Nhưng theo em, bài luận, điểm số hay giải thưởng cũng không quyết định được nhiều mà các thầy cô muốn thấy rõ năng lực, tiềm năng của các thí sinh, giải đáp được các câu hỏi: bạn đã chơi với dàn nhạc bao giờ chưa, ở đâu, năm nào, tên bản nhạc đó, bạn đã bao giờ được trả phí cho buổi biểu diễn,… rồi tên những bản nhạc mà bạn đã được học...
May mắn là em trả lời được những điều đó, em từng biểu diễn solo cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Theo học cùng lúc 2 trường, Nguyệt Hà cân đối như thế nào?
Việc theo học đồng thời cả hai trường khiến bản thân em cũng gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện linh hoạt thời gian từ các thầy cô của trường Việt - Úc Hà Nội cũng như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam mà em có thể hoàn thành tốt việc học sau 9 năm. Em rất biết ơn các thầy cô.
Nói về cô học trò của mình, nghệ sĩ piano TS.Trinh Hương - giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết: "Nguyệt Hà là học sinh rất chăm chỉ, những gì Hà đã làm cho tôi thấy năng lực và sự quyết đoán của em. Khi em đặt mục tiêu sẽ quyết chí hoàn thành. Sau nhiều năm, điều khiến tôi hài lòng nhất là em đã có ý thức học ngày một tốt hơn, tôi cảm thấy tự hào khi có em là học sinh của mình.
Piano là một trong những ngành nghề quá trình học rất mất công, điều quan trọng nhất là phải kiên trì, phải có yêu thích và đam mê thì khó khăn gì cũng vượt qua được".
Trong lá thư giới thiệu gửi tới Đại học Lawrence, nghệ sĩ Đinh Hương viết: "Tuy các ngón tay của Nguyệt Hà ngắn nhưng đôi bàn tay và chuyển động cơ tay trên phím đàn rất linh hoạt, mềm mại".
Chị Nguyệt - mẹ Nguyệt Hà chia sẻ: "Ban đầu, gia đình tôi chỉ nghĩ đơn giản cho con học đàn piano để cảm thụ về âm nhạc, làm đẹp tâm hồn. Khi con học được khoảng 3 tháng, sinh nhật 5 tuổi, vợ chồng tôi mua tặng con cây đàn đầu tiên. Dần dần con tự hình thành thói quen và đam mê, làm gì cũng có chính kiến riêng.
Mọi thứ mới chỉ bắt đầu, chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, con đặt mục tiêu nỗ lực học tập, tìm kiếm học bổng Thạc sĩ và phải tập luyện chăm chỉ để trở thành một nghệ sĩ piano thực thụ".
Phạm Nguyễn Nguyệt Hà
Sinh năm: 2001
Những thành tích đã đạt được:
- Giải Vàng Cuộc thi In Recognition Of Your Outstanding Performance At The 2017 Asia International Piano Competition Korea 2017.
- Giải Nhì - Bảng Chuyên Nghiệp Cuộc Thi Festival Ceg 2014.
- Giải Nhất China - Asean Teenagers’ Piano Competition 8/2015 lứa tuổi 13-17 tuổi.
- Giải Ba - 1/ 2015 Taiwan-Asia International Piano Competition lứa tuổi Từ 13-17 tuổi.
- Giải Ba Vòng Chung kết quốc gia - 3rd Steinway International Youth Piano Competition 2015,
- Giải Ba Piano Solo Chopin Category - 2016 Lansum International Music Festival tại California - Mỹ…
- Các giải thưởng vẽ tranh và tiếng Anh cấp quận, cấp thành phố.
- Đạt điểm trung bình 9 năm chuyên ngành piano: 9,9 xét tuyển thẳng lên đại học, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Phương Nhung
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn