Tiến bộ đầu tiên của HA Gia Lai, như chúng tôi đã phân tích, là các cầu thủ của họ trưởng thành hơn, khôn ngoan hơn. Dàn sao non choẹt của đội bóng phố núi năm nào đã biết sử dụng… tiểu xảo, gây ức chế cho đối thủ để giành lợi thế tâm lý cho mình.
Đây là điều không hiếm trong bóng đá hiện đại, nhưng lại hiếm với HA Gia Lai vài năm nay, do đội này thường bị đặt sai vị thế và chọn sai trạng thái tâm lý khi gia nhập sân chơi chuyên nghiệp.
Với riêng trận tứ kết lượt về gặp CLB Hà Nội ở cúp quốc gia - Sư tử trắng 2018 tối 15/5, HA Gia Lai tiến bộ thêm một bước nữa, đó là “dám” đá co cụm để bảo toàn cách biệt mong manh, trước đối thủ mạnh hơn mình, thay vì trận nào cũng giống trận nào trước đây, trận nào cũng hùng hục lao lên phía trước.
Sau hiệp đầu nhận ra rằng nếu chơi đôi công với CLB Hà Nội, thì kiểu gì cũng thua, thậm chí thua đậm, vì chất lượng các pha phối hợp của đội bóng thủ đô tốt hơn hẳn đội bóng phố núi, HA Gia Lai chuyển sang chơi phòng ngự số đông trong hiệp 2, để hạn chế các tình hướng bật – nhả của CLB Hà Nội, và thành công hơn so với hiệp 1.
Đây là sự thay đổi tư tưởng rất lớn ở đội bóng của bầu Đức. Trước đây, bất chấp đối thủ là ai, bất chấp tính chất trận đấu như thế nào, HA Gia Lai chỉ biết đá theo đúng 1 kiểu, giữ bóng rườm rà, tấn công sa đà, mà quên mất nhiệm vụ phòng ngự.
Cứ nhìn vào diễn biến trong hiệp 1, với cách vây ráp của CLB Hà Nội, với hàng loạt pha dứt điểm trong khu vực 16m50 của đội bóng thủ đô, không khó hình dung nếu HA Gia Lai cứ chơi phóng khoáng như nửa đầu trận đấu, họ kiểu gì cũng thua, thậm chí thua nhiều bàn.
Việc đội bóng phố núi chuyển sang đang phòng ngự, đặc biệt phòng ngự số đông đến xù xì là đúng, xét trên tương quan lực lượng và trình độ giữa đôi bên.
HA Gia Lai tiến bộ, nhưng giữa họ và đội bóng mạnh nhất bóng đá Việt Nam hiện nay là CLB Hà Nội vẫn còn khoảng cách nhất định. Trong bối cảnh thiếu 2 ngôi sao hàng đầu, gồm tiền vệ Thành Lương và tiền đạo Oseni (chấn thương, chỉ vào sân trong ít phút cuối), đội bóng của bầu Hiển vẫn giành quyền vào bán kết.
Không thể đòi hỏi một đội bóng trận nào cũng đá giống trận nào, nhất là giống nhau ở sự hào nhoáng. So với trận đại thắng 5-0 trước chính HA Gia Lai ở V-League cách nay ít tuần, CLB Hà Nội tại tứ kết cúp quốc gia chơi không hay bằng. Tuy nhiên, chơi không hay nhưng vẫn thắng thì đấy mới là đội mạnh. Hay nói ngược lại, chỉ có những đội mạnh mới đủ sức thắng trận, ngay cả khi chơi không hay.
Ngoài CLB Hà Nội, FLC Thanh Hoá, SL Nghệ An và B.Bình Dương cũng giành vé vào bán kết. Trong số này, SL Nghệ An là đương kim vô địch cúp quốc gia, trong khi CLB Hà Nội, FLC Thanh Hoá và B.Bình Dương đều nằm trong nhóm những đội giàu có tại V-League mấy năm qua.
Tức là, để yên tâm chinh chiến song song trên cả 2 mặt trận là V-League và cúp quốc gia, các đội bóng phải có năng lực tài chính hùng hậu. Thứ nhất là không ngại tốn thêm chi phí để thi đấu quốc tế, nếu… lỡ đoạt cúp quốc gia. Thứ nhì vẫn liên quan đến kinh phí: Đó là đủ tài chính để tăng cường lực lượng, nếu đoạt cúp rồi cần bổ sung người cho sân chơi cúp châu Á mùa tới.
Lịch thi đấu bán kết cúp quốc gia
Lượt đi, ngày 1/9
Sân Hàng Đẫy: CLB Hà Nội – B.Bình Dương
Sân Thanh Hoá: FLC Thanh Hoá – SL Nghệ An
Lượt về, ngày 5/9
Sân Bình Dương: B.Bình Dương – CLB Hà Nội
Sân Vinh: SL Nghệ An – FLC Thanh Hoá
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn