Chuyện về gia tộc “đen đủi” nhất trong thế giới hội họa

Chủ nhật - 19/11/2017 08:14
Gia tộc này từng bán tranh đi với giá tương đương 1,4 triệu đồng; giờ bức tranh ấy đắt nhất thế giới, giá 10.234 tỷ đồng. Vận may từng đứng về phía gia tộc, khi ngôi nhà của họ bị trúng bom, nhưng tranh còn nguyên vẹn; dù vậy, vận may không bao giờ đến hai lần…

Trong tuần qua, bức “Salvator Mundi” (Người cứu rỗi thế giới) do danh họa người Ý Leonardo da Vinci thực hiện đã được bán ra với mức giá phá vỡ mọi kỷ lục từng xác lập trong thế giới hội họa - 450,3 triệu USD (tương đương 10.234 tỷ đồng). Có một chi tiết thú vị là đã có lúc, chính bức tranh này được bán ra với giá chỉ 60 USD (gần 1,4 triệu đồng).

Chuyện về gia tộc “đen đủi” nhất trong thế giới hội họa
Bức “Salvator Mundi” được thực hiện bởi danh họa Leonardo da Vinci hồi đầu thế kỷ 16.

Bức tranh từng được vua Louis XII của Pháp đặt hàng với Da Vinci hồi năm 1506, tác phẩm sau đó được treo trong hoàng cung của nhiều hoàng gia Châu Âu trong suốt hàng trăm năm rồi bắt đầu hành trình lưu lạc vào “nhân gian”.

Cuối cùng, theo một cách nào đó, tới đầu thế kỷ 20, bức tranh nằm trong bộ sưu tập của người đàn ông quý tộc Anh - Francis Cook, nhưng lúc này, tranh đã bị vẽ đè lên. Khi tới tay Cook thì gốc gác bức tranh đã bị lãng quên. Lúc này, người ta tưởng rằng tác giả bức tranh là học trò của Da Vinci - họa sĩ người Ý Giovanni Boltraffio.

Bức họa đã được treo trong gia đình nhà Cook suốt 4 thế hệ, họ luôn đinh ninh tác phẩm được thực hiện bởi học trò của Da Vinci. Khi Thế chiến II nổ ra, gia đình nhà Cook sơ tán khỏi London, họ bỏ bức tranh lại vì cho rằng nó không có giá trị gì.

Khi đó, tất cả tranh quý trong nhà Cook đều được gia đình đem theo tới Wales, bức “Salvator Mundi” thì bị cất dưới tầng hầm. Ngôi nhà bị trúng bom, nhưng bức tranh không bị tổn hại.

Năm 1958, sau khi bức tranh đã được cất giữ trong nhà Cook suốt 4 thế hệ, hậu duệ Francis Ferdinand Maurice Cook quyết định bán bức tranh thông qua nhà đấu giá và thu về… 60 USD (gần 1,4 triệu đồng). Tranh được bán cho một nhà sưu tầm đến từ bang Louisiana (Mỹ).

Chuyện về gia tộc “đen đủi” nhất trong thế giới hội họa - Ảnh minh hoạ 2
Richard Cook (58 tuổi, bên cạnh chị gái Priscilla Cook) - hậu duệ của gia tộc chuyên sưu tầm tranh “đen đủi” nhất thế giới hội họa.

Bức tranh sẽ ở lại bang Louisiana cho tới năm 2004 khi đại diện phòng tranh Robert Simon từ New York tìm tới hỏi mua với giá 10.000 USD (gần 230 triệu đồng) và “đổi đời” cho danh phận bức tranh. Một nhóm chuyên gia hội họa tầm cỡ quốc tế đã được phòng tranh mời tới để thẩm định lại bức tranh.

Khi đó, tranh đã bị vẽ đè lên và bị biến màu do thời gian hàng trăm năm không được bảo quản tốt. Bức tranh sau đó đã được phục chế lại, các chuyên gia đi tới kết luận rằng tác phẩm thực chất được vẽ bởi chính danh họa Da Vinci.

Năm 2013, nhà buôn tranh người Pháp - Yves Bouvier - đã mua lại tác phẩm tại một cuộc đấu giá kín, với giá 77 triệu USD. Thực tế, Bouvier là người mua trung gian, mua tranh giúp cho tỷ phú Nga - Dmitry Rybolovlev. Khi mua lại tranh từ Bouvier, tỷ phú Rybolovlev đã phải trả hơn 127 triệu USD. Dù vậy, tỷ phú Rybolovlev hiện hẳn đang rất hài lòng với thương vụ này.

Có thể thấy, giai đoạn bức tranh bị trả giá thấp nhất là khi nằm trong tay gia đình nhà Cook. Mới đây, báo chí phương Tây đã thực hiện loạt bài xoay quanh hậu duệ nhà Cook - gia tộc “đen đủi” nhất, đã vô tình để tuột mất tác phẩm hội họa đắt nhất lịch sử mỹ thuật thế giới với cái giá “rẻ như cho”.

Chuyện về gia tộc “đen đủi” nhất trong thế giới hội họa - Ảnh minh hoạ 3
Khung cảnh trong nhà đấu giá khi mức giá kỷ lục được chốt hạ trong ngày 15/11 vừa qua tại New York.

Giờ đây, ông Richard Cook (58 tuổi) - cháu trai của Francis Ferdinand Maurice Cook, người từng bán tranh với giá 60 USD hồi năm 1958 - đã đáp lại sự quan tâm của báo giới, khi người ta nhìn nhận gia tộc Cook là những người sưu tầm tranh “đen đủi” nhất thế giới, khi bán đi siêu phẩm với giá “rẻ bèo”.

Richard Cook đã nhìn lại “sai lầm” của ông mình một cách rất nhẹ nhàng, khi phóng viên tìm tới, Richard nói rằng ông rất thích bức tranh và muốn được treo nó trong phòng ăn của gia đình.

Gia đình nhà Cook vốn có truyền thống sưu tầm hội họa, và khối tài sản 450,3 triệu USD đã trôi tuột khỏi tay họ vì một thương vụ sai lầm. Vận may đã từng đứng về phía nhà Cook khi ngôi nhà của họ ở London bị trúng bom hồi Thế chiến II, nhưng tranh vẫn an toàn dưới tầng hầm dù bị chủ nhân “bỏ rơi” khi đi sơ tán.

Dù vậy, vận may không ở bên nhà Cook hai lần, khi họ đem rao bán tranh, họ đã bán đi với giá như “cho không”.

Chuyện về gia tộc “đen đủi” nhất trong thế giới hội họa - Ảnh minh hoạ 4
Bức “Salvator Mundi” được xem là bức tranh cuối cùng của Da Vinci còn có thể mua được trên thị trường. Các bức khác hiện đều nằm trong bộ sưu tập của các bảo tàng. Đây là một trong 16 bức tranh còn tồn tại cho tới hôm nay của Da Vinci.

Dù có thể rất tiếc nuối, nhưng đại diện nhà Cook - ông Richard Cook - trả lời rất bình thản: “Thật là tin tốt lành. Bậc thầy hội họa và siêu phẩm của ông đã bị đánh giá sai suốt một thời gian dài. Bản thân tôi cũng là một chuyên gia nghiên cứu hội họa từng làm việc cho nhà đấu giá. Tôi hy vọng người mua ẩn danh sẽ cho trưng bày tranh trong các bảo tàng mỹ thuật.

“Tôi không nghĩ gia đình mình đã để tuột mất bất cứ điều gì. Đó là tranh của Da Vinci. Nếu tranh vẫn ở với gia đình tôi, tôi nghĩ nó trông sẽ rất đẹp nếu được treo trong phòng ăn. Gia đình tôi vẫn chưa có cơ hội để cùng nhau nói về chuyện này, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ nói”.

Chuyện về gia tộc “đen đủi” nhất trong thế giới hội họa - Ảnh minh hoạ 5
Người mua bức tranh với giá “khủng” là một nhân vật ẩn danh trả giá qua điện thoại.

Tranh của danh họa Leonardo Da Vinci xác lập kỷ lục thế giới về giá

>> Mọi kỷ lục về giá trong lịch sử hội họa bị phá vỡ

Tác giả: Bích Ngọc Theo New York Post/Daily Mail

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây