Ông có suy nghĩ như thế nào về câu chuyện “truyền bá vong báo oán” đang làm rúng động toàn xã mấy ngày qua?
Tôi không ngạc nhiên về sự việc đang gây ồn ào và bức xúc dư luận ở chùa Ba Vàng - Quảng Ninh. Thực ra, việc này không xảy ra ở chùa Ba Vàng thì cũng sẽ xảy ra ở một cơ sở thờ tự nào đó.
Tôi cho rằng, đây là sự biến tướng của rất câu chuyện đã tồn tại từ lâu. Trước đây chúng ta đã thấy chuyện dâng sao giải hạn thu tiền ở rất nhiều chùa vào dịp đầu năm. Đây chẳng qua là nó chuyển từ hình thức dâng sao giải hạn sang một hình thức mê tín dị đoan khác.
Hiện tượng ồ ạt dâng sao giải hạn ở các chùa và chuyện trục vong gọi hồn ở chùa Ba Vàng nó thể hiện bản chất đang thay đổi của tôn giáo - tâm linh. Nó cũng thể hiện sự rối loạn về mặt nhận thức của người dân trong các vấn đề liên quan đến đức tin và văn hoá.
Theo ông, vì sao người dân ngày càng có những niềm tin mù quáng vào các trò mê tín dị đoan?
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, người dân đang bị thiếu niềm tin hay nói đúng hơn là thiếu chỗ để gửi gắm niềm tin một cách đúng nghĩa. Mỗi ngày lại có rất nhiều người uy tín tin vướng phải những việc sai trái thì dân chúng biết gửi gắm niềm tin của mình vào đâu?
Khi niềm tin vào thực tế xã hội bị lung lay thì dẫn đến người ta phải tìm đến một niềm tin nào đó. Và tôn giáo, tín ngưỡng… lại cung cấp cho người ta niềm tin đó nên người ta mới theo ngày càng nhiều. Bởi vậy mà ngày xưa có một vị đã nói: “Ở đâu có tiếng kêu ai oán của quần chúng thì ở đó có cơ hội của Chúa”.
Tức là khi người dân chưa biết bấu víu vào đâu cả thì người ta sẽ tìm đến sự cứu rỗi của tôn giáo và tín ngưỡng. Rõ ràng chúng ta thấy, trong thời gian vừa quan, tôn giáo - tín ngưỡng phát triển rất mạnh, đặc biệt là Phật giáo cùng các tín ngưỡng dân gian khác.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Tôn giáo cho người ta niềm tin nhưng cũng có những thành phần lợi dụng tôn giáo để dẫn dắt người ta vào những sự sai lệch?
Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Cái lớn nhất mà các tôn giáo mang đến cho người dân đó là một niềm tin. Niềm tin đó dù là hư ảo nhưng thà có niềm tin còn hơn không có niềm tin và nó sẽ giúp người dân sống tốt hơn.
Riêng bản chất của Phật giáo là vô thần, từ bi và thoát tục. Khi đi theo Phật giáo người ta sẽ được hướng theo những giá trị đó để sống thiện lành và thiên lương hơn.
Cho nên, cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung bao giờ cũng làm được rất nhiều việc tốt. Những giá trị đạo đức của con người sẽ được phát huy rất tốt khi ở trong các tôn giáo này.
Về mặt tiêu cực thì khi người ta tìm đến tôn giáo và tín ngưỡng nghĩa là người ta đang bị bế tắc trong cuộc sống. Tất nhiên không phải là tất cả nhưng có một bộ phận như thế.
Và ở một số nơi, niềm tin tôn giáo lại bị tiếp sức bởi những người đề cao giá trị lợi ích, nhất là lợi ích về kinh tế. Người ta lợi dụng sự tin tưởng của người dân đối với tôn giáo để làm ăn kinh tế. Chính lợi ích kinh tế đã làm cho một số cơ sở thờ ở Việt Nam bị méo mó, xa rời mục đích tốt đẹp ban đầu. Đây là một vấn đề đang dần trở nên trầm trọng hiện nay.
Vậy theo ông có cách nào để khắc phục những điều tiêu cực này?
Sở dĩ xuất hiện và tồn tại những điều tiêu cực đó là bởi rất nhiều lý do, trong đó có liên quan đến cả kinh tế, xã hội và truyền thông nữa. Cái này cũng được xem như một loại quy luật trong một xã hội chuyển đổi nên sẽ phải mất khá nhiều thời gian để khắc phục.
Trong xã hội chuyển đổi, có một khái niệm khoa học là “hiệu ứng con lắc”. Tức là khi người ta thái quá cái này thì người sẽ chuyển sang thái quá cái ngược lại.
Chẳng hạn, trước kia, chúng ta có một giai đoạn “vô thần” hoàn toàn. Chúng ta từng chứng kiến cảnh người ta biến các cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng trở thành kho thóc, trường học, ủy ban... để phục vụ nhu cầu thực tế của thời điểm hiện tại. Sau thời kỳ đó, chúng ta lại thần thánh hóa tất cả mọi thứ.
Chúng ta đang thấy hiện tượng đó trong xã hội ngày nay. Người ta có thể cắm hương ở bất kì chỗ nào, kể cả gốc cây, đầu đường xó chợ... cái gì cũng “thiêng hóa” được. Thậm chí, người ta còn mê tín hơn cả thời kì phong kiến.
Bản thân “hiệu ứng con lắc” này cũng có sự điều chỉnh nhưng nó cần có thời gian. Hiện giờ chúng ta đang ở cực cái gì cũng thấy thần linh, cái gì cũng mê tín... một giai đoạn sau “hiệu ứng con lắc” này sẽ làm cho hiệu ứng xã hội dần dần giảm xuống. Chuyện cả xã hội đang cùng bức xúc, phẫn nộ và lên tiếng chỉ trích việc vấn nạn dâng sao giải hạn, gọi hồn trục vong... chính là quá trình tự điều chỉnh của xã hội.
Với tư cách là một người nghiên cứu về văn hóa, tôi tin rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ có sự điều chỉnh hành vi. Đương nhiên, nếu chúng ta làm đúng và quy củ thì quá trình này sẽ diễn ra nhanh, còn nếu để xã hội tự điều chỉnh thì sẽ tốn thời gian hơn.
Nếu phải đưa ra một một giải pháp tạm thời đối với sự việc đang gây rúng động dư luận ở chùa Ba Vàng, ông sẽ đưa ra giải pháp như thế nào?
Chúng ta cần hiểu được sự chuyển đổi bản chất của văn hoá trong nền kinh tế thị trường. Nơi mà các giá trị mới chưa hình thành, các giá trị cũ lại đang chưa mất đi.
Thực ra, chúng ta cũng từng đưa ra các định hướng về “thang đạo đức chung” trong các văn bản chính sách của Nhà nước. Nhưng những định hướng này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Và khi chúng ta giải quyết là giải quyết bản chất chứ không giải quyết từng vụ việc cụ thể.
Chẳng hạn, triết lý của Phật giáo là vô thần, từ bi và thoát tục thì không thể nào cho phép chuyện “gọi hồn trục vong” trong chùa như ở chùa Ba Vàng được. Và như thế là cần phải có sự quán triệt triệt để từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tới các chùa.
Ông không thể lấy lí do đó không phải là hoạt động của sư trụ trì. Đấy là hoạt động diễn ra trong khuôn khổ và phạm vi của chùa thì sư trụ trì phải chịu mọi trách nhiệm về những việc diễn ra tại chùa.
Ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta phải đặt câu hỏi “Vì sao những chuyện như chùa Ba Vàng thường xảy ra trong các chùa ở miền Bắc mà không phải ở miền Trung hay miền Nam?”. Tìm thấy lý do sẽ có giải pháp xử lý.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn