Không VAR, ai kiểm tra trọng tài?
Không phủ nhận trọng tài ở đâu cũng có sai sót, và từng có lúc người ta xem sai sót của trọng tài là một phần của bóng đá. Tuy nhiên, vì trọng tài có sai sót và để tránh các sai sót của trọng tài, người ta mới áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR).
Với bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh thật thật – giả giả, trong bối cảnh mà giới trọng tài nội mang rất nhiều tai tiếng nhiều năm nay, khi trọng tài sai, các đội bóng và cả người hâm mộ nữa, không khỏi liên tưởng đến sai sót của trọng tài với vấn đề tư tưởng.
Thành ra, nếu nói đến sự cần thiết của công nghệ VAR, bóng đá Việt Nam mới là nơi cần công nghệ này hơn bất cứ đâu.
Ví dụ như hôm 27/10 vừa rồi, ở trận bán kết cúp quốc gia giữa CLB Hà Nội và CLB TPHCM trên sân Hàng Đẫy, nếu BTC giải áp dụng công nghệ VAR, thì pha ghi bàn gây tranh cãi của Omar bên phía CLB Hà Nội ở phút 35 sẽ không còn là vấn đề gây tranh cãi nữa: Trọng tài có thể xem lại VAR, khán giả trên khắp cả nước cũng có thể xem lại VAR (thông qua truyền hình), rồi tự cho ra kết luận pha đấy Omar có lỗi hay không có lỗi? Bàn thắng hợp lệ hay không hợp lệ?
Khi đó, giới trọng tài cũng đỡ mang tiếng hơn nhiều chứ! Khi đó, người hâm mộ bóng đá Việt Nam nói chung cũng đỡ lăn tăn với phát biểu của HLV Chung Hae Seong trên báo Hàn Quốc cách nay không lâu, rằng “Chuyện một ông chủ chi phối đến nhiều đội bóng, chi phối đến giới trọng tài không phải không có cơ sở”.
Nếu có VAR, người ta sẽ khỏi phải cứ mãi thắc mắc, rằng tại sao cứ hễ CLB TPHCM mà đụng CLB Hà Nội trong mùa giải năm nay, hết 3 lần giáp mặt, là 3 lần trọng tài đều trở thành vấn đề gây tranh cãi, toàn theo hướng làm lợi cho đội bóng của bầu Hiển và gây bất lợi cho đội bóng đang cạnh tranh thành tích với CLB Hà Nội là TPHCM?
Không dám nói rằng nếu công nghệ VAR được áp dụng, giới trọng tài nói chung sẽ tốt lên. Nhưng dù sao, nếu có công nghệ đấy, một bộ phận của giới “vua sân cỏ”, nếu muốn ăn gian, muốn tính chuyện mượn gió bẻ măng cũng khó hơn nhiều chứ!
Đầu mùa nghe VAR, giữa mùa được hứa VAR, cuối mùa vẫn không thấy… VAR
Cũng thành ra, những tranh cãi về giới trọng tài, những yếu kém của đội ngũ trọng tài tại V-League (và cúp quốc gia), không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của riêng giới trọng tài.
Áp dụng VAR hay không áp dụng VAR dĩ nhiên là trách nhiệm của đơn vị tổ chức giải và trên nữa. VPF và VFF không phải không biết trọng tài nội nhiều yếu kém, không phải không biết trọng tài nội mất niềm tin nơi người hâm mộ, nhưng vẫn chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ VAR, bởi họ cũng không đánh giá hết sự cần thiết phải có công nghệ này, theo xu thế chung của bóng đá thế giới.
Đành rằng áp dụng công nghệ mới vào giải V-League vốn không phải chuyện dễ, về đội ngũ kỹ thuật, về khâu vận hành…
Nhưng đã gọi là mới thì luôn có khó khăn, và phải làm mới giải quyết được khó khăn đấy, chứ không thể nói khó rồi thôi. Vả lại, phải là việc khó thì người hâm mộ bóng đá cả nước mới cần đến vai trò điều hành của VPF, của VFF. Chứ việc mà ai làm cũng được, công nghệ mà nơi nào áp dụng cũng được, thì người ta cần đến những nhà quản lý hàng đầu, những nhà chuyên môn hàng đầu ngồi ở các tổ chức hàng đầu của nền bóng đá làm gì nữa?!
Cũng nói về quá trình vận hành công nghệ VAR, giải Thai-League cũng từng gặp khó khăn khi áp dụng công nghệ này, đang vận hành giữa chừng thì họ phải tạm ngưng để sửa lỗi.
Nhưng Thai-League sẽ lại có VAR ở các trận cuối cùng của cúp nước Thái năm nay. Đấy mới là quyết tâm, đấy mới chuyển động theo xu thế chung của bóng đá quốc tế. Bằng ngược lại, thấy rõ trọng tài sai từ đâu, dễ “ăn gian” từ đâu, thấy rõ giải pháp giảm thiếu sai sót của trọng tài mà không quyết liệt làm đến cùng, chỉ vì thấy… khó, thì đúng là cái sai của trọng tài, sự mất niềm tin dành cho giới trọng tài đâu chỉ xuất phát từ bản thân các trọng tài!
Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn