Chương trình “Chân dung cuộc tình” đưa người xem đến với chuyện đời - chuyện nghề của nhạc sĩ Văn Phụng. Ông là tác giả của những bài hát trữ tình nổi tiếng thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội, trong một gia đình có 4 anh chị em. Ông học đàn dương cầm từ nhỏ. Năm 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông theo học ngành y theo ý muốn của cha mình. Nhưng chỉ được một năm, ông bỏ học để theo âm nhạc.
Năm 1948, Văn Phụng sáng tác ca khúc đầu tay “Ô mê ly” trong một lần vui đùa ca hát cùng bạn bè trong ban quân nhạc. Ông thường trình diễn nhạc phẩm này tại những vũ trường ở Hà Nội. Bài hát được đông đảo người nghe đón nhận và kể từ đó tên tuổi của ông được giới yêu nhạc chú ý.
Về sau “Ô mê ly” còn nổi tiếng cùng tiếng hát của ban Thăng Long với giọng hát của nghệ sĩ Thái Thanh, Phạm Đình Chương. Ca sĩ Ánh Tuyết cũng thường trình diễn nhạc phẩm này những năm thập niên 2000.
Tuy được xem như là một trong số các nhạc sĩ theo trường phái nhạc cổ điển phương Tây nhưng Văn Phụng cũng viết những bản nhạc mang âm hưởng dân gian và sau này trở thành những bài hát nổi tiếng như: “Trăng sáng vườn chè” (phổ thơ Nguyễn Bính), “Các anh đi” (thơ Hoàng Trung Thông), “Đêm buồn” (phổ ca dao), “Nhớ bến Đà Giang”... Ông còn hòa âm cho nhiều cuốn băng nổi tiếng và được xem như một trong những nhạc sĩ hòa âm xuất sắc nhất của Sài Gòn khi đó.
Trong vai trò khách mời của chương trình, danh ca Phương Dung tiết lộ, bà từng nhiều lần làm việc với nhạc sĩ Văn Phụng. Trong mắt bà, Văn Phụng là một người hài hước nhưng khi đã làm việc thì vô cùng nghiêm túc.
Những khi ở phòng thu, ông tập nhạc cho bà rất kỹ, đoạn nào không hài lòng ông bắt bà hát lại cho đạt mới thôi. Cũng chính bởi sự kỹ tính đó mà các sáng tác của Văn Phụng dù mang âm hưởng đồng quê, tiền chiến hay Tango thì đều là những nhạc phẩm hoàn hảo, được trau chuốt một cách kỹ lưỡng.
Nhắc đến mối tình Văn Phụng - Châu Hà, biên tập Minh Đức cho biết, ngày ấy, Văn Phụng và Châu Hà yêu nhau say đắm. Tuy nhiên, vì Văn Phụng là nhạc sĩ mà gia đình bà Châu Hà ở Hải Phòng không thích con gái yêu người theo nghề “xướng ca vô loài” nên ra sức ngăn cản.
Phẫn uất, Châu Hà vào Nam kết hôn, còn Văn Phụng cũng lấy một người con gái Hà Thành. Vợ ông cũng là người nổi tiếng “đẹp người, đẹp nết”, rất được bố mẹ chồng thương quý. Đến khoảng đầu thập niên 1950, vợ chồng Văn Phụng đã có 2 người con gái.
Tuy nhiên, cuộc đời có những điều bất ngờ thật khó nói trước. Văn Phụng gặp lại Châu Hà tại miền Nam khi người xưa đã trở thành ca sĩ chuyên hát ở đài phát thanh và các phòng trà cùng thời với những Mộc Lan, Linh Sơn, Ánh Tuyết...
Tình xưa nghĩa cũ, cả hai không chỉ trở thành một đôi song ca ăn ý trong làng nhạc miền Nam thời ấy mà còn bất chấp những rào cản về gia đình, dư luận để đến với nhau. Và ca khúc “Tôi đi giữa hoàng hôn” đã ra đời trong hoàn cảnh đầy những bộn bề, trái ngang đó. Lời bài hát là những tâm sự của người đàn ông khi đã có gia đình nhưng còn vương vấn tình xưa.
“Tôi đi giữa hoàng hôn, khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương. Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài mà lòng thấy u hoài... Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa, trên những đường xa, thường thường hai đứa nắm tay nhau tươi cười, như thầm hẹn nhau mùa sau...”.
Và rồi, vượt lên tất cả, Văn Phụng - Châu Hà đã đến với nhau. Kết tinh của tình yêu ấy là một bé gái xinh xắn mà danh ca Phương Dung từng gặp gỡ. Bà cho biết: “Tôi nhiều lần đi diễn cùng Văn Phụng - Châu Hà, thấy anh chị dắt theo một bé gái rất dễ thương. Văn Phụng yêu và chiều Châu Hà lắm. Ông chăm sóc bà từng li từng tí một khiến người xung quanh ai cũng cảm phải ngưỡng mộ”.
Đặc biệt, Châu Hà sở hữu một mái tóc vô cùng dài, mượt, đen tuyền. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để thời trẻ Văn Phụng sáng tác nên ca khúc nổi tiếng “Suối tóc”. Đây cũng là ca khúc duy nhất mà người nhạc sỹ nổi tiếng viết tặng vợ. Sau này, về sống với nhau rất hạnh phúc nhưng Văn Phụng không còn sáng tác nhiều, ông dành nhiều thời gian chăm sóc vợ con.
Theo lời biên tập Minh Đức, Văn Phụng và Châu Hà dù sống trong Nam nhưng vẫn giữ thói quen và cách sinh hoạt của người Bắc. Hai vợ chồng luôn “tương kính như tân” khiến ai gặp một lần cũng ngưỡng mộ.
“Khi đã lớn tuổi, Văn Phụng - Châu Hà vẫn giữ cách nói chuyện của người Bắc xưa, hai vợ chồng trân trọng nhau như khách quý. Đây không phải cách cư xử xã giao mà là sự văn minh hiểu biết của một cặp vợ chồng nghệ sỹ luôn yêu thương và nâng cánh cho nhau suốt bao năm. Cả hai luôn dành những từ ngữ trân quý khi nói về nhau”, biên tập Minh Đức chia sẻ.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn