Những năm gần đây, khi xã hội càng ngày càng phát triển, công nghệ số len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống thì văn hoá nói chung và văn hoá dân gian nói riêng ngày càng được nhìn nhận đúng giá trị. Nhiều chương trình nghệ thuật, nhiều sản phẩm âm nhạc, nhiều bộ sưu tập thời trang đã hướng đến việc tiếp biến những giá trị văn hoá dân gian để đưa chúng về gần với đời sống.
Và trên thực tế, có nhiều sản phẩm văn hoá - nghệ thuật - thời trang đã được công chúng đón nhận nhiệt tình, thậm chí tạo nên cơn sốt trong làng nghệ.
Buổi toạ đàm không chỉ nhìn lại một cách toàn diện và rõ nét sức sống của văn hoá dân gian trong đời sống đương đại mà còn hé mở những ý tưởng mới cho những người làm nghệ thuật - thời trang soi chiếu.
Từ đó, mỗi người sẽ tự tìm cho mình “con đường” đến với văn hoá dân gian hiệu quả nhất và bản sắc nhất. Đấy cũng là một cách để những người hôm nay cùng chung tay gìn giữ, phát huy và lan toả những di sản mà ông cha bao đời đã truyền lại.
Buổi toạ đàm sẽ có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Ca sĩ Ngọc Khuê - Giảng viên khoa Thanh nhạc Đại học Văn hoá Hà Nội và NTK Hà Minh Phúc và NTK Mai Ly - Chủ của thương hiệu thời trang May’s House.
***
14h các khách mời đã có mặt tại toà soạn báo . Mời độc giả cùng tham gia buổi toạ đàm “Chất liệu dân gian trong đời sống văn hoá nghệ thuật đương đại”:
MC: Với tư cách là người nghiên cứu văn hoá, ban xây dựng hồ sơ nhiều di sản phi vật thể đệ trình lên UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời bà cũng là một chuyên gia, một thành viên của Ban thẩm định hồ sơ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2017-2020), bà nhìn nhận như thế nào về sức sống của văn hoá dân gian trong đời sống hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Văn hóa dân gian là một phần trong cuộc sống tinh thần, nó ra đời tồn tại từ hàng trăm năm. Chức năng và ý nghĩ của nó hướng tới cộng đồng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa dân gian vẫn đầy sức sống. Dân tộc còn, văn hóa còn là còn văn hóa dân gian...
MC: Bà nghĩ sao về chuyện có nhiều thể loại văn hoá dân gian đang mai một nhưng cũng có nhiều loại hình đang sống lại mạnh mẽ không chỉ trong cuộc sống cộng đồng, chủ nhân của di sản, mà còn thông qua việc ứng dụng chúng đầy sáng tạo trong thời trang, âm nhạc, điện ảnh?
PGS.TS Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Một số thể loại văn hóa dân gian đang mai một vì sức sống không phù hợp với nhân loại. Có di sản làng nghề, đầu ra không còn nên có nguy cơ mai một. Một số thể loại dân gian khác, bối cảnh không còn nên cũng mai một. Một số thể loại dân gian khác lại trường tồn.
Sự trường tồn được thể hiện ở nhiều yếu tố, thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ. Hiện nay có nhiều mẫu mã, thể loại truyền thống dân gian được vận dụng sáng tác trong âm nhạc, hội họa, thời trang...
MC: Vậy còn ca sĩ Ngọc Khuê thì sao?
Ca sĩ Ngọc Khuê: Là người theo đuổi dòng nhạc dân gian đương đại, chị nhìn nhận như thế nào về việc ngày càng có nhiều ca sĩ trẻ đang tìm về với văn hoá dân gian như một cách làm mới âm nhạc?
Tôi nghĩ rằng, văn hóa dân gian luôn trường tồn cùng dòng chảy xã hội, đặc biệt là với những nghệ sĩ trẻ, những người tìm tòi cái mới. Tôi ủng hộ các sáng tạo mới của ca - nhạc sĩ trẻ gần đây. Họ mang đến làn gió mới cho bức tranh đa sắc màu của nghệ thuật Việt Nam.
Có những chất liệu dân gian tưởng như không còn phù hợp xu thế đương đại nhưng với các nghệ sĩ thì họ rất giỏi, họ làm nên những tác phẩm mới - vừa dân gian, vừa hiện đại, làm mới trên chất liệu đương đại, vì thế những người yêu nghệ thuật đều chấp nhận, yêu thích và các sản phẩm đó đều được đón nhận.
MC: Dưới góc nhìn của người làm thời trang, hai nhà thiết kế cảm nhận như thế nào về sức sống của văn hoá dân gian trong dòng chảy thời trang hiện nay?
Nhà thiết Hà Minh Phúc - Mai Ly: Theo cá nhân tôi, tôi cảm nhận rất rõ hơi thở của nét đẹp văn hóa dân gian đương đại đang được sống lại rất mạnh mẽ. Và tôi thấy rất vui là các thế hệ, ví dụ như thế hệ của tôi là thế hệ 8x và 9x thì đúng như cô Hiền và chị Khuê nói đã biến tất cả sự sáng tạo trên nền của văn hóa dân gian, để giới trẻ càng ngày càng tiếp cận được nhiều hơn và cảm nhận được nét đẹp trong vẻ đẹp trường tồn của văn hóa Việt Nam là chiều dày về lịch sử. Vô vàn các nét đẹp đó được truyền đạt thông qua các kênh âm nhạc, thời trang…
Thêm một ý vui nữa là tất cả các bộ sưu tập phát triển trên văn hóa dân gian từ họa tiết, thẩm mỹ đến chất liệu đều được sự ủng hộ của quần chúng rất mạnh mẽ.
MC: Khi thể hiện các ca khúc theo phong cách dân gian, chị có sáng tạo không?
Ca sỹ Ngọc Khuê: Với những ca khúc dân gian đương đại, ban đầu mọi người có thể cảm thấy khó nghe nhưng nghe nhiều, nghe quen thì lại thích. Trước khi hát, Khuê thường tìm hiểu gốc gác kỹ càng của các ca khúc, ví dụ, những tác phẩm của Lê Minh Sơn hay Nguyễn Vĩnh Tiến thì thường sử dụng chất liệu dân gian Bắc Bộ như hát Then, ả đào, chầu văn… Khuê hát trên nền nhạc hiện đại hơn và khi biểu diễn Khuê không mặc áo dài kiểu truyền thống mà mặc áo dài cách tân. Thời trang May’s House cũng luôn hỗ trợ trang phục cho Khuê một cách chỉn chu, tinh tế, tỉ mỉ. Các sản phẩm đẹp như một bức tranh chứng tỏ các nghệ sĩ rất yêu nghề và đam mê. Cá nhân Khuê khi lên sân khấu cũng hát hết mình vì những yếu tố dân gian ngấm vào máu.
MC: Cũng có ý kiến cho rằng khi nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tìm về chất liệu dân gian để khai thác, ứng dụng trong những sáng tác mới, thì cũng có nghĩa là người làm nghệ thuật lười nhác, mòn cụt trong ý tưởng sáng tạo. Chị nghĩ sao?
Ca sĩ Ngọc Khuê: Các nghệ sĩ hiện giờ rất giỏi, họ biết kế thừa, phát triển phong cách văn hóa dân gian xưa và tạo nên các tác phẩm mới, nhờ vậy các màu sắc văn hóa xưa cũ vẫn được duy trì - sống lâu trong lòng người hâm mộ.
MC: Cũng có ý kiến cho rằng khi nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tìm về chất liệu dân gian để khai thác, ứng dụng trong những sáng tác mới, thì cũng có nghĩa là người làm nghệ thuật lười nhác, mòn cụt trong ý tưởng sáng tạo. Bà nghĩ sao?
PGS.TS Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Theo ý kiến của riêng tôi, tôi nghĩ ngược lại. Những nhà sáng tác vận dụng yếu tố dân gian trong sáng tạo, tác phẩm của mình. Tác phẩm đó có thể là một bài hát, một bức tranh, tà áo dài và tôi cho rằng họ là người giỏi. Thứ nhất, họ là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, hiểu ý nghĩa của nó.
Yếu tố văn hóa dân gian ra đời hàng ngàn năm vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nghĩa là đã được chắt lọc qua thời gian. Nó tồn tại đến ngày nay, nó là tinh hoa sự sáng tạo, của cộng đồng, trải qua nhiều thế hệ. Họ vận dụng trong bối cảnh đương đại, tác phẩm đương đại, họ phải hiểu thị hiếu hiện nay và nhu cầu hiện nay. Họ kết hợp hai yếu tố đó tạo tác phẩm, tác phẩm đó được công chúng tiếp nhận, đánh giá cao thì người đó rất giỏi, rất hiểu biết.
Điều này góp phần cho sự phát triển nghệ thuật làm cho nghệ thuật phong phú hơn. Nghệ thuật đi vào cuộc sống hơn, nó tạo nên sức mạnh hơn cho nghệ thuật đương đại.
MC: Để có được những tác phẩm âm nhạc vừa gần gũi với đời sống, vừa mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc… theo chị, người ca sĩ - nhạc sĩ cần phải có đáp ứng những yếu tố gì?
Ca sĩ Ngọc Khuê: Những yếu tố thì rất nhiều nhưng trước tiên, muốn sáng tạo vẫn cần phải có cái “gốc” căn bản, ví như yếu tố dân gian vùng miền nào thì phải tìm hiểu vùng miền đó có chất liệu dân gian nào, phong tục ra sao… Sau đó nghệ sĩ bắt tay vào sáng tác thì cần cảm hứng sáng tác nghệ thuật, cần quá trình tìm hiểu và cũng có thể cần những khoảnh khắc đột phá về cảm hứng thì mới sáng tạo được. Nghệ thuật thì cần tư duy sáng tạo mới nhưng đôi khi cũng là sự bộc phát đầy bất ngờ.
Nói chung, với tôi, những sáng tác trên chất liệu dân gian vừa quen vừa lạ, vừa hấp dẫn, vẫn theo kịp xu thế hiện tại nhưng không mất đi cái cũ.
MC: Rõ ràng chúng ta thấy, chất liệu từ văn hoá dân gian ngày càng được khai thác, sử dụng trong đời sống văn hoá - nghệ thuật đương đại, từ âm nhạc, mỹ thuật đến trang phục... Tuy nhiên không phải sự kết hợp - sáng tạo nào cũng phù hợp với thị hiếu của công chúng. Nếu không tinh tế, không có nền tảng kiến thức, sự kết hợp nhiều khi còn tạo hiệu ứng ngược. Bà có thể chia sẻ gì về điều này?
PGS.TS Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Trên thực tế, các nhà sáng tác âm nhạc, thiết kế thời trang, mỹ thuật ứng dụng mô típ dân gian nhưng không phải ai cũng thành công. Có thể thất bại. Khi mà ta sử dụng một yếu tố dân gian sang cộng đồng chủ nhân sang cộng đồng khác thì người sáng tác phải giỏi, có hiểu biết ý nghĩa về văn hóa, ý nghĩa nhân sinh quan, triết lý các mô típ dân gian họ sử dụng.
Khi sử dụng mô típ đó sang chất liệu, bối cảnh, cộng đồng khác, thì họ phải biết thay đổi sao cho phù hợp với nhu cầu mới, nhu cầu của cộng đồng, thị hiếu mới. Nhưng sự thay đổi này không đi ngược lại ý nghĩa vốn có của nó ban đầu.
Nếu được thế, người sáng tạo giỏi đã biến các mô típ dân gian từ bối cảnh này sang bối cảnh khác nhưng vẫn phù hợp, vẫn giữ được ý nghĩa của nó.
MC: Nhiều khán giả thờ ơ với tác phẩm văn hóa dân gian, theo Khuê vì sao? Vì sao Khuê thường mặc áo dài?
Ca sĩ Ngọc Khuê: Tôi nghĩ có thể một bộ phận giới trẻ không mặn mà với văn hóa truyền thống vì họ không yêu nghệ thuật hoặc các tác phẩm chưa chạm được tới khán giả. Có thể các tác phẩm đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Cá nhân tôi thích mặc áo dài vì ngày xưa tôi luôn ao ước có áo dài để mặc ngày Tết, bây giờ làm ca sĩ thì được mặc nhiều kiểu áo dài đẹp và tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Thực ra dòng nhạc mà Khuê hát thì rất hợp với áo dài.
MC: Là ca sĩ và giảng viên, khi giảng dạy, chị mang tác phẩm văn hóa dân gian tới sinh viên như thế nào, cách học sinh tiếp cận văn hóa dân gian ra sao?
Ca sĩ Ngọc Khuê: Giáo trình Khuê viết để giảng dạy luôn có một bài dân gian, dân ca. Ban đầu các bạn trẻ có thể chưa ngấm nhưng tới khi thi tốt nghiệp thì đã tốt hơn nhiều vì các bạn có kiến thức hơn. Mỗi học phần tôi đều yêu cầu học sinh phải hát 1 bài dân ca, nói chung các bạn học sinh hào hứng với bản phối mới và được hát với dàn nhạc. Dần dần, nếu học chăm chỉ, các bạn trẻ sẽ tiến bộ. Khi thi tốt nghiệp, các bạn không hát cứng và đơ nữa, biết luyến láy, nhấn nhá, nhả chữ. Nói chung với các bài hát đương đại thì học sinh của tôi rất thích.
MC: Nói về áo dài - gần đây có một số sự tranh cãi về các kiểu áo dài biến tấu, Khuê thấy sao?
Năm ngoái Khuê thấy mọi người mặc áo dài với chân váy, cá nhân Khuê phản đối việc này. Bản thân Khuê rất thích tìm hiểu về áo dài và Khuê rất trân trọng tà áo dài. Khuê thường mặc áo dài đậm chất Việt mỗi khi lên sân khấu. Khi dự sự kiện tại nước ngoài, mặc áo dài thuần Việt thì bạn bè năm châu đều hỏi thăm Khuê và biết ngay Khuê tới từ Việt Nam.
MC: Ngọc Khuê có lời nhắn nhủ gì cho những người trẻ để họ có thêm hiểu biết về giá trị của văn hóa dân gian?
Những lời nhắn nhủ của Khuê dành cho các ca sĩ trẻ thì Khuê đều viết trong giáo trình giảng dạy mỗi ngày. Khuê hi vọng sau khi học sinh của mình hoàn thành 6 học trình thanh nhạc thì họ có thêm hiểu biết về văn hóa dân gian để gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị này.
MC: Liên quan đến chủ đề chất liệu dân gian trong đời sống văn hóa nghệ thuật đương đại, nói một cách cụ thể trong thiết kế áo dài là chất liệu truyền thống được kết hợp với sự hiện đại, cách tân... Tôi lại liên tưởng đến “trào lưu” mặc áo dài với quần jean, quần bó. Đó cũng là sự kết hợp, sáng tạo nhưng vì sao lại không khiến phần đông công chúng cảm thấy “thuận mắt”? Bằng chứng, là không ít trường hợp nghệ sĩ bị “lên án” khi kết hợp như thế này?
Nhà thiết kế Hà Minh Phúc - Mai Ly: Theo quan điểm cá nhân mình, đầu tiên mình phải quay trở lại câu trả lời của giáo sư Hiền: “Những người sáng tạo, họ phải sáng tạo ra một thứ hoàn toàn mới nhưng lại trên nền cũ của một môi trường thực hành. Tức là mọi thứ nó đều có những cái quy định và những cái luật trong một nền văn hóa nào đó. Thế nhưng người sáng tạo theo góc nhìn của chuyên gia thì phải đúng với mô-tuýp đúng với môi trường để thực hành những nét đẹp đó.
Thế nhưng đứng từ góc nhìn của thời trang, cá nhân mình lại thấy rằng thời trang là không có giới hạn. Nên với cá nhân mình, mình không có tất cả những nhận xét mang tính chất quan điểm với bất kỳ một sáng tạo nào của giới trẻ. Đứng trên góc nhìn của cô Hiền, cô sẽ có những nhận xét mang góc nhìn của chuyên gia về nội dung. Ví dụ khuôn khổ của áo dài nó sẽ có những mô-tuýp được hoặc không được. Nhưng đứng về góc nhìn thời trang, rất rất nhiều sự sáng tạo không có paren nào cả. Thời trang là không có giới hạn. Nó phụ thuộc vào tư duy của nhà thiết kế. Lúc đó hiểu biết cũng là như cô Hiền nói, tức là thể hiện được các tư duy có thật sự hiểu biết về nét đẹp văn hóa đấy để đưa vào sản phẩm của mình hay không? Chứ không phải chỉ là cứ sáng tạo bừa, áo dài với quần jean hoặc những cái gì khác rất kỳ quặc. Chính các sản phẩm đấy của các NTK nó sẽ phản ánh tri thức cùng sự hiểu biết của các NTK và những người sử dụng thời trang đó trong trang phục mà họ mặc lên.
MC: Văn hóa dân gian có nhiều dị bản, bà nói gì về điều này?
PGS.TS Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Dị bản là đặc tính của văn hóa dân gian, sự sáng tạo cũng là đặc tính của văn hóa dân gian. Chúng ta không thể coi là gốc được vì văn hóa luôn thay đổi.
Để bảo vệ nó là cái đang sống, cái đang sống có nhiều dị bản. Từ một bài dân gian, ở làng này Nghệ An họ hát thế này, ở làng khác lại hát khác. Tất cả đều là sự sáng tạo đã đi vào đời sống dân gian.
Quay lại câu hỏi thế nào là chuẩn, thế nào là gốc? Vấn đề này không nên đưa ra, điều này thậm chí là phản khoa học. Hầu đồng cùng một giá hầu, người hầu thế này, người hầu thế kia vì thế đưa ra chuẩn mực cho một giá hầu là vô nghĩa. Các loại hình văn hóa dân gian có nhiều dị bản và các dị bản vẫn tồn tại trong cuộc sống. Dị bản không hay, không tốt sẽ bị triệt tiêu, mất đi....
Ban Văn hoá
Ảnh: Quý Đoàn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn