Chúng ta đang cư xử với nhau bằng sự lăng nhục, thô lỗ?

Thứ bảy - 16/09/2017 19:41
Vấn đề nhức nhối trong văn hóa tranh luận, trao đổi - nhất là trên mạng xã hội được đặt ra tại buổi trò chuyện của TS Đặng Hoàng Giang với hàng trăm học sinh, sinh viên ở TPHCM với chủ đề “Nghệ thuật phê bình người khác”.

Văn hóa tranh luận, tôn trọng không còn?

Bắt đầu buổi trò chuyện, TS người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Thiện, Ác và Smartphone” quay ngược sử Việt Nam cách đây khoảng 100 năm. Khi đó các nho sĩ vật lộn các quan điểm tìm được cứu nước. Có thể kể đến những bất đồng gay gắt của hai nhân sĩ là Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu ở những thập kỷ sóng gió đầu thế kỷ 20. Chính kiến trái nhau nhưng họ vẫn rất quý mến, đồng hành khăng khít với nhau.

Chúng ta đang cư xử với nhau bằng sự lăng nhục, thô lỗ?
TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ tiềm năng dân chủ trên mạng xã hội không còn ý nghĩa nữa nếu chúng ta không lắng nghe nhau.

TS Giang đặt ra tình huống, nếu bất đồng kia xảy ra ở thời điểm 2017 phải chăng họ sẽ xỉ vả rồi unfriend nhau? Thật khó hình dung cuộc mâu thuẫn tư tưởng xảy ra ở thời đại của mạng xã hội và truyền thông ngay nay. Chỉ cần vài bình luận qua lại dưới một bài báo hay diễn đàn là sẽ nghe ngay những kết án chắc nịch về những âm mưu, những bình luận thô tục như đồ này, đồ nọ, não con này, con nọ...

Giờ đây, hàng ngày hàng giờ các chủ đề luôn trỗi dậy, vô số cuộc tranh luận xảy ra nào là Bolero là bạn hay thù, nhân viên nhà nước có nên mặc quần Jean, cáp treo Sơn Đòng.... Đang tiếc, theo TS Giang, văn hóa tranh luận, văn hóa tôn trọng ở hai nhân sĩ họ Phan không còn nữa thay vào đó kiểu như ai ủng hộ là tội đồ, không ủng hộ là... mất dạy, đồ “não chó”, những từ ngữ lăng nhục nhau được dùng rất nhiều trên mạng xã hội... Nhiều người rất lịch sự ngoài đời, có bằng cấp nhưng lên mạng thì họ “xả” những lời lẽ như vậy.

Quan điểm của chúng ta về các vấn đề như tăng VAT hay không, nên làm cáp treo, cấm xe máy hay không... chúng ta tưởng được hình thành từ các chứng cứ, số liệu, logic, do mình đọc sách, suy ngẫm.... Nhưng thật ra, ông Giang cho rằng quan điểm của chúng ta bị ảnh hưởng bởi các thông tin trên mạng tác động đến, bởi hiệu ứng thô tục mà không hay biết.

Chúng ta đang cư xử với nhau bằng sự lăng nhục, thô lỗ? - Ảnh minh hoạ 2

TS Giang cũng cung cấp, một số nhà khoa học ở Mỹ chỉ ra được sự thô lỗ trên mạng tạo ra hiệu ứng thô tục. Từ các hiệu ứng thông tin trên mạng, nhiều người trở nên gay gắt hơn trong quan điểm của mình. Quan điểm của chúng ta bị tác động bởi các hiệu ứng thông tin, hiệu ứng thô tục.

Mạng xã hội đưa đến một tiềm năng dân chủ, bất cứ ai cũng có thể lên tiếng, nêu quan điểm. Vậy nhưng, tác giả cuốn sách “Thiện, Ác và Smartphone” cho rằng tiềm năng dân chủ trên mạng xã hội không còn ý nghĩa nữa nếu chúng ta không lắng nghe nhau. Dân chủ nhờ mạng xã hội chỉ là lý thuyết.

Dùng ngôn ngữ bạo lực với người gần ta nhất

Những bạn trẻ có mặt tại buổi nói chuyện nhưng đang muốn tìm một sự bình an trước những khủng hoảng, bế tắc, hoang mang trước những hỗn độn, đả kích trong cuộc sống, trên mạng xã hội.

Đó là một chàng trai trẻ sợ hãi, bế tắc khi bị cha mẹ ép học ngành nghề mà mình không yêu thích. Đó là những bạn trẻ không muốn tham gia vào các thông tin, tranh luận trên mạng xã hội nhưng không tài nào thoát ra được? Đó là những giáo viên, giới trí thức mệt mỏi khi muốn trao những điều tốt đẹp đến người khác nhưng... họ không tiếp thu.

Chúng ta đang cư xử với nhau bằng sự lăng nhục, thô lỗ? - Ảnh minh hoạ 3
Rất nhiều trẻ là học sinh, sinh viên, giới trí thức đến dự buổi nói chuyện mang nỗi niềm trước sự "ác nghiệt" của mạng xã hội

TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ, sử dụng ngôn ngữ bất bạo lực là một trong những cách hiệu quả để đầy lùi sự thô lỗ. Nhưng ông chỉ ra chúng ta ta lại hay dùng ngôn ngữ bạo lực với những người gần mình nhất. Người đó càng quan trọng, ta lại càng làm cho họ đau. Và dường như tất cả đang bị tổn thương...

Mẹ so sách con “Mày không bằng một góc của thằng em mày”, cô giáo nói với học sinh: “Lớp các em thua xa lớp năm ngoái của tôi”. Trong tranh luận, chúng ta rất tấn công vào nhân phẩm người khác như “Tôi vô phúc nên mới lấy phải anh”, “Cái mặt mày giống hệt con mẹ mày. Lớn lên rồi mày cũng theo cái nòi giống ấy”...

Chúng ta đang làm tổn thương người ngay bên cạnh mình. Và rồi để chúng ta cần khả năng thấu cảm, hình dung ra đằng sau cái avatar bé nhỏ trên màn hình điện thoại kia là một con người bằng xương bằng thịt, biết buồn, biết đau như tác giả nói có lẽ là chuyện không hề dễ dàng...

Bởi lẽ thế, TS Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh đến yếu tố mỗi người cần tự biết bảo vệ mình, từ chối sự tấn công, đả kích của người khác và cả trước sự xô bồ của thế giới mạng.

Ngoài việc tránh sử dụng các ngôn từ bạo lực, TS Đặng Hoàng Giang cũng nêu ra một số cách mà mỗi cá nhân có thể để đẩy lùi sự thô lỗ và phục hồi lại tiềm năng dân chủ của mạng như:

-Không đổ lỗi cho nạn nhân (“Nói năng như thế bị ném đá là đúng rồi” là một câu chính bản thân tôi thường xuyên nhận được. Nó giống như trách người bị hiếp dâm là “ai bảo đi chơi một mình”, trách người đeo trang sức đắt tiền ngoài đường là “bị giật là đúng”. Chúng ta cần dừng lại tư duy phản xạ rằng cái xấu chỉ xảy ra với kẻ xấu, nạn nhân “xứng đáng” bị nạn).

- Không lăng nhục người lăng nhục (Chúng ta có thể nhắc nhở họ. Và nếu họ không thiện chí, cách tốt nhất mình im lặng và có thể kết thúc cuộc tranh luận. Chấp nhận những điều bỏ ngỏ chứ không cố gắng là người phát ngôn cuối cùng)

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây