Vụ công khai "phim giả tình thật" giữa Kiều Minh Tuấn và An Nguy - hai diễn viên chính của phim "Chú ơi, đừng lấy mẹ con", trở thành tâm điểm dư luận trước khi phim ra rạp. Dù vô tình hay cố ý, là chiêu trò quảng bá hay sai lầm cá nhân nhưng khán giả đã phản ứng tiêu cực bằng cách kêu gọi tẩy chay phim vì cho rằng đó là trò PR (quảng bá, tiếp thị) "bẩn". Thực tế, khán giả tẩy chay thật, doanh thu khi phim này ra rạp (từ ngày 21-9) thấp đến mức không tưởng.
Nhà sản xuất kêu oan
Bà Phan Thị Kim Dung - nhà sản xuất phim "Chú ơi, đừng lấy mẹ con" - than phim này khả năng thua lỗ 18 - 20 tỉ đồng (kinh phí sản xuất khoảng 25 tỉ đồng). Vài ngày gần đây, số lượng người xem có tăng nhưng không còn kịp cứu lỗ. "Vì bức xúc chuyện lùm xùm "phim giả tình thật" của hai diễn viên chính Kiều Minh Tuấn và An Nguy trên công luận, công chúng nghi ngờ nhà sản xuất tung chiêu trò quảng bá "bẩn" - bà Kim Dung khẳng định và cho biết sẽ khởi kiện hai diễn viên này.
Kiều Minh Tuấn và An Nguy trong phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Mọi lùm xùm bắt đầu từ đoạn ngắn video clip phỏng vấn An Nguy và Kiều Minh Tuấn về vai diễn lan tỏa trên mạng. Trong đó, cả hai thừa nhận nảy sinh tình cảm với nhau trong thời gian đóng phim. Lời chia sẻ này bị một bộ phận công chúng chỉ trích gay gắt vì cho rằng An Nguy là kẻ thứ ba xen vào mối tình Kiều Minh Tuấn và Cát Phượng, còn Kiều Minh Tuấn không chung thủy. Một bộ phận khác nhận định video clip là sản phẩm cắt ghép, cố tình dựng chuyện để quảng bá phim sắp ra mắt nên kêu gọi tẩy chay chiêu trò "bẩn", tẩy chay phim.
Trước phản ứng dữ dội của khán giả, Kiều Minh Tuấn và An Nguy từ chối bình luận, nhà sản xuất tiếp tục để phim ra mắt rồi ra rạp theo lịch trình. Điều này càng khiến dư luận phẫn nộ, khẳng định đây là chiêu trò và nghi ngờ ê-kíp sản xuất đứng sau.
Theo bà Kim Dung, việc cả hai diễn viên không giữ hình ảnh sạch dẫn đến phản ứng tiêu cực từ công chúng, ảnh hưởng xấu đến doanh thu phim là vi phạm hợp đồng. Bởi hợp đồng có quy định rõ diễn viên trong quá trình quảng bá phim phải giữ hình ảnh, không phạm pháp, không phát ngôn gây tranh cãi. Hiện tại mức độ khởi kiện thế nào, bà Dung nói còn chờ phía luật sư tư vấn hỗ trợ. "Tôi là nhà sản xuất dùng vốn đầu tư làm nghệ thuật vì đam mê chứ không phải dùng nghệ thuật kiếm tiền. Việc tôi kiện hai diễn viên gây ra sự cố truyền thông nói trên cũng vì muốn kêu oan, khẳng định không phải nhà sản xuất "bẩn", tiền có thể mất nhưng tôi không muốn mất luôn cả niềm tin, danh dự của mình" - bà Kim Dung khẳng định.
Nhà sản xuất này thông tin thêm nếu xử lý khéo, bà có thể lên tiếng kêu oan sớm, dời lịch phát hành để sự việc lắng xuống thì hậu quả thất thu giảm bớt. Nhưng do phim vẫn được chiếu ra mắt sau đó vẫn ra rạp bình thường càng khiến khán giả hiểu lầm.
Nhiều người không tin nhà sản xuất vô can. Câu hỏi đặt ra là không lý gì hai diễn viên trên tự dựng chuyện "phim giả tình thật" trên phương tiện truyền thông để hứng lấy búa rìu của dư luận?
"Gậy ông đập lưng ông"
Kiều Minh Tuấn và An Nguy từng yêu nhau thật hay chiêu quảng bá, nhà sản xuất có thật sự bị oan không là điều người trong cuộc biết rõ. Cũng không thể trách khán giả bởi trước đó, điện ảnh thế giới lẫn điện ảnh Việt có không ít những vụ tung chiêu "phim giả tình thật" của hai diễn viên chính để thu hút công chúng trước khi phim phát hành. Một chiêu lừa quen thuộc, cũ kỹ, không còn hấp dẫn nữa. Rõ ràng "gậy ông đập lưng ông", nhà sản xuất nhận quả đắng.
Không chỉ điện ảnh, bất kỳ sản phẩm nào muốn đến được với công chúng nhà sản xuất cần phải quảng bá đến khán giả. Nhưng quảng bá thế nào để mang lại hiệu quả, công chúng thấy được những giá trị ở đó để tìm đến chứ không phải tạo chú ý bằng chiêu trò gây sốc. Trước đó, phim "Song lang" cũng từng được nhận định là quảng bá sai mục tiêu dẫn đến hiệu ứng phòng vé không như kỳ vọng. Đội ngũ truyền thông tập trung nhiều vào mối tình đồng tính giữa hai nhân vật chính nên vô tình khiến nhiều khán giả e ngại. Phim "Cô Ba Sài Gòn" được đánh giá quảng bá tốt nên dù gặp rắc rối lúc đầu nhưng sau đó tạo được làn sóng dư luận rộng rãi qua giá trị áo dài truyền thống. "Trong thời đại thông tin như hiện nay, việc quảng bá cho sản phẩm vừa dễ vừa khó. Dễ là vì có nhiều kênh để tiếp thị so với trước đây nhưng cũng chính vì vậy người làm nghề cần cẩn thận hơn trong khâu quảng bá để kiếm soát thông tin. Khán giả văn minh và hiểu biết hơn về thông tin quảng bá nên họ bắt đầu biết lựa chọn, chắt lọc chứ không "dễ tin" như xưa. Quảng bá làm sao để vừa gây chú ý nhưng đừng quá phản cảm và coi thường khán giả là một việc đang được quan tâm trong quảng bá phim" - nhà sản xuất kiêm đạo diễn Bảo Nhân bày tỏ.
Chất lượng mới quyết định thắng, bại
Khán giả ngày nay khác trước và đã qua thời của những chiêu trò có thể gây tò mò, tạo chú ý trong công chúng. "Tôi thấy vấn đề trọng tâm vẫn là chất lượng phim, các hình thức quảng bá chỉ có thể tạo chú ý ở giai đoạn đầu, chất lượng mới quyết định thắng hay bại. Nếu phim hay, sau khi ra rạp, khán giả truyền tai nhau, chia sẻ trên mạng xã hội sẽ thu hút chú ý. Phim không hay thì dù có quảng bá nhiều kiểu, khán giả phản hồi tiêu cực, vẫn nhận quả đắng" - nhà báo Cát Vũ khẳng định.
Tác giả: Theo Minh Khuê Người Lao Động
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn