Tháng 11 đã đến, các hoạt động chuẩn bị cho lễ Giáng sinh - năm mới, dịp lễ lớn nhất trong năm của người dân phương Tây, đã bắt đầu được các thương hiệu rục rịch tiến hành, những clip quảng cáo, những trang hoàng cửa hiệu theo chủ điểm Giáng sinh - năm mới đã được trưng lên.
Người ta dần dần “khởi động tâm lý” nhìn một năm cũ khép lại, năm mới mở ra, chuẩn bị trải qua một mùa lễ hội vui tươi. Nhưng các nhà nghiên cứu tâm lý học khẳng định rằng mừng vui đón lễ Tết quá sớm là… “lợi bất cấp hại”.
Việc chúng ta vui tươi bật lên những bản nhạc đặc trưng cho mùa lễ hội, những bài hát chào đón Giáng sinh - năm mới… những tưởng có thể đưa lại không khí vui tươi “sớm sủa” hơn một chút, nhưng lại đem về những hệ lụy cho sức khỏe.
Bởi không khí vui tươi, nhộn nhịp ấy vô tình khiến ta cảm thấy “stress nhẹ”, bắt đầu cảm thấy áp lực phải mua sắm, phải tiêu dùng, phải thật hạnh phúc, vui tươi, phấn chấn…
Âm nhạc có quan hệ mật thiết với những ký ức, tiềm thức trong não bộ. Nghe những bài hát đặc trưng về Giáng sinh - năm mới khiến người ta nhớ tới những bữa ăn đoàn tụ gia đình, những buổi họp mặt bạn bè, tiệc tùng cuối năm và rồi tới… hàng loạt khoản chi phí tiêu dùng cho thời điểm đặc biệt này trong năm.
Nghiên cứu năm 2003 của Đại học Washington State (Mỹ) chỉ ra rằng khi chúng ta nghe những bài hát đón mừng Giáng sinh - năm mới và ngửi thấy những mùi hương dễ chịu trong cửa hiệu, khả năng “vung tiền” mua sắm hơn kế hoạch ban đầu là rất dễ xảy ra. Vì thế mà áp lực tâm lý lại càng lớn hơn.
Tiến sĩ Peter Christenson chuyên nghiên cứu về truyền thông ở trường Đại học Lewis & Clark, (Mỹ) giải thích rằng thực tế có áp lực đi kèm với mùa lễ hội cuối năm: “Mùa lễ hội cuối năm là thời điểm được mặc định gắn liền với niềm vui, nhưng đó cũng thường là thời điểm gắn liền với áp lực về tài chính, về các mối quan hệ”.
Thực tế, theo một nghiên cứu hồi năm 2006 của Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APS), có tới 61% những người tham gia khảo sát tâm sự rằng họ cảm thấy căng thẳng trong mùa Giáng sinh.
Thêm vào đó, hơn 1/3 số người tham gia khảo sát chia sẻ rằng mức độ căng thẳng của họ tăng dần khi ngày lễ càng đến gần. Những căng thẳng tiêu cực có thể tác động tới thể chất, tạo nên những cơn đau đầu, làm tăng huyết áp, gây tức ngực, khó thở...
Tất cả những điều này làm tăng nguy cơ hoặc làm trầm trọng thêm đối với những căn bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, hen suyễn, viêm khớp.
Thêm vào đó, khi ta căng thẳng, cơ thể cũng sẽ có những cơ chế bị kích hoạt và một trong những hậu quả dễ nhận thấy nhất là tăng cân; cứ đến mùa lễ Tết cuối năm, nhiều người than rằng “chẳng ăn gì mấy mà cũng tăng cần”, nhưng nguyên nhân một phần vì họ đã phải căng thẳng, lo lắng quá nhiều.
Thực tế, việc bật những bản nhạc gợi nhắc tới mùa lễ hội cuối năm là một chiêu thức thông minh của các cửa hàng để thầm nhắc bạn rằng đã đến lúc bạn cần sắm sửa.
“Nếu âm nhạc không có tác dụng gì, các cửa hiệu đã chẳng tốn công bật. Âm nhạc mùa lễ hội cuối năm tạo nên cảm giác ấm áp, háo hức chờ đón. Chúng ta có thể mua thêm một ít đồ hoặc nán lại tiệm lâu hơn một chút, chỉ bởi tiệm được trang hoàng đẹp đẽ và bật nhạc lễ hội vui tươi”, tiến sĩ Christenson kết luận.
Tiến sĩ Eric Spangenberg của Học viện Kinh doanh thuộc Đại học Washington State (Mỹ) tiết lộ thêm rằng âm nhạc mùa Giáng sinh có tác động rất tốt tới khách hàng: “Điệu nhạc chậm khiến khách hàng đi chậm lại, dành nhiều thời gian hơn để xem hàng và chi tiền nhiều hơn để mua hàng. Điệu nhạc nhanh khiến du khách bước đi nhanh”.
Thực tế, ngay những người làm việc trong các cửa hiệu thường xuyên bật nhạc mùa Giáng sinh - năm mới cũng không “vui vẻ” gì, họ còn cảm thấy khó chịu phần nào. Thoạt tiên, người ta có thể thích nghe một bài hát, nghe nhiều lần vẫn thấy chưa sao, nhưng nếu buộc phải nghe mỗi ngày, nghe liên tục vài tháng, thì dù bài hát hay thế nào cũng khiến người ta thấy khó chịu.
Tác giả: Bích Ngọc Theo Daily Mail
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn