Bức tượng Kiskiralylany (hay còn gọi là tượng “công chúa nhỏ”) nằm ở thành phố Budapest, Hungary, được dựng lên bên cạnh đường tàu, gần cầu Széchenyi. Đây là tác phẩm của nghệ sĩ điêu khắc László Marton. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ cô con gái của nghệ sĩ. Cô bé rất thích hóa trang thành nàng công chúa.
Nhiều khi cô bé choàng chiếc khăn tắm, cắt giấy bìa làm vương miện, rồi hình dung mình là nàng công chúa. Kể từ khi bức tượng được dựng lên hồi thập niên 1990, có một thói quen dần hình thành trong người dân bản địa và sau này “lan” sang cả du khách tới thăm Budapest, đó là khi đi qua bức tượng, người ta sẽ chạm vào đầu gối của tượng để cầu mong may mắn đến với mình.
Bức tượng “Cumil - người công nhân vệ sinh” nằm ở thành phố Bratislava, Slovakia, được thực hiện trên một góc vỉa hè hồi năm 1997. Du khách có thể tìm thấy bức tượng nằm ở góc giao nhau của hai con phố Laurinská và Panská, trên khu phố cổ của Bratislava.
Kể từ khi bức tượng được dựng lên đã có những câu chuyện hài tếu xoay quanh tác phẩm kỳ khôi này, người ta hay nói đùa rằng anh công nhân vệ sinh Cumil đang nghỉ giải lao thường khiến những phụ nữ mặc váy đi ngang qua cảm thấy thật ngại ngùng.
Đặc biệt, gương mặt của anh chàng Cumil lại có nét cười khá... bí hiểm. Người dân ở thành phố Bratislava tin rằng khi bạn cầu mong một điều gì đó rồi chạm tay vào chiếc mũ của bức tượng “Cumil - người công nhân vệ sinh”, điều ước sẽ thành hiện thực.
Bức tượng chú lợn Il Porcellino ở thành phố Florence, Ý, nằm bên ngoài khu chợ Mercato del Porcellino, gần cầu Ponte Vecchio. Bức tượng này kỳ thực... rỗng ruột, không phải tượng đúc đặc. Du khách đến thăm Florence có thể nhét tiền xu vào miệng chú lợn rồi cầu mong điều gì đó.
Nhà chức trách sẽ có người định kỳ tới “hốt” số tiền được giữ lại trong bụng tượng. Sau khi nhét xu, “lẩm nhẩm” điều nguyện ước, du khách còn phải chạm vào mũi lợn mới là hoàn tất đủ “lệ bộ”.
Bức tượng người thợ nạo ống khói ở thành phố Lviv, Ukraine, được nhà chức trách đặt ở trên ống khói của quán cafe nổi tiếng The House of Legends. Để thấy được bức tượng này, du khách cần phải nỗ lực leo lên tới tầng mái của tòa nhà, lên tới tầng mái rồi, họ còn phải leo lên một cầu thang xoắn ốc mới có thể tới bên bức tượng.
Tại đây, du khách có thể bỏ đồng xu vào trong chiếc mũ của tượng để cầu mong điều may mắn tới với mình.
Bức tượng nhà văn người Áo Leopold von Sacher-Masoch (1836 - 1895) ở thành phố Lviv, Ukraine. Tượng được dựng lên bên ngoài quán cafe Masoch nằm ở phố Serbska, thuộc khu phố cổ của thành phố Lviv. Du khách đi ngang qua tượng thường đưa tay vào trong túi quần của tượng để cầu mong may mắn.
Bức tượng được thiết kế với khe hở ở phía túi quần để du khách có thể nhét tay vào bên trong túi, chỉ có điều, sẽ có bất ngờ “đỏ mặt” dành cho bạn ở bên trong túi. Sau khi bỏ tay vào túi quần của tượng và cầu mong điều gì đó, du khách thường ghé vào trong quán cafe ngồi một lát.
Tượng bán thân của nữ ca sĩ người Pháp Dalida (1933 - 1987) nằm ở thành phố Paris, Pháp. Bức tượng ở khu Montmartre, dành để tưởng niệm nữ ca sĩ Dalida, tên thật của cô là Iolanda Cristina Gigliotti. Nữ ca sĩ đã bán được hơn 170 triệu album và đĩa đơn trên khắp thế giới.
Dalida được xem là trái tim ngọt ngào của thành phố Paris. Nữ ca sĩ đoản mệnh đã tự tử hồi năm 1987, bức tượng này được dựng lên vào dịp tưởng nhớ 10 năm ngày cô qua đời. Người dân ở Paris tin rằng chạm vào vòng một của tượng sẽ giúp đưa lại may mắn.
Tượng nhà văn người Croatia - Marin Držić (1508 - 1567) nằm ở thành phố Dubrovnik, Croatia. Bức tượng nằm gần nhà thờ Thánh Blaise trong khu phố cổ của thành phố. Nhà văn Marin Držić là một nhân vật nổi tiếng và rất được người dân thành phố Dubrovnik yêu mến. Người dân nơi đây tin rằng chạm vào mũi của bức tượng sẽ đưa lại may mắn.
Tượng “Những nhạc sĩ thành Bremen” nằm ở thành phố Riga, Latvia. Du khách có thể tìm thấy tượng ở phố Skārņu. Bức tượng lấy cảm hứng từ truyện cổ Grimm khắc họa một chú gà trống đứng trên một chú mèo, chúng cùng đứng trên một chú chó, tất cả lại cùng thăng bằng trên một chú lừa. Người dân nơi đây tin rằng chạm vào mũi, vào mỏ của 4 “nhạc sĩ” này sẽ giúp đưa lại may mắn.
Bức tượng khắc họa mục sư người Anh John Harvard (1607 - 1638) đặt ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Tại trường Đại học Harvard, có bức tượng của mục sư John Harvard - người đồng sáng lập nên ngôi trường này, ông là một mục sư kiêm học giả nổi tiếng, người ta tin rằng bàn chân trái của ông đưa lại may mắn.
Vì vậy, không ít sinh viên của trường đã tới chạm vào chân trái của tượng với mong muốn gặp may mắn trong những kỳ thi. Bức tượng nằm trong khu công viên Harvard Yard, đây được xem là khu vực cổ kính lâu đời nhất trong ngôi trường danh giá.
Tượng “Quý ông lang thang đến từ Paris” khắc họa người đàn ông có tên José María López Lledín (1899 - 1985) đặt ở thủ đô Havana, Cuba. Ông Lledín là một người lang thang nhưng luôn có phong cách lịch lãm như một quý ông, ông thường xuất hiện trên những đường phố của Havana và là một người rất được biết tới trong thành phố Havana lúc sinh thời.
Ông đã được dựng tượng trong khu phố cổ của Havana. Người dân Havana tin rằng nếu chạm vào chòm râu của tượng, may mắn sẽ đến, điều ước sẽ thành hiện thực.
Tượng chú chó Islay nằm ở thành phố Sydney, Úc, lấy cảm hứng từ chú chó cưng Islay của Nữ hoàng Victoria. Bức tượng nằm trên một chiếc giếng ước nguyện ở phố George.
Điều khiến bức tượng này khác biệt với những bức tượng khác là nó... biết nói. Một đoạn thu âm giả giọng chú chó biết... xin tiền thường được bật lên qua hệ thống loa đặt cạnh. Những người quyên tiền bằng cách vứt đồng xu xuống giếng ước nguyện được tin rằng sẽ gặp may mắn.
Tượng chú lợn Il Porcellino nằm ở thành phố Sydney, Úc, lấy cảm hứng từ tác phẩm điêu khắc cùng tên nằm ở thành phố Florence, Ý. Bức tượng nằm bên ngoài bệnh viện Sydney, trông ra phố Macquarie.
Bức tượng này cũng giống như bức tượng nguyên bản ở Ý, nó có thể “ăn” đồng xu mà người qua đường nhét vào miệng. Khi nhét đồng xu vào miệng lợn, người ta tin rằng điều ước sẽ thành sự thật. Số tiền thu về từ chú lợn sẽ được sử dụng cho các mục đích từ thiện tốt đẹp trong bệnh viện.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail/Listverse
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn