1. Hồi đầu mùa, Sir Alex Ferguson đã dự đoán có 5 CLB cạnh tranh chức vô địch Premier League, chỉ trừ… Chelsea. Thậm chí, trong buổi trả lời phỏng vấn trên tờ Kicker ngày hôm ấy, “ông già gân” không hề nhắc tới The Blues.
Rõ ràng, không chỉ cựu HLV MU, không nhiều người dám đánh cược vào khả năng Chelsea sẽ lên ngôi vô địch Premier League. Ngày Conte đặt chân tới Stamford Bridge, trước mặt ông là đống đổ nát thực sự.
Ở mùa giải trước đó, Chelsea chỉ xếp thứ 10 Premier League (thành tích kém nhất trong kỷ nguyên Abramovich). Bên cạnh đó, nó còn là nơi đầy rẫy cạm bẫy, nơi có cầu thủ sẵn sàng phản thày bất cứ lúc nào.
Nhưng Conte vẫn mỉm cười đón nhận thách thức…
2. Trong quá khứ, Conte từng thành công vực dậy và giúp Juventus thống trị Serie A sau thời gian dài chìm trong bóng tối. Ông cũng đưa đội tuyển Italia “yếu nhất trong lịch sử” thi đấu thành công ở Euro 2016.
Không phải ngẫu nhiên, người ta xem Conte là người trục vớt con tàu đắm. Với cá tính mạnh mẽ, niềm say mê công việc cùng chất lửa luôn rực cháy trong tim... Conte luôn mang tới sức chiến đấu mạnh mẽ ở mọi đội bóng ông từng dẫn dắt. Trung vệ Bonucci, học trò cũ của Conte ở Juventus và đội tuyển Italia, đã gọi ông thày người Italia là “Bố già”, người khiến tất cả phải lắng nghe mỗi khi mình lên tiếng. Chẳng ai dám trái lệnh của HLV Conte.
“Nghìn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”. Chẳng quá khi nói rằng, HLV Conte chính là bản hợp đồng thành công nhất của ông chủ Abramovich mùa giải này. So với mùa giải trước, lực lượng của Chelsea gần như không thay đổi nhiều (chỉ có Kante, Luiz là hợp đồng mới) nhưng với bàn tay của Conte, The Blues như thể đội bóng khác.
Quá dễ dàng để ca ngợi Conte sau khi ông giúp Chelsea vô địch Premier League. Nhưng nếu nhìn vào những gì ông đã làm trong mùa giải này, người ta mới thấy rõ được bản lĩnh cũng như tài năng của ông thày người Italia.
Có một chi tiết khiến nhiều người nể phục, đó là việc Conte đã không ngừng quát tháo các cầu thủ Chelsea ngay trong buổi tập trung đầu tiên sau kỳ nghỉ Hè. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc của chiến lược gia người Italia trong mọi hoàn cảnh.
Từng có giai đoạn ở mùa giải này (đặc biệt là sau thất bại trước Arsenal), báo giới Anh đã đề cập tới việc Chelsea sẽ sa thải Conte. Nhưng ông không dễ dàng đầu hàng tới vậy. Cá tính mạnh mẽ giúp Conte luôn sẵn sàng thay đổi để tìm ra “phép thử” hợp lý nhất của CLB. Sơ đồ 3-4-3 đã được áp dụng ở thời điểm khó khăn ấy. Và đó là bước ngoặt mùa giải. Thậm chí, người ta tin rằng nếu như sơ đồ 3-4-3 thất bại, Conte sẽ lại mạnh dạn tìm ra phương án mới cho CLB.
Dễ nhận thấy, dưới thời Conte, Diego Costa trở nên bớt hung hãn và tập trung nhiều hơn vào chuyên môn. Eden Hazard đã trở lại với hình ảnh đáng sợ thường thấy. Ngay cả Fabregas cũng “ngoan ngoãn” chịu phận dự bị và luôn thi đấu tốt mỗi khi vào sân.
3. Từ đống đổ nát, Conte đã xây dựng nên đế chế mới. Đó là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Nhưng để duy trì đế chế ấy lại càng khó khăn hơn bởi khi ấy, áp lực thành công lớn gấp bội.
Thống kê chỉ ra thực tế đáng buồn là kể từ mùa giải 2011/12 tới nay, tất cả HLV vô địch Premier League (trừ Sir Alex) đều bị sa thải trong vòng tối đa 1 mùa giải sau khi lên ngôi. Bài học của Roberto Mancini (2011/12), Manuel Pellegrini (2013/14), Jose Mourinho (2014/15), Claudio Ranieri (2015/16) vẫn còn đó.
Bản thân HLV Conte cũng thừa nhận chẳng biết tương lai của mình ở mùa giải tới. Nhưng dù sao, đó là câu chuyện của tương lai, còn giờ đây, Conte và các học trò hãy cứ vui và tận hưởng trái ngọt sau cả mùa giải nỗ lực.
Tác giả: H.Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn