Tùng Dương hát "Bay vào ngày xanh", "Trên quê hương quan họ"
Trước đây, chưa có một ca sĩ solo nào tổ chức một đêm nhạc riêng với tác phẩm của “Bộ tứ sông Hồng”: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường và Trần Tiến bởi nhiều lẽ: Với một số lượng tác phẩm đồ sộ, sẽ rất khó để chắt lọc, sắp xếp đưa vào trong một đêm nhạc chỉ gói gọn có 2-3 tiếng đồng hồ.
4 nhạc sĩ là 4 cá tính âm nhạc khác nhau, việc 1 ca sĩ thể hiện tác phẩm của 4 người là thử thách mà không phải ai cũng có can đảm thực hiện. Thêm vào đó, cũng rất khó để cả 4 nhạc sĩ cùng gật đầu giúp sức cho một đêm nhạc.
Nhưng Tùng Dương lại là trường hợp đặc biệt. “Tùng Dương rất xúc động, cảm thấy may mắn và có duyên hơn khi nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của 4 vị nhạc sĩ để thực hiện concept âm nhạc về bộ tứ sông Hồng”, nam ca sĩ bộc bạch khi mở đầu liveshow “Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng” diễn ra tối 5/6 tại Hà Nội.
Là em út trong “Bộ tứ sông Hồng”, được giới thiệu sau cùng nhưng âm nhạc Trần Tiến lại là mạch nguồn khởi đầu đêm nhạc lớn của Tùng Dương. Anh hát nhạc Trần Tiến rất “đời”, tếu táo nhưng vẫn đầy sâu cay. Từ “Sắc màu”, “Quê nhà”, “Giấc mơ Chapi”, đến “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Tùy hứng lý qua cầu” (song ca với Bằng Kiều), “Mẹ tôi” (song ca với Hà Trần)…
Tùng Dương từng tiết lộ rằng, anh có cơ duyên gặp nhạc sĩ Trần Tiến và Dương Thụ từ năm 12 tuổi khi sống cùng gia đình người bác tại Bắc Giang. Sau này, khi thi Sao Mai Điểm Hẹn 2004, Tùng Dương mạnh dạn gặp nhạc sĩ Trần Tiến để xin mang “Quê nhà” của ông lên sân khấu. Và bài hát vốn mộc mạc, qua giọng hát Tùng Dương đã thăng hoa xuất thần, gây ấn tượng mạnh với khán giả. Quan hệ giữa nhạc sĩ Trần Tiến và Tùng Dương rất mật thiết với xưng hô bố- con.
Tùng Dương- Bằng Kiều song ca "Chảy đi sông ơi"
Nếu hát âm nhạc Trần Tiến mộc mạc, rất “đời” thì đến âm nhạc Dương Thụ, giọng hát Tùng Dương lại mênh mang như nước, thấm nỗi buồn dịu nhẹ nhưng đẹp, và cũng tích cực: “Bay vào ngày xanh”, “Trở về”, “Bài hát ru mùa đông”, “Bóng tối ly cafe”, “Cho em một ngày” (song ca với Bằng Kiều)… Đúng như lời chia sẻ của nhạc sĩ Dương Thụ, nhiều ca khúc của ông là giấc mơ của một người luôn phảng phất nỗi buồn, chút cô đơn, lạc lõng nhưng tâm hồn giàu sức tưởng tượng.
Với màn song ca “Cho em một ngày”, Tùng Dương- Bằng Kiều không chỉ đem đến màn song ca “độc nhất vô nhị” và duyên dáng của hai giọng nam mà còn chia sẻ thú vị: “Cho em một ngày, trước đây các chị em thường hát, thường xin “cho em một ngày một ngày thôi…”, giờ Tùng Dương và Bằng Kiều đại diện cho nhạc sĩ Dương Thụ “cho” mỗi em “một ngày” luôn...!”
Dứt nỗi buồn dịu nhẹ, trong sáng trong miền âm nhạc Dương Thụ, cánh chim Tùng Dương bay vút thỏa sức cuồng nhiệt, trầm hùng với vùng đất rực lực trong âm nhạc Nguyễn Cường. Có lẽ nếu chỉ hát các ca khúc về miền sông Hồng thì chưa thể hiện hết cái hồn âm nhạc Nguyễn Cường cho nên Tùng Dương dù không có ý định, đã tiếc rẻ mà hát cả các ca khúc về Tây Nguyên như “Ly café Ban Mê”, “Thênh Thênh Ook ơi”?
Những ca khúc về đồng bằng Bắc Bộ như “Hà Nội tôi”, “Mái đình làng biển”, “Bi ca Trọng Thủy”, “Hò biển”… cũng được Tùng Dương lột tả sắc nét. Tùng Dương chia sẻ, các ca khúc của Nguyễn Cường đã “bén rễ” trong anh từ xa xưa một cách tự nhiên, cho nên những năm đi học anh đã xin đi hát quán bar bằng nhạc phẩm của Nguyễn Cường, Phó Đức Phương nhưng bị… từ chối với lý do “âm nhạc già quá”!?
Với Nguyễn Cường, ông coi Tùng Dương là tri kỷ mới, là giọng hát tâm đắc như Y Moan, Siu Black. Ông đã chia sẻ rằng: “Tùng Dương là chàng Trương Chi, là tri kỷ mới trong âm nhạc của tôi sau Y Moan, Siu Black. Tùng Dương đã “lãnh” toàn bộ những bài hát có nhiều khúc mắc, khó thể hiện của tôi. Nếu không có Tùng Dương thì nhiều ca khúc mang âm hưởng đồng bằng Bắc bộ sẽ không thể đến với khán giả hoặc bị méo mó”.
“Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng” kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ nhưng giọng hát Tùng Dương không nhuốm chút mỏi mệt mà ngược lại càng hát càng “lên đồng”, càng hát càng mãnh liệt, cuồn cuộn trong dòng sông âm nhạc của Phó Đức Phương: “Chảy đi sông ơi”, “Bên dòng sông Cái”, “Hồ trên núi”, “Trên đỉnh Phù Vân”…
Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng nhận xét rằng, Tùng Dương luôn là nghệ sĩ dám nghĩ, dám làm, dám đào sâu tìm tòi và dám “liều lĩnh” thử sức với những khía cạnh mới trong âm nhạc. Và đêm qua, Tùng Dương đã không khiến Phó Đức Phương thất vọng.
Không chỉ là giọng hát biến hóa cảm xúc, đầy nội lực, kỹ thuật của Tùng Dương, hai ca sĩ khách mời Bằng Kiều và Hà Trần đã đem đến bữa tiệc âm nhạc những chi tiết riêng nhấn nhá đắt giá. Dù nói vui như Bằng Kiều “hát để lấp khoảng trống để Tùng Dương thay trang phục” nhưng không ai phủ nhận được giọng hát bay bổng, ngọt lịm của “chàng Bầu” với “Chị tôi”, “Vẫn hát lời tình yêu”… Hay Diva cá tính Hà Trần nhận mình là “vẻ đẹp hội họa” có màn kết hợp vô cùng ăn ý với “vẻ đẹp điêu khắc” Tùng Dương qua liên khúc của Trần Tiến “Ra ngõ tụng kinh- Mưa bay tháp cổ”… Lần đầu tiên solo ca khúc “Im lặng” của Dương Thụ, Hà Trần cũng đã thể hiện thành công.
Dù nói rằng bản thân rất run khi bên dưới là 4 vị sư phụ khó tính nhưng phải thừa nhận rằng, bằng nhạc cảm tinh tế, khả năng xử lý thông minh và giọng hát đầy nội lực, Tùng Dương đã đem đến một đêm nhạc nghệ thuật để đời, với cảm hứng mới, giọng điệu mới, tâm thế mới. Đêm nhạc không tránh khỏi đôi chút bị áp lực, hơi “nặng” vì lượng sáng tác “khủng” của “4 cây đại thụ” sông Hồng…nhưng khán giả vẫn thưởng thức, cảm nhận cho đến cuối chương trình.
Một số hình ảnh trong chương trình:
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn