Dâng sao - giải hạn không có trong kinh điển Phật giáo
Đã rất nhiều năm nay, cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, người người – nhà nhà lại tìm đến các chùa đền phủ điện… để làm lễ dâng sao - giải hạn (hoặc cầu an - giải hạn). Câu chuyện này sẽ chẳng có gì đáng phải bàn khi đó là một đức tin trong sạch và lành mạnh.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người chạy theo hình thức này này với một sự cuồng tín khá kỳ lạ. Thậm chí, có những người bỏ bê công việc để nhờ thầy làm lễ thâu đêm suốt sáng khi lỡ vướng vào sao xấu. Hoặc có những người chi hàng trăm triệu để lập đàn cúng dâng sao - giải hạn hòng cầu mong những điều viển vông.
Đặc biệt, trong những kỳ dâng sao - giải hạn, một số ngôi chùa lớn ở Hà Nội còn bị quá tải vì niềm tin mù quáng của người dân. Người ta sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, đổ xô ra lòng đường, đứng hàng tiếng dưới trời mưa và chen lấn để cướp bằng được một túi lộc mang về nhà. Có nơi còn đốt cả tấn vàng mã để nhờ bề trên hóa giải vận hạn nhằm cầu cho một năm mới được nhiều điều như thỉnh cầu.
Đại đức Thích Tâm Kiên - Trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội) cho rằng, Phật giáo miền Bắc thờ “Tam giáo đồng nguyên” (Phật - Đạo - Lão) nên mới có lễ dâng sao – giải hạn còn Phật giáo miền Nam không có. Lễ dâng sao - giải hạn đầu năm không có trong kinh điển Phật giáo mà xuất phát từ Đạo giáo của Trung Hoa. Từ thời vua Lê - chúa Trịnh, việc dâng sao - giải hạn đã đi vào tâm thức của người dân miền Bắc.
“Theo lệ, đầu năm người ta thường tìm đến chùa đền phủ để dâng sao giải hạn. Nếu là sao tốt người ta gọi là “nghinh sao”, còn sao xấu người ta gọi là “giải sao”. Xét ở một gốc độ nào đó, hình thức cầu an - giải hạn giúp con người ta có niềm tin được đấng bề trên che chở và độ trì để cuộc sống của họ tốt hơn trong năm mới. Nếu chúng ta để ý quan sát sẽ thấy những người đến chùa làm lễ cầu an - dâng sao giải hạn rồi sẽ sống tự tin và lạc quan hơn những người chưa làm. Và nếu chỉ dừng lại ở niềm tin trong lành đó thì việc dâng sao - giải hạn không có gì đáng phải bàn.
Tuy nhiên, trong nhà Phật vẫn luôn đề cao chữ “tâm”. Kể cả có dâng sao – giải hạn tới hàng trăm hàng nghìn lần mà sống không thiện tâm, không tử tế… thì chưa chắc đã gặp được nhiều điều tốt đẹp. Tức là có theo đạo hay không theo đạo, nếu sống có tấm lòng hướng thiện, làm nhiều việc phước đức cho cuộc đời và cho mọi người thì sẽ gặp được nhiều điều may mắn. Ông cha vẫn thường nhắc nhở con cháu “Ở hiền gặp lành”, “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, “Giúp người người lại giúp ta”… là thế. Phật giáo không quan trọng cúng to hay cúng nhỏ, quan trọng nhất vẫn là tâm thành - tâm thiện.
Tôi cũng không chấp nhận chuyện người người - nhà nhà cứ đổ xô đến các chùa để dâng sao - giải hạn một cách rất cuồng tín như ở một số ngôi chùa lớn của Hà Nội. Việc cầu an - giải hạn cũng cần phải thực hiện một cách có hiểu biết, có văn hóa và nề nếp. Cần phải xem xét điều kiện của mình để làm một cách phù hợp, không nên chạy theo đám đông dẫn đến những hiện tượng phản cảm mà báo chí đã nói rất nhiều gần đây”, Đại đức Thích Tâm Kiên bày tỏ.
Con người càng bất trắc lại càng mê tín?
Nhìn nhận về câu chuyện đám đông “hỗn loạn” trong các lễ dâng sao – giải hạn đầu năm, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, việc đổ xô đến các chùa - đền - phủ - điện… để dâng sao - giải hạn mà không hiểu gì về “hạn” và “sao” là mê tín. Mê tín là vi phạm pháp luật vì pháp luật tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng chứ không phải tự do mê tín.
“Phật giáo nguyên thủy không có tục dâng sao giải hạn mà tập tục này bắt nguồn từ Đạo giáo. Và các nhà chùa ngày nay nhiều chùa thấy Phật tử có nhu cầu này nên đứng ra làm. Cái đó không phù hợp với tinh thần của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Ở những nơi có thể gây ách tắc giao thông như chùa Phúc Khánh ở Ngã Tư Sở chẳng hạn, cần phải có biện pháp di dời. Không thể năm nào cũng phải huy động tới 500 cán bộ công lực ra để trầy trật dẹp trật tự và an ninh vì chuyện mê tín này”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ nói.
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ thì sở dĩ con người ngày càng cuồng tín chuyện dâng sao - giải hạn đầu năm là do bây giờ con người gặp quá nhiều bất trắc trong cuộc sống. Bất trắc trước các hiện tượng thiên nhiên, bất trắc bởi những chuyện trong cuộc sống… Càng bất trắc con người lại càng mê tín hoặc cuồng tín. Bên cạnh đó, dân trí của con người ngày nay cũng tồn tại nhiều vấn đề.
“Ở Châu Âu thế kỷ 17 – 18, người ta đã chống mê tín. Và Thế kỷ Ánh sáng đã hình thành phong trào chống mê tín rất rộng rãi. Ở nước ta, vào đầu thế kỷ 20, các học giả cũng đã chống các hoạt động mê tín một cách quyết liệt.
Tuy nhiên, hiện nay, do con người gặp nhiều sự bất trắc nên họ mới trở lại với sự mê tín trước đây và đó là lí do dẫn đến câu chuyện tràn lan việc cúng vái để dâng sao giải hạn, cầu nọ, cầu kia… Cần phải có thiết chế để đảm bảo niềm tin vào cuộc sống cho người dân tức là thiết chế xã hội. Ngoài ra, không ngừng nâng cao trình độ dân trí để con người hướng tới những điều khoa học. Một xã hội mê tín là một xã hội lụn bại, một xã hội nhân phẩm thấp”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ nhấn mạnh.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục phân tích rằng, nhà chùa làm việc dâng sao - giải hạn là không đúng tinh thần thuần khiết của Phật giáo nhưng chúng ta có thể thông cảm được vì Phật giáo phải du nhập tín ngưỡng bản địa mới gần gũi với người dân. Nếu khắt khe quá, người thường không theo được sẽ dẫn khiến cho tôn giáo xa rời đời sôngs. Tuy nhiên, tính biểu trưng của nghi lễ dâng sao – giải hạn vốn tương đối đơn giản.
“Người ta tùy theo màu sắc của sao để tự chuẩn bị mấy bông hoa theo màu sao, một số loại quả chay với một chút tiền vàng mang tính tượng trưng. Đó là lễ dâng sao tối thiểu và vừa đủ. Ấy thế mà mọi người lại cho rằng dâng sao là “xu cát tị hung” (chọn điều tốt tránh điều xấu) nên nghĩ rằng đối với Thánh Thần càng nhiều tiền bạc, vật phẩm thì càng tốt nên tùy theo khả năng tài chính mua đủ thứ. Chính vì thế mà dâng sao giải hạn bị lạm dụng. Điều này chỉ thể hiện rằng trong thời đại hệ thống thông tin, khoa học phát triển nhưng có thể khủng hoảng xã hội và đạo đức xã hội nên người ta quay ra bám víu lòng tin chẳng có căn cứ nào cả. Dâng sao giải hạn trở thành dấu hiệu mông muội của trí tuệ, ý thức.
Tôi nghĩ không nên đặt vấn đề không được dâng sao hay cấm dâng sao nhưng làm sao nghi lễ vừa đủ, đúng chứ không thể nào quan niệm “tốt lễ dễ nói”. Suy luận như thế thì thành ra thần phật rất tham lam. Thứ nữa mọi người không nhất thiết phải chen nhau đến giải hạn ở một chỗ, như thế dẫn đến một loạt sự việc như tắc đường, chém chặt, mua bán, chen nhau trước sau, đâm ra biến nơi tôn giáo tín ngưỡng thành trò mua bán thì rất tệ”, Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh chia sẻ thêm.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn