Mua một tác phẩm nghệ thuật, có nhiều cách và đấu giá là xu hướng mới đối với nhiều người yêu nghệ thuật. Tác phẩm được xác định lý lịch cùng các câu chuyện liên quan đến nó, mọi thông tin với mạng xã hội ngày nay, được công khai trao đổi, giá cả được đặt phù hợp với sản phẩm và ý thích của người tham gia. Tác phẩm được trưng bày công khai cả tuần trước phiên đấu giá, nhiều trao đổi tranh luận, bình luận đa chiều cũng công khai trên các phương tiện truyền thông.
Được Hoạ sĩ Trịnh Sinh Nha giới thiệu, tôi đến tham gia một phiên đấu giá, phiên thứ 5 của nhà đấu giá mang tên Chọn vào 30 tháng 07 năm 2017. Đúng giờ, xuất hiện tại hội trường, là một khán phòng khoảng 100m2, với đội ngũ nhân viên tề chỉnh trong trang phục đen ấn tượng, toàn bộ khán phòng cũng màu đen để nổi bật các tác phẩm trưng bày.
Giữa phòng có khoảng 50 ghế ngồi cho khách tham gia đấu giá và quan sát. Một đội ngũ nhân viên với hệ thống máy điện thoại cùng các camera trực tiếp để kết nối tạo các kênh trực tuyến cho những người ở xa. Các bộ phận hỗ trợ cho phiên đấu giá hoạt động tỏ ra khá chuyên nghiệp.
Chủ đề của phiên đấu giá lần thứ 5 này là Trí - Lân - Vân - Cẩn và Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, các tác phẩm của 08 tác giả hàng đầu Việt Nam từ thời kỳ đầu nghệ thuật hiện đại. 12 tác phẩm là 12 câu chuyện ly kỳ, thậm chí có câu chuyện vẫn đang diễn ra như bức tranh Phố Cũ của Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái.
Bức tranh này được nhà đấu giá cho là thật và dẫn đủ thông tin chứng minh. Nhưng con trai cố Hoạ sĩ là Bùi Thanh Phương, ông cho rằng bức tranh này là giả! Nhiều bài báo và phân tích cho rằng cả 2 bức ở bảo tàng nước ngoài mới là giả. Cách vẽ của hoạ sĩ, những nét to đậm dứt khoát, nhưng nét đen không phải từ cọ mà là từ nền đen trước, rồi hoạ sĩ phủ màu lên tạo nét, do đó, bức vẽ giả sẽ khó có được mạch lạc và thần của tác giả... tuy nhiên, cả 3 bức, khó có đủ chứng cứ, chứng lý thuyết phục đâu là thật đâu là giả...
Nhà đấu giá Sotheby’s (Singapore) từng bán đấu giá một bức Phố cũ tương tự của Bùi Xuân Phái với giá 11.443 USD. Nhà đấu giá Christie’s (Hong Kong) sau đó cũng bán một bức tranh Phố cũ vào ngày 25/5/2014 với giá 12.804 USD.
Phiên đấu giá trải qua các tác phẩm ban đầu với giá trị vừa phải, của các tác giả Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân. Bức Tự họa, Trung đoàn 61 rồi Du kích hay bức Trung thu, diễn ra chậm chạp và trầm lắng. “Không khí trầm lắng chắc do ảnh hưởng suốt tuần qua của thông tin truyền thông về bức Phố cũ của Bùi Xuân Phái.” Auctioneer, người gọi giá nói. Nhưng rồi các bức tranh vẫn lần lượt được gõ búa trong không khí trầm lắng và phải đến bức họa 04 con chó của Nguyễn Tư Nghiêm, khán phòng bắt đầu nhộn nhịp.
Bức Phố cũ xếp thứ 7 với giá khởi điểm 8.000 USD cao nhất phiên... Với thông tin chia sẻ, người đầu tiên trả giá 5.000 USD đã giơ bảng. Từng đoạn của câu chuyện được chia sẻ và cuối cùng, Phùng Quang Việt (SN 1987) với quan điểm và sở thích với bức tranh, đã trả giá thắng cuộc ở 13.000 USD, cao hơn so với 2 bức cùng được cho là tranh thật từ nhà đấu giá Christie’s Hong Kong và Sotherby’s Singapore.
Các tác phẩm tiếp theo với không khí nóng hơn đã nhanh chóng có chủ sở hữu với mức giá rất cao, một bức tranh khác của Nguyễn Tư Nghiêm, Con giáp (bột màu, 29x33cm), được gõ búa cho nhà sưu tập Lê Đình Chiến với mức giá 16000 USD, gấp đôi với giá khởi điểm.
Rồi đến bức tranh cuối cùng, bức Tình yêu đầu tiên (Chất liệu bột màu, kích thước 45 x 50 cm) của họa sĩ Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1973. Với giá khởi điểm 6.000 USD, tác phẩm được họa sĩ hoàn thành vào 08/03/1973 dịp sinh nhật bà Trần Thị Hồng, mối tình của ông.
Ông nổi tiếng trong cuộc sống, phong cách, trong nghệ thuật và trong tình yêu. Mối tình của ông với bà Hồng phải vượt qua bao điều tiếng khi ông đang là Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương và cô học trò với đề tài tốt nghiệp là điêu khắc tác phẩm chính ông Hiệu trưởng. Bức tranh này cũng là tiền thân cho các bức về bà khổ to hơn và chất liệu sơn dầu, tuy nhiên, được đánh giá đây vẫn là bức thành công nhất và đầy cảm xúc thực của ông.
Lần lượt trong khán phòng, nhanh chóng đưa ra giá đấu tăng dần của 3 người 6.000, 7.000 rồi 9.000. Một người từ Nha Trang, được biết đã bay ra ngắm và kiểm tra tranh từ 1 tuần trước và đang tham gia qua đường dây số 4, liên tục trả đúp giá (bước nhảy 1.000USD) lên đến 15 ngàn USD. Rồi lên đến 35 ngàn, một thanh niên ăn mặc giản dị đến muộn đã chen vào cuộc đấu với giá 37 ngàn cùng đấu với người ở Nha Trang. Cuối cùng, anh Hà Huy Thanh (1982) đã trả giá 41 ngàn USD thắng cuộc! Một cuộc đấu nóng bỏng với giá trị gần gấp 10 lần giá khởi điểm (thêm 10% chi phí cho nhà đấu giá).
Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực (từ ngày 1/7/2017), các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đang dần dần sôi động và thu hút không chỉ giới Nghệ thuật mà còn cả các nhà đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hiện đang có 3 đơn vị: Chọn, Lạc Việt và Lythi chính thức hoạt động. Và có thể thấy một kênh mới, một phương thức mới để kết nối giữa các tác phẩm của các nhà sưu tầm, các họa sĩ đến với công chúng, nhà sưu tầm khác đang được nhanh chóng hình thành và phát triển.
Tác giả: Đặng Vân Phúc
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn