Ở lượt đi, đội tuyển Campuchia đá với tư cách là chủ nhà, khi trận đấu diễn ra ở Phnom Penh, trong sân Olympic có đến 4 – 5 vạn người. Khi đó, lợi thế sân nhà buộc Campuchia phải chọn lối chơi tấn công.
Vì họ đá tấn công, nên đội tuyển Việt Nam khi đó chỉ cần dồn đội hình tập trung cho khâu phòng ngự, trước khi phản đòn, là đạt hiệu quả: Rõ nhất là trong bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 cho đội tuyển Việt Nam của Quang Hải ở cuối trận.
Thế nhưng, ở trận lượt về tới đây. Đội tuyển Campuchia không còn chịu áp lực phải tấn công trước đội mạnh hơn mình là đội tuyển Việt Nam, vì họ giờ phải đá trên sân đối phương. Thành ra, đội tuyển Việt Nam cũng cần phải thận trọng khi đối thủ chơi phòng ngự phản công.
Còn nhớ tại AFF Cup 2016, Malaysia cũng từng suýt thua Campuchia khi đội bóng đất Chùa Tháp triển khai lối đá phòng ngự phản công khá lợi hại.
Trong lối chơi phản công, Campuchia có tiền đạo rất hợp với lối đá này là Chan Vathanaka, người có tốc độ, kỹ thuật và khả năng chớp thời cơ tốt. Chính Chan Vathanaka là người 2 lần sút tung lưới Malaysia, đều từ những tình huống phản công như thế, tại AFF Cup 2016.
Trái ngược với điểm mạnh của Chan Vathanaka, tốc độ là điểm yếu của các trung vệ bên phía đội tuyển Việt Nam, hiện có tên trong đột triệu tập lần này. Cả 3 trung vệ của chúng ta hiện có là Ngọc Hải, Ngọc Thịnh và Tiến Dũng đều không mạnh về mặt tốc độ.
Chính vì thế, các hậu vệ của HLV tạm quyền Mai Đức Chung cần bọc lót cho nhau tốt hơn, để tránh tình trạng để đối thủ khai thác bẫy việt vị, rồi đua tốc độ với các cầu thủ phòng ngự của đội tuyển Việt Nam.
Đá phản công thường dễ hơn đá tấn công, bởi khi phản công, đội được phản công sẽ đối diện với hàng thủ ít người hơn, so với khi tấn công trực diện. Thành ra, có thể Campuchia tấn công không hay, nhưng họ lại phản công lợi hại, nhưng Malaysia suýt chút nữa từng là nạn nhân của đội bóng đất Chùa Tháp 1 năm trước.
Đội tuyển Việt Nam dĩ nhiên được đánh giá cao hơn Campuchia, nhất là sau khi các cầu thủ của chúng ta đã có thể lực tốt hơn, nhờ đã đá qua vài vòng đấu tại V-League, cộng với việc bổ sung một số gương mặt nổi trội như tiền đạo Anh Đức, trung vệ Ngọc Hải.
Tuy nhiên, đội bóng của HLV Mai Đức Chung vẫn cứ phải dè chừng các pha phản công của Campuchia, với sở trường chuyền dài của tiền vệ Chreang Polroth và các pha chạy nước rút lợi hại của tiền đạo Chan Vathanaka.
Gác lại chuyện gia đình, ông Dương Vũ Lâm nhận vị trí trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam
Lẽ ra, hôm nay (4/10), ông Dương Vũ Lâm sẽ rời TPHCM sang Mỹ có việc gia đình. Tuy nhiên, giờ chót, ông Lâm huỷ chuyến đi này, dù visa nhập cảnh và vé máy bay đã hoàn tất. Ông Dương Vũ Lâm cho biết ông ở lại Việt Nam để nhận nhiệm vụ trưởng đoàn đội tuyển quốc gia, dự trận đấu với Campuchia vào ngày 10/10 tới đây trên sân Mỹ Đình, trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2019.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Lâm nhận vai trưởng đoàn đội tuyển quốc gia, trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam nhiều sóng gió. Ở những lần trước, thường thì khi bóng đá Việt Nam nói chung và VFF nói riêng đang ở giữa làn sóng bị chỉ trích, ít người chịu ngồi vào vị trí trưởng đoàn đội tuyển nhiều áp lực, ông Lâm lại bị điều vào đấy.
Nhưng kỳ lạ là ông Lâm thường thành công trong vai trưởng đoàn, lúc ít người nghĩ rằng các đội tuyển sẽ thành công (rõ nhất là ngôi vô địch AFF Cup 2008), trong khi có những thời điểm thuận lợi hơn, khi ai cũng nghĩ các đội tuyển dễ có thành tích, thì các trưởng đoàn khác lại thất bại trong bẽ bàng.
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn