Theo đó, Hội đồng cấp Nhà nước nhận được 105 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 359 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Sau khi 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước: Sân khấu, Âm nhạc, Múa, Điện ảnh, Phát thanh - Truyền hình họp, xét, thảo luận hồ sơ theo từng chuyên ngành có 84 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 307 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước.
Tháng 12/2018, tại phiên họp Hội đồng cấp Nhà nước, Hội đồng đã thảo luận về các hồ sơ được trình lên Hội đồng. Hội đồng cấp Nhà nước đã bỏ phiếu kín từng hồ sơ và nhất trí trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước ra Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu cho 84 Nghệ sĩ Nhân dân và 309 danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Chia sẻ trong ngày nhận danh hiệu, NSND Minh Đức – người từng được xem là “mỹ nhân làng điện ảnh” chia sẻ rằng, ở tuổi xấp xỉ 80, vẫn còn đủ khoẻ để từ TP.HCM ra Hà Nội nhận danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân là một niềm vui mừng và xúc động khôn tả.
“Mặc dù trong hơn 60 năm cống hiến và phấn đấu trong nghệ thuật, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đạt được danh hiệu nọ, danh hiệu kia. Chỉ biết cố gắng làm sao cho thật tốt công việc của mình. Nhưng việc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần này sẽ giúp những người như chúng tôi có thêm động lực để làm được nhiều việc cho nghệ thuật nước nhà.
Tôi cho rằng, việc thay đổi cơ chế xét tặng danh hiệu sẽ tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ có nhiều cống hiến được nhận danh hiệu mà họ xứng đáng được nhận. Và đó cũng là một trong những thay đổi rất tích cực mà giới nghệ sĩ luôn mong muốn”.
NSND Trọng Trinh cho biết: “Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người nghệ sĩ chính là được thăng hoa, cháy hết mình với nghệ thuật. Nhưng khi được Đảng, Nhà nước và công chúng ghi nhận trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân thì niềm vui lại nhận đôi”.
Nam nghệ sĩ cũng cho rằng, anh ủng hộ việc sửa đổi tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đặc biệt là khâu xét tuyển từ cấp hội đồng cơ sở đối với người nghệ sĩ đó. Bởi chỉ có cấp cơ sở mới hiểu rõ các hoạt động, chuyên môn của người nghệ sĩ đó.
Bên cạnh đó là sự công nhận của các đồng nghiệp, khá giả cũng như sự lan toả những tác phẩm, vai diễn của người nghệ sĩ đó. Chính vì vậy, không nhất thiết phải cứng nhắc trong xét tặng danh hiệu là cứ phải có bao nhiêu huy chương vàng, giải thưởng.
NSND Thu Hà trong niềm xúc động khôn tả bày tỏ rằng: “Trước tiên, tôi muốn chia sẻ niềm vui này với mẹ của tôi. Nay sức khoẻ của bà không được tốt nên bà không thể đến chia vui cùng con gái được.
Xuất thân của tôi là một cô gái lớn lên ở thôn quê và khi theo nghiệp sân khấu tôi cũng đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Ngay từ đầu, khi theo đuổi nghệ thuật, gia đình tôi không hề ủng hộ bởi quan điểm về nghệ thuật thời đó vẫn còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, với những năm tháng gắn bó với nghệ thuật và những gì một người nghệ sĩ đã nhận được, tôi chưa bao giờ ân hận với quyết định của mình thời đó.
Được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần này tôi rất vui mừng và xúc động. Tôi không thấy áp lực gì cả bởi áp lực làm nghề tôi đã kinh qua trong nhiều năm tháng qua. Tôi nghĩ là mình sẽ có thêm động lực để tiếp tục cống hiến và đóng góp cho sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội nói riêng và nền sân khấu nước nhà nói chung”.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu rằng, công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 9 được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục hồ sơ quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được thực hiện qua 3 cấp: cấp cơ sở; cấp Bộ, tỉnh và cấp Nhà nước. Hội đồng cấp Nhà nước được thực hiện qua 2 bước xét: Hội đồng chuyên ngành và Hội đồng cấp Nhà nước.
84 Nghệ sĩ Nhân dân và 307 Nghệ sĩ ưu tú được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước lần thứ 9, thuộc 09 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, H’Mông, Ê Đê, Jơ Rai, Khmer.
Trong đó, nghệ sĩ nam cao tuổi nhất - sinh năm 1927 (92 tuổi) là Nghệ sĩ Nhân dân Đường Tuấn Ba, nhà quay phim Hãng phim Giải phóng, nay là Công ty Cổ phần phim Giải phóng thuộc Bộ VHTT&DL; Nghệ sĩ nữ cao tuổi nhất - sinh năm 1931 (88 tuổi) là Nghệ sĩ Nhân dân Phó Thị Đức (Kim Đức), nguyên diễn viên hát, Đài Tiếng nói Việt Nam thuộc lĩnh vực Âm nhạc.
Hà Tùng Long
Ảnh: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn