Ở đây, không có ý nói Bùi Tiến Dũng không phải là thủ môn giỏi, hay chí ít là trong tương lai gần, thủ thành này không thể hoàn thiện các nhược điểm của mình, để trở thành thủ môn giỏi.
Nhưng vấn đề vẫn còn nằm ở… tương lai. Trừ khi thủ môn này chứng minh mình ổn định trong phần còn lại của mùa giải 2020, trừ khi Bùi Tiến Dũng khắc phục được hoàn toàn các nhược điểm từng xuất hiện ở anh trong khoảng 2 năm qua, bằng ngược lại, bản thân Bùi Tiến Dũng vẫn khó chứngminh được rằng mình đã ở trình độ của chữ “GIỎI”.
Bằng chứng là ngay ở CLB TPHCM, HLV Chung Hae Seong vẫn chưa dám đưa Bùi Tiến Dũng trở lại với vị trí chính thức trong khung gỗ.
Vị HLV người Hàn Quốc chỉ đơn giản dùng Tiến Dũng cho riêng loạt sút luân lưu trong trận đấu thuộc vòng 1/8 cúp quốc gia, gặp SHB Đà Nẵng, với lời tâm sự rất thật, rằng đấy chủ yếu là “liệu pháp tâm lý”, tác động đến tâm lý của các cầu thủ bên phía đội bóng sông Hàn, khi họ buộc phải đối đầu với Bùi Tiến Dũng ở khoảng cách 11m.
Nói đơn giản hơn, đấy là một trong những canh bạc mà ông Chung sử dụng trong trận đấu nói trên, và ông thành công với canh bạc mang tên Bùi Tiến Dũng.
Và vấn đề nằm ở chỗ một thủ môn giỏi bắt phạt đền chưa chắc là một thủ môn giỏi một cách toàn diện. Trong khi, không phải trận đấu nào cũng được giải quyết hoặc buộc phải giải quyết bằng loạt sút luân lưu. Quan trọng hơn loạt sút ấy, rằng thủ môn được lựa chọn có đủ an toàn để giữ vững khung thành đội nhà, ít nhất là để đưa trận đấu về loạt sút nói trên hay không?
Sergio Goycochea của đội tuyển Argentina tại World Cup năm 1990 là một ví dụ. Ông là một trong hai nhân vật được nhắc đến nhiều nhất, có công lớn nhất đưa Argentina vào đến trận chung kết Italia’90 (người kia đương nhiên là “cậu bé vàng” Diego Maradona).
Và trên đường vào chung kết của Argentina năm đó, Sergio Goycochea bắt phạt đền hay đến mức giúp đội bóng xứ sở Tango loạt Nam Tư và Italia khỏi tứ kết và bán kết, hay đến mức cứ hễ Argentina mà giữ hoà được trong 120 phút thi đấu (2 hiệp chính và 2 hiệp phụ), coi như họ sẽ chạm đến chiến thắng trong loạt sút luân lưu.
Riêng trong trận chung kết, cựu thủ thành này còn suýt nữa đẩy được quả 11m của Andreas Brehme bên phía đội tuyển Đức.
Sergio Goycochea mà đẩy được quả 11m đấy, cuộc đời của Diego Maradona có khi còn thay đổi nữa, vượt mặt Pele để trở thành “vua bóng đá” chứ chẳng chơi, lịch sử bóng đá Argentina có khi đã khác, lịch sử bóng đá thế giới có thể cũng rất khác!
Nhưng, tuyệt nhiên Sergio Goycochea vẫn không được xếp vào nhóm các thủ môn hay nhất của bóng đá Argentina. Cần biết rằng cũng tại World Cup 1990, Sergio Goycochea chỉ là thủ thành số 2, sau thủ môn Nery Pumpido. Ông có suất bắt chính năm đó cũng là nhờ Pumpido chấn thương nặng trong trận gặp Liên Xô ở vòng bảng.
Đến kỳ World Cup tiếp sau đó, dù đang ở đỉnh cao phong độ ở tuổi 31, nhưng Sergio Goycochea vẫn chỉ ngồi dự bị cho thủ thành Luis Islas. Có nghĩa là, bắt phạt đền hay là một chuyện, trở thành thủ môn giỏi theo đúng nghĩa lại là chuyện khác!
Vấn đề của Bùi Tiến Dũng hiện cũng tương tự. Thà rằng thủ thành này trở lại theo cách khác, ổn định trong giờ thi đấu chính thức rồi dần dần chiếm lại niềm tin nơi giới chuyên môn và người hâm mộ, người ta sẽ dễ đánh giá chất lượng của Bùi Tiến Dũng hơn là chỉ thông qua ấn tượng từ một loạt sút luân lưu.
Có khi, ấn tượng từ loạt sút luân lưu do Bùi Tiến Dũng tạo ra càng khiến cho HLV Park Hang Seo khó nghĩ. Gạch tên hẳn cầu thủ này khỏi nhóm các thủ thành xứng đáng có chỗ ở đội tuyển quốc gia cũng khó, vì đằng nào Bùi Tiến Dũng cũng là nhân vật nổi tiếng trong bóng đá nội.
Nhưng vội vã đặt niềm tin ngay vào Bùi Tiến Dũng thì có khi lại làm mất cơ hội của nhiều thủ môn khác xứng đáng hơn, vốn đang chờ cơ hội cho mình. Mà đặt niềm tin ngay vào Bùi Tiến Dũng chỉ sau một loạt sút luân lưu đôi khi còn là sự mạo hiểm cực lớn cho đội tuyển!
Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn