Một bức tượng những tưởng vô giá trị sau khi xuất hiện trong chương trình truyền hình “Fake or Fortune?” (Anh) mà không được khẳng định là “đồ thật”, đã vừa được xác định là một tác phẩm nghệ thuật đích thực được thực hiện bởi nhà điêu khắc người Thụy Sĩ Alberto Giacometti (1901 - 1966). Bức tượng có vừa được mua với giá hơn 500.000 bảng (tương đương hơn 14 tỷ đồng).
Khi bức tượng được đưa ra thẩm định trong chương trình truyền hình “Fake or Fortune?”, những chuyên gia của chương trình đã không thể xác định đây là “đồ thật” hay “đồ giả”, vì vậy, khi rời chương trình, nó bị xem là một bức tượng vô giá trị.
Vậy nhưng cũng chính bức tượng này sau đó đã được các chuyên gia nghệ thuật khác xác định là tác phẩm được thực hiện bởi nghệ sĩ bậc thầy người Thụy Sĩ - nhà điêu khắc Alberto Giacometti.
Bức tượng này từng tham gia chương trình “Fake or Fortune?” (Anh) hồi năm ngoái, khi ấy, chuyên gia nghệ thuật Philip Mould và người dẫn chương trình Fiona Bruce đã nhìn ra những khía cạnh tiềm năng của tác phẩm điêu khắc cỡ nhỏ theo trường phái trừu tượng, họ bắt đầu tìm kiếm những bằng chứng để xem liệu đó có phải tác phẩm đích thực của Giacometti hay không.
Giacometti là một trong những nhà điêu khắc vĩ đại nhất sống trong thế kỷ 20. Một tác phẩm điêu khắc bằng đồng của ông từng được bán với giá 141 triệu USD hồi năm 2015 và lập nên kỷ lục mới về giá.
Nhưng vì không tìm được chữ ký của tác giả trên bức tượng này, hay những bằng chứng thuyết phục khác, mà trên thị trường hiện nay lại có quá nhiều tác phẩm nhái, chương trình đành kết luận rằng họ không thể xác nhận tính chân thực của bức tượng.
Mặc dù vậy, sau khi bức tượng rời khỏi chương trình, những lớp sơn không nguyên bản đã được bóc tách ra khỏi tác phẩm và người ta đã tìm thấy một chữ ký của tác giả cùng những bằng chứng khác cho thấy đây đích thực là tác phẩm của Giacometti.
Bức tượng đã được đem bán đấu giá với tư cách một tác phẩm đích thực của Giacometti và đạt mức giá hơn nửa triệu bảng, thông tin này đã vừa được chương trình “Fake or Fortune” tiếp tục cập nhật tới công chúng.
Chuyên gia nghệ thuật Philip Mould đại diện cho chương trình “Fake or Fortune?” (Anh) chia sẻ với tờ Telegraph: “Mặc dù chúng tôi có khá nhiều thời gian nhưng sau cùng vẫn phải làm việc theo một hạn định của chương trình và trong thế giới nghệ thuật, không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ theo cùng một nhịp độ.
“Với tác phẩm này, chúng tôi cần nhiều thời gian hơn, nhiều sự cân nhắc hơn, những điều đó là xứng đáng và cần thiết”.
Vì sự nổi tiếng của Giacometti trong giới nghệ thuật nên từ lâu đã có nhiều tác phẩm làm nhái tác phẩm của ông xuất hiện trên thị trường. Hồi thập niên 1920, nghệ sĩ Giacometti chuyển tới Paris, Pháp, để theo học chuyên ngành điêu khắc và bắt đầu trở thành một nhân vật quen thuộc tại những quán cà phê nghệ thuật trong thành phố, nơi những tài năng thường qua lại, giao lưu với nhau.
Tại đây, Giacometti bắt đầu làm quen với những nghệ sĩ, trí thức, trong đó có Picasso, ông cũng tìm hiểu nhiều hơn về trường phái siêu thực.
Bức tượng được nhắc tới trong bài này có tên “Gazing Head” đã được đưa tới chương trình “Fake or Fortune?” bởi một người phụ nữ có tên Claire Clark-Hall cùng với người con gái của bà - Henrietta Plunkett.
Người bà, người mẹ quá cố của gia đình họ - bà Fiona Garfitt - đã từng theo học ở Paris hồi thập niên 1930 và có mối quan hệ thân tình với nghệ sĩ Giacometti. Bà cụ Fiona Garfitt sau này kết hôn với một kiến trúc sư - ông Denis Clarke-Hall.
Bức tượng vốn được trưng bày trong gia đình bà Fiona Garfitt suốt nhiều thập kỷ, nó từng bị rơi khỏi bệ lò sưởi một lần do con mèo của gia đình chạy qua, sự việc xảy ra hồi thập niên 1960, khi ấy, chính ông Denis đã tự sửa lại bức tượng bằng một ít sơn trắng sẵn có trong nhà.
Sau khi bức tượng rời khỏi chương trình “Fake or Fortune?”, người ta đã bóc tách lớp sơn này và tìm thấy chữ ký của Giacometti, nghệ sĩ đã đề dòng chữ “Alberto Giacometti 1928” trên bức tượng.
Chính lúc này, Hội đồng Giacometti ở Paris mới chính thức xác nhận tính chân thực của tác phẩm. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm về việc xác nhận tính hợp pháp đối với những tác phẩm mới được phát hiện của nhà điêu khắc Giacometti.
Bích Ngọc
Theo Telegraph
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn