“Tôi chọn xu hướng tối giản chuyện cỗ bàn ngày Tết”
Bữa ăn ngày Tết của gia đình chị thường được chuẩn bị như thế nào?
Cũng như mọi gia đình, mâm cỗ ngày Tết của nhà tôi không thể thiếu bánh chưng, nem rán… Đặc biệt, bao giờ cũng phải có canh măng, tôi nghiện món này lắm.
Đôi khi ngồi ngắm mọi người ăn ngon miệng là tôi đã thấy “no” rồi. Tôi có xu hướng tối giản, chỉ làm cỗ mặn vào ngày 30 Tết, còn đến ngày hóa vàng, chỉ sắp một mâm cỗ chay đơn giản. Thực ra làm nhiều thừa bứa, ăn không hết rất lãng phí.
Tối giản trong chuyện ăn uống nhưng nếp nhà thì luôn phải giữ, đó là tôi không bao giờ ra đường đêm Giao thừa, lên Bờ Hồ ngắm pháo hoa hay đi chơi cùng bạn bè. Trừ hoàn cảnh công việc còn lại, tôi luôn ở nhà phụ giúp gia đình trong khoảnh khắc đó.
Vậy cách Ngọc Trinh đón Giao thừa có gì đặc biệt không?
Khi tiếng pháo hoa vang lên cũng là lúc tôi thắp nén hương đầu tiên, thư thái cảm nhận khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Sau đó tôi sẽ chờ xem ai là người đầu tiên gọi điện thoại chúc mừng. Thông thường sẽ là những người thân trong gia đình. Nhưng có năm, những người bạn khiến tôi khá bất ngờ.
Và có 3 điều khá quan trọng mà tôi luôn dành tặng bản thân mình mỗi khi Tết đết.
Đầu tiên là để dành một bộ quần áo mới màu đỏ mặc đêm Giao thừa. Tôi là người mệnh hỏa nên có cảm giác màu đỏ đem lại sự may mắn, tươi vui.
Thứ hai là bóc một cây son mới. Và thứ ba là mở một lọ nước hoa mới.
“Mỗi người một chân một tay chứ đừng để lại “bãi chiến trường” cho các cô con dâu”
Trở lại câu chuyện chị kể về việc tối giản những bữa ăn sau ngày mùng 1, tôi nhớ đến bức ảnh được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội mỗi khi Tết đến là người phụ nữ nhăn nhó bên chồng bát đĩa cao ngút. Chị nghĩ sao về hình ảnh đó?
Tôi nghĩ người phụ nữ đấy chẳng phải chỉ có trên mạng đâu. Ngay bạn thân của tôi cũng vậy. Cũng trẻ trung sành điệu hiện đại, nhưng đối với cô ấy, Tết là một nỗi kinh hãi, chứ không phải những ngày được hưởng thụ.
Chúng tôi chơi với nhau cũng được mười mấy năm rồi nhưng chưa bao giờ tôi có thể rủ được bạn đi chơi vào ngày Tết. Vì cô ấy xác định cứ Tết đến là nhà phải có gần chục mâm cỗ. Trong mỗi mâm cỗ lại có khoảng 9 - 10 món.
Chúng tôi trêu đùa là Tết không dám đến chơi, bởi vì đến là xác định phải ngồi rửa bát cùng (cười).
Thực ra tôi nghĩ đã là truyền thống thì được hình thành từ thói quen và đã là thói quen thì mọi người sẽ tìm ra yếu tố hợp lí để giữ lại.
Có thể về yếu tố tâm linh, mọi người quan niệm Tết là phải đủ đầy. Hoặc có thể với ai đó, một trong những điều làm nên ngày Tết với họ cũng chính là sự bận rộn như thế.
Nhưng tôi nhận thấy, đa phần người dân thành phố bây giờ quỹ thời gian rất hạn hẹp, mọi người cũng đang hướng đến lối sống hiện đại. Nếu như tốn quá nhiều thời gian vào việc rửa bát thì hơi hoài phí tuổi thanh xuân.
Tôi không lên án hay chê bai chuyện cỗ bàn ngày Tết. Tôi chỉ nghĩ rằng, cuộc sống tối giản cũng đem lại rất nhiều niềm vui thay vì quá bận rộn. Tất bật đến mức không có thời gian nghỉ ngơi, hàn huyên bên gia đình, bạn bè thì không thể gọi là một cái Tết trọn vẹn.
Rất nhiều bạn thế hệ 8X, 9X giờ đây đã làm chủ gia đình, đây là những thế hệ rất năng động và mong muốn sự tiện lợi. Mọi người vẫn có thể tụ tập ăn uống đông vui nhưng nếu mỗi người một tay phụ giúp gia chủ sẽ khác với việc đến ăn cỗ sau đó đi về, để lại “bãi chiến trường”, khổ sở những "cô con dâu".
Không nguỵ biện, lãng quên truyền thống bằng hai chữ hiện đại
Với tư tưởng đổi mới như vậy, chắc hẳn ai làm em dâu của Ngọc Trinh sẽ rất may mắn?
Tôi nghĩ cuộc sống mới, mọi người đều có tư tưởng tiến bộ, ngay cả các bậc phụ huynh thế hệ 6X, 7X.
Bây giờ chúng tôi về quê ăn Tết cũng không ai bắt đi nấu cơm, rửa bát nữa. Các dì, các chú, các thím sẽ giúp mình, còn mình sẽ đem lại giá trị khác.
Mỗi người có một cách đóng góp khác nhau cho gia đình và rộng hơn là cho xã hội, thay vì cứ phải làm chung một việc.
Nói Trinh có tư tưởng đổi mới nhưng lãng quên truyền thống thì không đúng. Tôi nghĩ cái ngưỡng để một người phụ nữ đạt đến sự văn minh, hiện đại là hiểu và ứng xử đúng đắn với truyền thống chứ không phải xem nhẹ truyền thống hay ngụy biện bằng hai chữ “hiện đại”.
Hiện đại không có nghĩa là mua đồ ăn nhanh đặt lên ban thờ
Cách “ứng xử đúng đắn với truyền thống” ở đây nghĩa là…
Tôi sẽ dùng từ “chu toàn” cho quan điểm người phụ nữ hiện đại đón Tết truyền thống.
Chu toàn ở đây là phải biết lược bỏ những gì rườm rà, không cần thiết và biết giữ những gì cốt yếu. Với tôi, việc bao sái ban thờ, chuẩn bị mâm cỗ, hiểu được ý nghĩa của những việc mình làm là điều quan trọng nhất.
Một người phụ nữ hiện đại không phải là người mua đồ ăn nhanh về để thờ cúng thắp hương, có thể không phải tự tay bạn làm nhưng phải biết cách để có mâm cỗ hoàn hảo nhất. Không nhất thiết phải 9 bát 10 đĩa, đơn giản phải có sự thành tâm.
Mâm ngũ quả không nhất thiết phải to, hoành tráng mà quan trọng là sạch đẹp, tinh tươm. Đừng nghĩ đằng nào tôi cũng uống nước cam cho đẹp da thì tôi mua hẳn một mâm cam để cúng.
Ngày Tết, bao giờ tôi cũng trang hoàng nhà cửa thật đẹp. Nhiều người bảo tôi: “Ôi giời ơi, sao phải mua nhiều hoa thế này cho lãng phí”, nhưng với tôi, cái mình bỏ ra không phải là mua xác hoa mà là niềm vui, buổi sáng đầu năm, tỉnh dậy thấy đào, hoa khoe sắc, cảm nhận những mầm sống mới đang nảy nở.
Nhiều quốc gia phát triển nghỉ lễ cũng nhiều không kém
Có rất nhiều tranh cãi xoanh quanh việc có nên gộp Tết dương lịch và Tết âm lịch, quan điểm của chị thì sao?
Tôi nghĩ rằng, ngày Tết rất quan trọng không chỉ với tôi mà với tất cả mọi người. Đã từng có ý kiến tranh cãi, có nên gộp Tết hay không. Đúng là khi tách ra thì số ngày nghỉ sẽ dài hơn. Nhưng không có nghĩa, cứ nghỉ dài là ảnh hưởng chất lượng công việc.
Giá trị truyền thống là yếu tố phải lưu giữ, nếu có điều chỉnh thì mỗi người nên tự đặt câu hỏi đã dồn 100% tâm huyết cho công việc vào những ngày bình thường hay chưa.
Ở các quốc gia phát triển, số ngày nghỉ của họ cũng rất nhiều, đó là cơ hội cho người lao động xả hơi, tái tạo sức lao động.
Nếu như Tết dương lịch là ngày để mọi người tìm kiếm niềm vui, các hàng quán dịch vụ tăng thêm doanh số thì Tết âm lịch là khoảng thời gian đoàn viên, sum họp gia đình, tri ân tổ tiên, những người đi trước.
Bạn thấy đấy, thường thì ngày Tết, mọi người cũng chỉn chu trong mọi hành động của mình để hướng đến một năm mới vui vẻ, và nó cũng là cột mốc để mình cố gắng thực hiện những gì còn dang dở trước đó.
Tết là cột mốc thời gian để chúng ta nhìn lại quá khứ và hy vọng vào tương lai.
Có lẽ nhiều độc giả sẽ bất ngờ bởi nhắc đến BTV Ngọc Trinh là mọi người sẽ hình dung ra ngay một cô gái sang chảnh với hàng hiệu. Khó mà tưởng tượng được chị lại là một cô gái của những lễ nghi, giá trị truyền thống...
Rất nhiều cô gái vẻ ngoài sang chảnh và bận rộn, họ kiếm tiền cực giỏi nhưng vẫn rất hiểu biết giá trị truyền thống. Tôi cho rằng, điều này nằm ở sự tự giác, có những bạn trẻ rất đảm đang và đó cũng là tín hiệu đáng mừng.
Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình coi trọng giá trị truyền thống.
Các cô gái thường được hưởng quãng thời gian rảnh rang nhất khi chưa lập gia đình, được bố mẹ chiều chuộng, thậm chí không phải làm việc nhà. Nhưng rồi ai cũng sẽ làm mẹ, làm bà nội, bà ngoại, mong chờ con cháu chu toàn với mình cả khi không còn trên cõi đời này nữa.
Đến lúc đó, các cô gái sẽ hiểu rằng, kĩ năng sống giúp ích cho chính mình chứ không phải cho bố mẹ.
Đôi lúc tôi cũng tự hỏi những nguyên tắc truyền thống có rườm rà không nhưng xét cho cùng thì đó là điều làm nên bản sắc dân tộc và nhận diện mình là ai, đến từ đâu. Tôi tin, đã là người Việt ở muôn phương đều có cảm xúc đặc biệt mỗi khi Tết đến, xuân về. Đó là những giá trị tinh thần vô giá mà ngày Tết mang lại.
Cảm ơn BTV Ngọc Trinh về cuộc trò chuyện! Chúc chị và gia đình năm mới An khang - Thịnh vượng!
Phương Nhung
Ảnh: Kim Bánh Trôi Nước
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn