Sự trở lại của các tài năng
Sau một mùa giải ra nước ngoài thi đấu, từ màu áo CLB Incheon United (Hàn Quốc), cho đến Sint Truidense (Bỉ), cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam là Nguyễn Công Phượng đã quay lại V-League, với bến đỗ là CLB TPHCM.
Tạm thời, Công Phượng sẽ khoác áo đội bóng thành phố trong khoảng nửa năm, đến mùa Hè năm nay. Sau đó, tuỳ theo thảo thuận giữa CLB TPHCM và HA Gia Lai, Công Phượng sẽ tiếp tục gắn bó với đội bóng thành phố cho đến hết mùa giải 2020, hay quay lại đội bóng phố núi?
Mặc dù vậy, trước mắt, Công Phượng hứa hẹn sẽ có cơ hội thi đấu nhiều hơn, so với khoảng thời gian khoác áo các đội Incheon United và Sint Truidense trong năm qua, từ đó mở ra hy vọng anh sẽ lấy lại phong độ.
Dù sao thì Công Phượng vẫn là một tiền đạo đáng được chờ đợi của bóng đá Việt Nam. Thấy rõ là trong khoảng thời gian ngôi sao xuất thân từ CLB HA Gia Lai xuống phong độ, hàng tiền đạo của đội tuyển quốc gia đã ít nhiều suy yếu.
Anh Đức đã giã từ đội tuyển, Tiến Linh cần thêm thời gian để tiến bộ hơn, trong khi Văn Toàn dường như phù hợp nhiều hơn với vai trò gây đột biến từ băng ghế dự bị, rồi được tung vào sân giữa chừng, chứ Văn Toàn chưa sắc bén khi được đá chính thức, ở chiến dịch vòng loại World Cup vừa rồi.
Ngoài ra, sự xuất hiện của Công Phượng tại V-League ít nhiều sẽ tăng sức hút cho giải đấu này, bởi như đã nói, Công Phượng đơn giản là cầu thủ nổi tiếng nhất bóng đá nội ít năm qua.
Còn về mặt chuyên môn, một sự trở lại khác cũng gây chú ý, liên quan đến Phan Văn Đức. Khác với Công Phượng, Phan Văn Đức không ra nước ngoài thi đấu. Anh vắng mặt tại mùa giải năm ngoái vì chấn thương.
Cũng giống như Công Phượng, nếu Phan Văn Đức tìm lại được phong độ trong mùa giải năm nay, vấn đề nhân sự trên hàng tiền đạo của đội tuyển Việt Nam sẽ được giải quyết đáng kể, trong năm mà chúng ta sẽ chinh chiến tại phần còn lại của vòng loại World Cup, và bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup.
Bài toán tăng sức hấp dẫn cho giải trong nước
Trước mùa giải 2020, người hâm mộ trung lập hy vọng rằng các ông bầu vẫn sẽ mặn mà với V-League, bởi càng nhiều ông bầu đầu tư, càng nhiều đội muốn có ngôi vô địch, tính cạnh tranh của giải càng cao, trước khi tính cạnh tranh đấy trở thành chất xúc tác cho chất lượng cầu thủ nói riêng, chất lượng của toàn bộ nền bóng đá nói chung phát triển.
Hiện tại, ngoài CLB Hà Nội được đánh giá mạnh nhất giải, CLB TPHCM cho thấy họ chưa từ bỏ khát vọng bước lên bục cao nhất của giải đấu, qua cách đội bóng thành phố tăng cường lực lượng khá rầm rộ. Ngoài Công Phượng được CLB TPHCM mượn từ HA Gia Lai như đã nêu ở trên, nhà đương kim Á quân V-League còn có các tân binh đang chú ý, như thủ môn Bùi Tiến Dũng hay tiền vệ Võ Huy Toàn.
Nhưng giải đấu vẫn cần nhiều hơn các đội thật sự có tham vọng, cần nhiều hơn những ông bầu vẫn còn tâm huyết. Điều đó, nói cho cùng là giúp ích cho chất lượng của giải V-League vốn là nền tảng cho toàn bộ nền bóng đá.
Người ta mong V-League phát triển tốt để bóng đá Việt Nam có nền tảng vững chắc, tạo ra được nguồn cầu thủ giỏi, có tính liên tục, để giúp duy trì sự ổn định về mặt thành tích của các đội tuyển quốc gia, trên đấu trường quốc tế.
Việc đội tuyển U23 Việt Nam không thành công ở giải U23 châu Á vừa kết thúc ở Thái Lan là ví dụ điển hình về sự thiếu ổn định về nguồn cầu thủ, xuất phát từ chất lượng của giải trong nước chưa ổn định. Rằng nếu thiếu nguồn cầu thủ chất lượng có tính kế thừa, khi yếu tố bất ngờ qua đi, chúng ta khó giữ được thành tích của mình.
Đấy cũng là bài toán đặt ra đối với những nhà điều hành giải V-League và hoạch định chiến lược của bóng đá nội: Bài toán giúp cho giải đấu hay hơn, kích thích tốt sự phát triển của nhiều CLB và nhiều ông bầu tham gia vào bóng đá, từ đó tạo nguồn nhân lực tốt, nguồn cầu thủ chất lượng phục vụ cho chính bóng đá Việt Nam!
Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn