Thất bại tại SEA Games 29, trước đó nữa là thất bại ở AFF Cup 2016 phản ánh phần nào trình độ thực của bóng đá Việt Nam. Trình độ đấy không chỉ bao gồm 1 – 2 giải đấu, mà có dấu hiệu sa sút liên tục trong khoảng chục năm qua.
Kỳ thực là sau thành công của thế hệ gồm những ngôi sao như Công Vinh, Như Thành, Phước Tứ, Quang Thanh, Tài Em, Minh Phương… bằng ngôi vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam chưa sản sinh ra thế hệ nào khác có chất lượng tương đương, hoặc cho thấy triển vọng là sẽ phát triển ở mức tương đương.
SEA Games 29 kết thúc với thất bại đau đớn của U22 Việt Nam trước Thái Lan, nhưng xét tổng thể đúng chục năm qua, trải qua 6 kỳ SEA Games khác nhau từ SEA Games 24 năm 2007 đến SEA Games 29 năm 2017, bóng đá Việt Nam không chỉ dưới Thái Lan, mà còn dưới ít nhất 3 nền bóng đá khác, về mặt thành tích, gồm Malaysia, Indonesia và Myanmar.
Trong vòng 10 năm ấy, qua 6 kỳ SEA Games vừa nêu, bóng đá Việt Nam chỉ 1 lần vào chung kết SEA Games, đó là năm 2009 trên đất Lào, giành HCB năm đó (thua Malaysia 0-1).
Cũng trong khoảng thời gian đấy, Thái Lan 4 lần giành HCV SEA Games, vào các năm 2007, 2013, 2015 và 2017.
Không phải là bóng đá Thái Lan không lâm vào khủng hoảng lực lượng trong khoảng thời gian chục năm nêu trên, thể hiện qua việc họ thất bại trước đội tuyển Việt Nam tại chung kết AFF Cup 2008, và bị loại ngay vòng bảng SEA Games 25 năm 2009.
Nhưng Thái Lan gượng dậy rất nhanh, xây dựng lực lượng rất chuyên nghiệp, thẩm chí cải tổ cả hệ thống giải quốc nội, nâng chất Thai-League, để từ đó nâng chất lượng toàn bộ nền bóng đá, trước khi lấy lại vị thế số 1 khu vực từ năm 2013 đến giờ.
Thôi thì Thái Lan quá mạnh so với phần còn lại của Đông Nam Á, rất khó mà so sánh với nền bóng đá này. Điều đáng nói là, ngay cả khi so với một số nền bóng đá khác, trong khuôn khổ SEA Games, bóng đá Việt Nam vẫn kém ít nhất là 3 nền bóng đá nữa, về mặt thành tích.
Đầu tiên là Malaysia, từ năm 2007 đến năm 2017, Malaysia 3 lần vào chung kết SEA Games, thắng 2 và thua 1, trong đó có trận thắng Việt Nam năm 2009 trên đất Lào.
Thứ nhì là Indonesia, họ 2 lần vào chung kết, thua cả 2: Lần đầu thất bại trước Malaysia trên sân nhà năm 2011, lần thứ nhì thua Thái Lan ở sân trung lập tại Myanmar năm 2013.
Thứ ba là Myanmar, họ cũng 2 lần vào chung kết và đều thua cả 2: Lần đầu năm 2007 và lần thứ nhì năm 2015. Cả 2 lần vào chung kết, Myanmar đều thua Thái Lan.
Bóng đá Việt Nam cũng 2 lần bị loại sau vòng bảng các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á, từ năm 2007 – năm 2017, nhiều nhất trong số các nền bóng đá vừa nêu (U23 và U22 Việt Nam bị loại ở vòng bảng SEA Games năm 2013 và 2017).
Không phải bóng đá ở các quốc gia gồm Malaysia, Indonesia và Myanmar không có những giai đoạn khủng hoảng, từ lực lượng cho đến bộ máy điều hành. Tuy nhiên, họ đều gượng dậy mạnh mẽ sau những cuội cải tổ, đặc biệt là cải tổ về phương pháp điều hành và định hướng phát triển.
Nếu nói các đội tuyển U23 (hiện giờ là U22) tham dự các kỳ SEA Games là tương lai gần của các đội tuyển bóng đá trong khu vực Đông Nam Á, thì tiếp tục đáng lo cho bóng đá Việt Nam.
Vấn đề đáng lo nằm ở chỗ, lứa cầu thủ vừa tham dự SEA Games 29 đã là lực lượng tốt nhất của bóng đá Việt Nam trong lứa tuổi, trong khi đó, đội tuyển U22 Thái Lan vẫn chưa phải là đội bóng tập hợp nguồn cầu thủ tốt nhất của bóng đá Thái trong độ tuổi 22 (một số cầu thủ khác đã khoác áo đội tuyển quốc gia, không về lại đội U22 dự SEA Games). Nên về lý thuyết, muốn đuổi kịp Thái Lan trong tương lai gần còn khó hơn nữa!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn