Mục tiêu lớn của các đội bóng Đông Nam Á tại giải U19 châu Á luôn là hướng đến việc giành vé dự VCK World Cup U20.
Năm nay, có 4 đại diện của bóng đá khu vực lọt vào VCK giải U19 châu lục, gồm chủ nhà Indonesia (bảng A), Thái Lan (bảng B), Việt Nam (bảng C) và Malaysia (bảng D).
Trong số này, chủ nhà Indonesia và U19 Việt Nam góp mặt với tư cách hạt giống số 1 tại các bảng A và C, về lý thuyết chiếm đôi chút lợi thế trước giờ bóng lăn. Cả hai đội đều thể hiện quyết tâm rất cao trước ngày giải khởi tranh, cộng thêm Thái Lan muốn có lần đầu tiên có vé đến với VCK World Cup U20.
Tuy U19 Việt Nam bị loại sau vòng bảng, nhưng Indonesia và Thái Lan vẫn vào tứ kết, với những lợi thế nhất định trong các cặp đấu tứ kết mà họ tham dự. Indonesia có lợi thế sân nhà, thi đấu trước sự cổ vũ của gần 80.000 khán giả trên sân bóng khổng lồ Gelora Bung Karno ở Jakarta, còn Thái Lan chỉ gặp đối thủ vừa sức Qatar.
Thực tế là Thái Lan đã có lục dẫn trước Qatar đến tận phút 87 của trận tứ kết đầu tiên, đã ở rất gần với giải U20 thế giới vào năm sau. Tuy nhiên, sự mất tập trung trong những phút cuối cùng khiến họ bị đối thủ gỡ hoà, rồi sự sa sút về thể lực khiến họ thua đậm đến 3-7 trong khoảng 30 phút của hiệp phụ.
Indonesia bên cạnh lợi thế sân nhà, còn được đánh giá cao về mặt tố chất, chất lượng kỹ thuật của dàn cầu thủ có trong đội hình.
Nhưng trước một U19 Nhật Bản quá bản lĩnh, đội bóng trẻ xứ sở vạn đảo vẫn chào thua sự chắc chắn ở khả năng phòng ngự của đối phương.
Đấy cũng là nhược điểm chung của các đội bóng Đông Nam Á so với phần còn lại của châu Á và xa hơn nữa là của thế giới. Các cầu thủ Đông Nam Á vốn nhỏ bé hơn về thể hình luôn thiệt thòi đôi chút so với các đối thủ về thể hình và thể lực, sức bền.
Còn bản lĩnh của các cầu thủ Đông Nam Á không bằng các nền bóng đá khác do điều kiện cọ xát quốc tế chưa nhiều như bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc hay Saudi Arabia, chất lượng nền bóng đá, hệ thống các giải quốc nội ở Đông Nam Á ở mức thấp hơn các nền bóng đá khác ở châu lục, nên tính ổn định của các đội tuyển không tốt bằng.
Các đội trẻ của Việt Nam, Thái Lan, Malaysia hay Indonesia có lúc cũng gây tiếng vang ở sân chơi châu lục, nhưng để duy trì thành tích đấy trong nhiều năm liền thì các nền bóng đá tại Đông Nam Á chưa làm được, do nền tảng không tốt bằng các nền bóng đá khác ngoài Đông Nam Á.
Gần đây, bóng đá Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia xuất hiện nhiều hơn các học viện đào tạo trẻ. Tuy nhiên, tính liên tục của các học viện này chưa cao, mức độ lan toả của chưa thật lớn.
Đơn cử như bóng đá Việt Nam, nếu chúng ta có nhiều hơn các học viện như PVF, HA Gia Lai hay Viettel, diện tuyển chọn cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia sẽ nhiều hơn, chất lượng cầu thủ cũng sẽ tăng lên, do các học viện cạnh tranh nhau về chất lượng đào tạo.
Thành ra, đây là điều mà bóng đá Việt Nam nói riêng và các nền bóng đá khác tại Đông Nam Á nói chung phải cố gắng, cải thiện dần dần, với mục tiêu trước hết là để cải thiện chất lượng cho chính nền bóng đá nước mình, tiếp theo là xích lại gần hơn nữa với các nền bóng đá mạnh tại châu Á.
Tác giả: Thiện Nhân
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn