Thưa Thứ trưởng, những vấn đề lùm xùm tại Hãng phim truyện Việt Nam đang trở nên căng thẳng và tạo nhiều dư luận trái chiều. Là người đại diện cho Bộ VHTT&DL, ông có thể chia sẻ gì về câu chuyện này?
Trước hết chúng tôi phải nhấn mạnh là lãnh đạo Bộ VHTT&DL rất quan tâm đến vấn đề này. Bộ đã mời anh Nguyễn Thuỷ Nguyên - Chủ tịch HĐQT Cty Vận tải thủy, đơn vị cổ đông chiến lược; NSND Vương Đức đại diện Ban Giám đốc Cty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam; hai vị đại diện phần vốn cổ phần của Nhà nước và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lên văn phòng Bộ làm việc chiều 20/9.
Nhà đầu tư chiến lược đã nhận lỗi trước lãnh đạo Bộ về những gì đã xảy ra và cam kết sẽ thực hiện đúng cam kết của nhà đầu tư trong phương án cổ phần hóa. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu đơn vị này phải xây dựng quy chế làm việc trong đó có phân công cán bộ cho rõ ràng, sắp xếp phòng ban lại cho hợp lý, sửa chữa nơi làm việc… Yêu cầu không được cho thuê bất cứ mặt bằng nào thuộc quyền sử dụng của Hãng phim hiện nay. Trước mắt là trả lương tháng 7, 8, 9 như 6 trước khi cổ phần, sau đó thì phải tính toán lại trả lương như thế nào theo điều lệ công ty và theo luật pháp quy định.
Hãng phim truyện Việt Nam có bề dày truyền thống, là cái nôi của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng, có hàng trăm tác phẩm điện ảnh kinh điển, có giá trị lịch sử và nghệ thuật được trong nước và quốc tế đánh giá cao. Điều này khiến Bộ rất trăn trở và nghiên cứu rất kỹ khi tiến hành cổ phần hoá. Đến năm 2010, Hãng phim truyện Việt Nam chuyển sang công ty TNHH MTV (một thành viên) theo luật doanh nghiệp. Theo luật phải trong vòng một năm, từ 23/6/2017 đến 23/6/1028 mới chính thức cổ phần hoá xong.
Câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra là tại sao việc cổ phần hóa chỉ chọn một nhà đầu tư chiến lược là Cty Vận tải thuỷ và Bộ có xem xét kỹ khả năng của họ có đủ để vực dậy Hãng phim truyện Việt Nam?
Theo Nghị định 59 thì có thể chọn từ 1 - 3 nhà đầu tư chiến lược, trên cơ sở tiêu chí đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt. Sau công bố thông tin rộng rãi thì chỉ có một nhà đầu tư chiến lược quan tâm mà nhà đầu tư này lại đạt được những tiêu chí của Bộ.
Việc thực hiện cổ phần hóa đã được thực hiện tất cả các bước đúng theo quy định của pháp luật. Sau khi kết thúc việc bán cổ phẩn mới tiến hành họp, thực hiện tổ chức mời các cổ đông theo đúng quy định hiện hành. Còn tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ thời điểm hiện tại là 28,846%. Ban đầu là 20% sau khi đưa lên sàn bán thì bán không hết nên còn hơn 8%.
Nhiều nghệ sỹ và cán bộ công nhân viên chức của Hãng phim cho rằng, việc định giá giá trị thương hiệu và các lô đất vàng mà Hãng này đang sử dụng với mức “không” đồng là không thể chấp nhận được. Ông có ý kiến gì về điều này?
Vừa qua dư luận, đặc biệt là giới nghệ sĩ rất trăn trở xung quanh đường lối phát triển của Hãng phim, lo Hãng phim khi chuyển sang cổ phần sẽ mất đi tư liệu, mất đi giá trị lịch sử của mình. Phải nói, Bộ rất trăn trở với điều này cho nên việc cổ phần hóa phải hoãn binh nhiều lần.
Khi tiến hành cổ phần hóa, chúng tôi đã xin ý kiến của nhiều Bộ ngành liên quan và thực hiện theo đúng Nghị định 59 của Bộ VHTT&DL. Vì khu đất mà Hãng phim đang sử dụng là thuê của TP.Hà Nội nên không được tính vào giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Việc sử dụng vào mục đích kinh doanh nhà hàng, khách sạn... theo quy định là không được phép. Theo quy định, khi tiến hành cổ phần hóa, đơn vị cổ đông chiến lược phải trình phương án sử dụng đất để UBND TP. Hà Nội xác định chỗ này có đúng theo quy hoạch hay không, có đúng phương án cổ phần hóa hay không.
Trong phương án cổ phần hoá, toàn bộ đất đai tập trung cho sản xuất phim và dịch vụ phim. Trong cam kết sử dụng đất đó, nếu đơn vị cổ đông chiến lược không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý chế tài bằng cách là thu hồi hoặc rút giấy phép xây dựng hoặc đưa ra tòa theo Nghị định 59 cho nên nhà đầu tư không thể làm một mình được.
Để làm được điều này chúng tôi chỉ đạo cho người đại diện TP. Hà Nội, tổ chức Đảng, đoàn thể ở đó phải giám sát thường xuyên và báo cáo cụ thể. Bộ có 3 người ở Hãng phim tham gia Hội đồng cổ đông phải có ý kiến nếu họ làm sai và có chế tài xử lý.
Phương án định giá khi tiến hành cổ phần hoá tại sao lại không tính đến giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam, thưa ông?
Trong quá trình định giá, đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện đúng theo Nghị định 59 và thông tư 127 của Bộ Tài chính. Sau đó Thủ tướng đề nghị tính thêm giá trị thương hiệu liên quan đến lịch sử truyền thống vì Hãng phim truyện Việt Nam có lịch sử nên chúng tôi mới gửi công văn đề nghị Bộ Khoa học - Công nghệ là cơ quan quản lí nhà nước về sở hữu trí tuệ và gửi công văn cho Bộ Tài chính nhưng cả hai Bộ này chưa có văn bản nào tính giá trị liên quan đến văn hóa lịch sử truyền thống.
Việc xác định giá trị thương hiệu phải tuân thủ đúng Nghị định 59 và thông tư 127, còn tất cả những bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam đều do nhà nước tài trợ và đặt hàng nên quyền sở hữu thuộc về nhà nước.
Thứ trưởng có chia sẻ là cách đây 20 năm Hãng phim truyện Việt Nam đã làm ăn thua lỗ. Vậy tại sao Hãng phim vẫn duy trì hoạt động với tình trạng thua lỗ như thế trong nhiều năm qua?
Doanh thu hàng năm của Hãng phim phụ thuộc chủ yếu vào đơn đặt hàng của nhà nước. Nguồn thu này chiếm đến 90% tổng doanh thu. Nguồn thu này được trích ra một phần để trả lương, vận hành bộ máy và sản xuất phim vì thế dẫn đến tình trạng thua lỗ kéo dài. Theo báo cáo tài chính đến thời điểm cổ phần hóa thì Hãng phim đã lỗ 39,9 tỷ (2004 - 2014). Đời sống cán bộ công nhân viên không được đảm bảo, chỉ chi được 1/2 lương so với mức lương tối thiểu nhà nước quy định.
Nếu nhà đầu tư chiến lược không thực hiện cam kết như đã trình trong phương án cổ phần hoá và làm ăn kém hiệu quả thì liệu chúng ta có xem xét lại quá trình cổ phần hóa này không, thưa Thứ trưởng?
Tất nhiên là có nhưng cũng phải theo luật doanh nghiệp vì bây giờ Hãng phim truyện Việt Nam đã là Cty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam.
Trong cuộc họp lần trước lãnh đạo công ty nói rằng không chắc chắn hoàn toàn sau khi cổ phần hãng sẽ làm phim 100%. Điều này có thể hiểu như thế nào thưa ông?
Tức là căn cứ pháp lý để chúng ta điều chỉnh hành vi bằng sự cam kết mà cam kết đó đưa vào điều lệ của đại hội cổ đông. Điều lệ đó theo luật pháp được bảo vệ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.
Trong điều lệ đã ghi rõ phương án sản xuất phim sắp tới của Hãng phim theo từng năm, năm này làm gì, năm kia làm gì. Năm nay, cố gắng làm hai phim nhưng mới kí hợp đồng được một phim. Năm nay, cố gắng tập trung nâng cấp, sửa chữa, cố gắng hoàn thành thủ tục đất đai. Đã có phương án và được hội đồng cổ đông thông qua.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn