Nếu bỏ thi bikini chẳng khác gì truyền hình thực tế
Những ngày qua, thông tin về việc bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi hoa hậu đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Phía Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho biết, họ sẽ lấy ý kiến về việc đổi phần thi bikini bằng phần thi trang phục khác trong hội thảo tại Huế vào 22/6 tới.
Ý tưởng này xuất phát từ việc BTC cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America) tuyên bố sẽ bỏ phần bikini từ năm 2019. Tổ chức Hoa hậu Mỹ đưa ra quyết định trên nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo. Nhiều cuộc thi hoa hậu khác trên thế giới cũng đã bắt đầu loại bỏ phần thi được cho là khoe da thịt phụ nữ như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Thế giới Trung Quốc…
Siêu mẫu Hà Anh phân tích rằng, phần thi bikini trong các cuộc thi nhan sắc là không thể thiếu, bất kể đó là cuộc thi gì. Vì việc xem xét hình thể trong một cuộc thi sắc đẹp rất quan trọng. Nếu chỉ tôn vinh vẻ đẹp thuần trí tuệ thì đi thi hoa hậu cũng chẳng thể hiện được điều gì, tâm hồn lại càng không. Như vậy không khác gì biến cuộc thi hoa hậu thành chương trình truyền hình thực tế về kiến thức.
“Ở các nước châu Âu, đặc biệt tại Vương quốc Anh, nơi sáng lập ra cuộc thi Miss World đã có rất nhiều tổ chức đấu tranh vì quyền phụ nữ bằng việc phản đối các cuộc thi sắc đẹp. Họ cho rằng, các cuộc thi sắc đẹp không được coi phụ nữ là “object” (món hàng) qua hình thể bên ngoài... Và phụ nữ không nên chịu sức ép khi bị đánh giá về vẻ bề ngoài. Tôi hiểu rõ vì sao có các động thái phản đối trên thế giới nhưng xét về quan điểm chuyên môn, nếu đã tổ chức một cuộc thi hoa hậu có nghĩa các người đẹp đọ về nhan sắc hình thể. Bởi vậy, không thể bỏ qua yếu tố vượt trội trong vẻ đẹp hình thể, bên cạnh vẻ đẹp gương mặt lẫn sự thông minh, cá tính trong trí tuệ”, siêu mẫu Hà Anh bày tỏ.
Hoa hậu Quý bà Trần Bảo Ngọc cũng nhấn mạnh, đối với một cuộc thi nhan sắc, yếu tố hình thể và nhan sắc bên ngoài phải được xem xét đầu tiên. Và trong 3 phần thi: trang phục dân tộc, trang phục bikini (áo tắm) và trang phục dạ hội thì phần trang phục bikini cho thấy rõ nhất nét đẹp phía sau những lớp áo. Đây cũng chính là phần thi gây được chú ý nhất từ phía giám khảo lẫn khán giả bởi mọi sự khiếm khuyết lẫn hoàn thiện về hình thể được thể hiện rõ qua quan sát trực tiếp.
“Đã là hoa hậu, hình thể phải đẹp đã, các nền tảng khác có thể hoàn thiện dần. Nếu không có phần thi bikini, các cuộc hoa hậu sẽ khô khan chẳng khác gì các gameshow trên truyền hình. Điều đó sẽ vô tình làm cho các cuộc thi hoa hậu mất đi tính hấp dẫn và sự nhận định của khán giả với người đoạt giải cũng sẽ trở nên mơ hồ”, Hoa hậu Trần Bảo Ngọc chia sẻ.
Không nên bắt chước mà không dựa vào thực tế
NSƯT Chiều Xuân cho rằng, phong trào #MeToo ở nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ là điều đáng hưởng ứng. Và việc các nước trên thế giới lan rộng phong trào này và bày tỏ chính kiến bằng việc bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi hoa hậu là dựa vào tình hình thực tế của họ. Chúng ta không cần thiết chạy theo phong trào của nước ngoài bởi thực tế xã hội Việt Nam có những khác biết.
“Chúng ta có những cái thuộc về bản sắc, cá tính… của mình, đừng thấy nước nào hô gì là bắt chước theo. Chúng ta nên sống bản lĩnh, bắt đầu từ cái nhỏ nhất”, NSƯT Chiều Xuân tâm sự.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng cho rằng, ý tưởng bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam là không phù hợp.
“Ngay từ khi Việt Nam tổ chức cuộc thi hoa hậu quy mô quốc gia đầu tiên đã có phần thi bikini. Mấy chục năm qua, phần thi này vẫn luôn tạo cảm hứng mạnh mẽ đối với giám khảo, giới chuyên môn lẫn khán giả theo dõi.
Nếu bây giờ mình bỏ phần thi bikini chẳng khác gì mình phản đối bộ trang phục đó. Mà bikini có phản cảm hoặc lố lăng gì đâu sao phải bỏ, nó góp phần tôn vinh vẻ đẹp và đường cong của người phụ nữ chứ không có vấn đề gì cả. Bóng chuyền bãi biển người ta cũng mặc như thế chứ riêng gì hoa hậu.
Một cuộc thi hoa hậu tôn vinh cả vẻ đẹp hình thể lẫn trí tuệ chứ đâu phải duy nhất trí tuệ. Trong khi phần bikini là phần thi thể hiện hình thể xấu đẹp, hoàn thiện - chưa hoàn thiện rõ nhất.
Và nếu mấy năm nữa, các nước trên thế giới quay trở lại với phần thi bikini mình lại quay trở lại theo họ, như thế thì quá dở. Tôi nghĩ, dù gì đi nữa thì việc bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi hoa hậu là không nên và chúng ta cũng không nên tốn nhiều thời gian để lấy ý kiến về việc này”, ông Vương Duy Biên phân tích.
Bà Phạm Kim Dung - Đại diện BTC Hoa hậu Việt Nam 2018 chia sẻ, quan điểm của bà là việc tổ chức một cuộc thi nhan sắc trong thời đại văn minh như ngày nay mà bỏ phần thi bikini sẽ là thiếu sót và gây tiếc nuối cho cả thí sinh lẫn khán giả. Bà Phạm Kim Dung cũng cho rằng, trong các cuộc thi đều có song song 2 phần thi áo dài và bikini. Tà áo dài truyền thống từ lâu là trang phục tôn vinh đường nét của người phụ nữ Việt nhưng không thể thay thế cho bikini được. Vì trang phục bikini thể hiện được nét thanh xuân của người phụ nữ hiện đại. Bên cạnh đó hiện nay, trang phục bikini được sử dụng rất phổ biến ở những nơi như hồ bơi, bãi biển…
“Chính vì vậy, tổ chức phần thi bikini không có gì là bất thường, thậm chí đó là phần thi rất đẹp. Theo tôi nếu thay áo dài cho bikini là không hợp lý. Trách nhiệm của đơn vị tổ chức là làm sao để phần thi bikini sẽ thật hấp dẫn, văn minh”, bà Dung nói.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn