Franco Zeffirelli (1923-2019), vị đạo diễn nổi danh hàng đầu trong lịch sử điện ảnh Ý, đã vừa qua đời ở tuổi 96. Ông được biết đến như một nhân vật xuất chúng trong lĩnh vực điện ảnh, kịch nghệ, và opera, với một sự nghiệp trải dài hơn sáu thập kỷ.
Có những vở kịch do ông dàn dựng đã được chuyển thể thành công lên màn bạc, đáng chú ý nhất phải kể tới bộ phim điện ảnh “Romeo & Juliet” (1968), bộ phim đã nhận được bốn đề cử tại giải Oscar, trong đó có đề cử cho Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất; sau đó, giành về hai tượng vàng cho Quay phim và Thiết kế phục trang xuất sắc nhất.
Bộ phim “Romeo & Juliet” (1968) được thực hiện với kinh phí khá hạn hẹp, chỉ 850.000 USD nhưng đã thu về doanh số gần 39 triệu USD, được xem là một phim nghệ thuật giành thắng lợi lớn ngoài phòng vé lúc bấy giờ.
Những tác phẩm khác của nhà văn lừng danh người Anh William Shakespeare tiếp tục truyền cảm hứng cho đạo diễn người Ý Franco Zeffirelli, như “The Taming of the Shrew” (Thuần hóa cô nàng đanh đá - 1967) với sự tham gia diễn xuất của những huyền thoại điện ảnh như Elizabeth Taylor và Richard Burton; như “Hamlet” (1990) với sự xuất hiện của tài tử Mel Gibson và minh tinh Glenn Close; rồi “Otello” (1986) với diễn xuất của tài tử Plácido Domingo.
Đạo diễn Franco Zeffirelli còn dàn dựng những vở opera hoành tráng, đưa lại những màn diễn xuất ấn tượng ngoạn mục, được chiếu trên truyền hình và thu hút lượng người xem lớn. Ông được mệnh danh là “bậc thầy quyền rũ”, là “người truyền bá”, với năng lực khiến công chúng hiện đại yêu thích những tác phẩm cổ điển trở lại, những hình thức nghệ thuật những tưởng đã dần xa rời công chúng hiện đại cũng được làm sống lại, như kịch nghệ, như opera.
Ông Franco Zeffirelli tin rằng mình đã được thừa hưởng niềm đam mê dành cho âm nhạc từ người ông của mình, một vị nhạc trưởng. Đạo diễn Zeffirelli sinh ra vào ngày 12/2/1923, được nuôi lớn ở vùng Florence (Ý). Ông là con ngoài giá thú của một nhà thiết kế thời trang - bà Alaide Garosi Cipriani và một nhà buôn len - ông Ottorino Corsi, cả hai người họ đều đang trong cuộc hôn nhân của mình khi cậu bé Franco Zeffirelli ra đời.
Tên họ Zeffirelli của ông là do người mẹ đặt cho, họa theo một câu hát về “zeffiretti” (những ngọn gió) xuất hiện trong một bản aria của nhà soạn nhạc Mozart. Bà Cipriani đã bị mất cả sự nghiệp vì vụ bê bối tình cảm, bà qua đời khi con trai lên 6 tuổi và cậu bé được mang tới cho người dì chăm sóc.
Tình yêu của Zeffirelli dành cho nghệ thuật sân khấu được nhen nhóm từ khi còn là một đứa trẻ trong những kỳ nghỉ hè, được xem những buổi biểu diễn của gánh hát rong: “Tôi không bao giờ tin vào bất cứ điều gì được thể hiện trong các nhà hát, nhưng bị mê hoặc bởi những câu chuyện giả tưởng mà những người kể chuyện lang bạt mang tới cho bọn trẻ”, đạo diễn Zeffirelli từng viết như vậy trong cuốn hồi ký của mình.
Trong những năm tháng tuổi trẻ chứng kiến nhiều biến động thời cuộc, cuộc đời Zeffirelli đã trải qua những tình huống hiểm nghèo, những tưởng mất mạng. Khi sống trong những năm tháng yên bình sau Thế chiến II, ông thay đổi ý định trở thành một kiến trúc sư và bắt đầu theo đuổi sự nghiệp của một diễn viên trong những vở kịch phát trên sóng phát thanh.
Ông Zeffirelli thường nhắc đến đạo diễn người Ý Luchino Visconti (1906-1976) như một nhân vật có vai trò thay đổi cuộc đời mình. Đạo diễn Visconti từng dành cho Zeffirelli một vai diễn nhỏ trong một vở kịch chuyển thể từ tác phẩm “Tội ác và trừng phạt” của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky.
Sau đó, Zeffirelli được đạo diễn Visconti trao cơ hội làm trợ lý đạo diễn khi ông Visconti thực hiện bộ phim “La Terra Trema” (1948), một bộ phim theo trường phái “tân hiện thực” sử dụng toàn những diễn viên không chuyên. Zeffirelli còn từng làm trợ lý cho nghệ sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha - Salvador Dalí - khi Dalí tham gia một dự án của đạo diễn Visconti.
Sau đó, đạo diễn Zeffirelli bắt đầu đạt được những thành công trong vai trò đạo diễn kịch. Những vở kịch của ông luôn có tính sáng tạo từ cách thiết kế sân khấu, đến bố cục nội dung. Ngay lập tức, Zeffirelli được giới kịch nghệ Anh biết tới, ông nhận được lời mời sang Anh để dàn dựng vở kịch kinh điển “Romeo & Juliet”.
Một đạo diễn người Ý, được mời sang Anh, để đạo diễn tác phẩm của một nhà văn Anh, diễn viên thoại bằng tiếng Anh, phục vụ khán giả Anh, tình huống này đã thực sự thử thách đạo diễn Zeffirelli. Nhưng ông đã tận dụng cơ hội này để đưa lại một vở kịch trẻ trung khác với những cách dàn dựng quen thuộc trước đó.
Rất nhiều nhà phê bình người Anh đã lên tiếng chỉ trích Zeffirelli khi ấy, nhưng cũng có một số người nhìn ra khía cạnh sáng tạo, táo bạo ở ông và lên tiếng khen ngợi về những điều mới mẻ họ chưa từng được thấy trước đó, từ phong cách triển khai cho tới bố cục dàn dựng. Đặc trưng trong những vở kịch của Zeffirelli, đó là các tình huống được đơn giản hóa, diễn tiến tự nhiên, khiến nhân vật hiện lên sống động, tình huống trở nên chân thực.
Bộ phim điện ảnh “Romeo & Juliet” (1968) mà đạo diễn Zeffirelli thực hiện về sau cũng chứa đựng sự trẻ trung, mới mẻ, đưa lại cảm giác tự nhiên như không hề dàn dựng, một câu chuyện kinh điển diễn ra sống động và hấp dẫn cả những người xem trẻ tuổi thời bấy giờ. Bộ phim đã giúp đạo diễn Zeffirelli trở nên nổi tiếng và giàu có.
Trong quãng thời gian xen giữa việc dàn dựng vở kịch và chuyển thể bộ phim “Romeo & Juliet”, đạo diễn Zeffirelli “tranh thủ” đạo diễn thêm vở “Much Ado About Nothing” (Có gì đâu mà rộn) - một vở kịch khác của Shakespeare và thực hiện bộ phim “The Taming of the Shrew” (Thuần hóa cô nàng đanh đá - 1967).
Zeffirelli là người luôn nhanh chóng chuyển từ dự án tham vọng này sang kế hoạch đình đám khác, luôn luân chuyển như chơi tung hứng giữa các vở kịch sân khấu, bộ phim truyền hình, tác phẩm điện ảnh, và những vở opera.
Những bộ phim điện ảnh nổi bật khác trong sự nghiệp của ông còn có thể kể tới bộ phim tình cảm “Endless Love” (Tình yêu bất tận - 1981) với diễn xuất của Brooke Shields, bộ phim tiểu sử “Young Toscanini (1988), “Jane Eyre” (1996), và bộ phim có tính chất tự thuật về cuộc đời mình của chính vị đạo diễn - “Tea with Mussolini” (1999)...
Bích Ngọc
Theo The Guardian/New York Times
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn