“Roma” (Khu phố Roma) của đạo diễn người Mexico - Alfonso Cuarón (57 tuổi) - mở đầu với một cảnh quay gần ghi lại hình ảnh một khoảnh sân lát đá. Nước xà phòng được dội lên mặt sàn từng đợt, có ai đó nằm ngoài khuôn hình đang cọ rửa khoảnh sân. Trong ánh phản chiếu của nước trên mặt sân, người ta nhìn thấy bầu trời “dập dềnh” theo chuyển động của làn nước.
Một chiếc máy bay bay trên bầu trời cũng được phản chiếu trong làn nước trên mặt sân lát đá. Hình ảnh thật đơn giản nhưng có nhiều điều ẩn chứa và sẽ còn được tiếp tục phản ánh trong chuyện phim sau đó.
Cảnh mở đầu phim là một sự ẩn dụ cho dòng chảy tự nhiên của đời sống, có nước mềm mại, có đá cứng rắn, có bầu không khí mênh mông vô hình. Ở đó, còn có những điều bé nhỏ nằm trong tổng thể lớn lao, như chiếc máy bay nhỏ xíu trong bầu trời mênh mông.
“Roma” khắc sâu một khái niệm về câu chuyện riêng tư đặt trong những tổng thể lớn lao hơn, tựa như gương mặt một người trong đám đông, là câu chuyện cá nhân trong đời sống xã hội.
Alfonso Cuarón là đạo diễn tài danh hàng đầu của nền điện ảnh Mexico. “Roma” - một trong 8 đề cử ở hạng mục Phim hay nhất tại giải Oscar 2019 - được xem là bộ phim ấn tượng hàng đầu trong sự nghiệp của ông tính đến thời điểm này. Đó là một tác phẩm điện ảnh hòa trộn giữa tính nghệ thuật và sự nhân văn trong từng cảnh phim.
Đây được xem là một tác phẩm bậc thầy trong nghệ thuật làm phim đưa lại sự cảm thông, rung động sâu sắc trong tâm hồn người xem. “Khu phố Roma” là một cách để người xem sống trong một không gian, thời gian khác với những nhân vật có số phận, cuộc đời riêng của họ.
Người phụ nữ đang cọ sân là cô giúp việc Cleo (nữ diễn viên Yalitza Aparicio), cô phục vụ trong một gia đình khá giả sống trong thành phố Mexico City hồi thập niên 1970. Cleo không phải một người giúp việc đơn thuần, cô đưa lại cảm nhận như thể một thành viên gắn bó yêu thương trong gia đình mà cô phục vụ, vượt ngoài trách nhiệm của một người làm.
Dù vậy, cô cũng phải luôn tay luôn chân với đủ thứ công việc của một người giúp việc. Cô có thể cùng góp mặt trong những chuyến du ngoạn của gia đình, nhưng chủ yếu vẫn là để… giúp việc. Cleo thực sự yêu mến bọn trẻ trong gia đình, và cô cũng bị nhà chủ nhắc nhở vì những chuyện nhỏ nhặt kiểu như bật đèn về khuya gây tốn điện.
Cleo còn trẻ nhưng khá lặng lẽ, luôn chăm chỉ làm tốt công việc của mình, luôn biết cách đứng ngoài những xung đột trong nội bộ gia đình nhà chủ, nơi người chồng, người cha khá xa cách với vợ con và thường xuyên vắng mặt.
Cuộc sống bình lặng của Cleo thay đổi khi cô bắt đầu bước vào cuộc tình với người bạn trai mới quen, rồi mang thai. Bà chủ hứa giúp cô, đưa cô đi khám bác sĩ và giúp cô chuẩn bị những gì cần thiết cho việc sinh nở, trong khi cha của đứa trẻ thì… “lặn mất tăm”, chối bỏ mọi trách nhiệm. Cleo chỉ dám âm thầm lo lắng cho tương lai của mình…
Chuyện phim kéo dài trong khoảng một năm cuộc đời của Cleo, kể từ khi cô bắt đầu bước vào cuộc tình nông nổi, tới khi chuẩn bị cho việc làm mẹ, rồi trải qua việc mất con trong lúc sinh nở. Đồng thời với những biến cố ấy, Cleo vẫn luôn cố gắng chăm sóc cho gia đình nhà chủ đang rơi vào giai đoạn sóng gió, giữa lúc đời sống xã hội có nhiều rối ren, biến động.
Đạo diễn Alfonso Cuarón đã cho thực hiện bộ phim với những khuôn hình đen trắng. “Khu phố Roma” có một phong cách riêng ấn tượng về mặt hình ảnh, trong đó, Cuarón thường giữ cho người xem ở khoảng cách xa nhân vật, để họ quan sát Cleo, để những chi tiết xung quanh cô tự kể chuyện.
Cuarón thường đặt Cleo vào những tình huống rối loạn, dù là ở bên ngoài hay bên trong ngôi nhà của chủ. Người xem thường thấy xung quanh Cleo có nhiều người, nhiều tiếng ồn. Điều này càng được nhấn mạnh trong tiến trình phim, khi Cleo càng lúc càng trở nên lo lắng, nghĩ suy trước sự ra đời của đứa trẻ trong bụng.
“Roma” là một trong những bộ phim có thế mạnh hình ảnh ấn tượng nhất của điện ảnh thế giới năm 2018, trong đó những cảnh quay vừa thực vừa ảo.
Trong “Khu phố Roma”, đạo diễn Cuarón đã sử dụng ngôn ngữ hình ảnh để hé lộ nội tâm nhân vật. Cleo chủ yếu chỉ giữ im lặng, không mấy khi bộc lộ ra bằng lời nói hay biểu cảm. Trong “Khu phố Roma”, Cuarón chú ý chăm sóc tới các chi tiết nhỏ nhất.
Khi làm một bộ phim có yếu tố “nên thơ”, phim thường dễ bỏ qua tiểu tiết, bởi tránh để phim trở nên… quá chân thực. Nhưng điều ấn tượng trong “Roma”, đó là cách đạo diễn Cuarón tìm thấy chất thơ trong những chi tiết nhỏ nhất thuộc về đời sống của cô giúp việc Cleo, như khoảnh khắc cô cọ rửa khoảnh sân ở đầu phim chẳng hạn.
Bộ phim không có những cao trào kịch tính, điều đó có thể khiến một số người xem cảm thấy thất vọng, nhưng “Khu phố Roma” được thực hiện để là một bộ phim đậm chất thơ “bủa vây, nhấn chìm” người xem vào một thế giới khác. Với phong cách riêng của phim, những người cảm thấy thích thú sẽ như thể tìm thấy món quà đặc biệt của điện ảnh.
Phim của Cuarón thường chỉ lên tới đỉnh điểm trong một vài cảnh đậm xúc cảm, nhưng với một vài cảnh ấy, ông có đủ khả năng chạm tới thâm tâm của những người xem thực sự quan sát, theo dõi nhân vật.
Với vai trò đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất và quay phim của “Roma”, Alfonso Cuarón chia sẻ rằng đây là tác phẩm ông dành để cảm ơn những người phụ nữ trong cuộc đời mình và những gì đã góp phần rèn rũa nên ông.
Với cảm hứng rất riêng ấy, “Roma” giống như một bộ phim của ký ức, nhưng không hề thoảng qua tựa giấc mộng, “Roma” đã được thực hiện rất cầu kỳ, kỹ lưỡng; mặc dù vậy, “Roma” không quá cầu kỳ kiểu cách. Đó là sự cân bằng giữa thực tế và nghệ thuật, để một bộ phim chứa đựng nhiều yếu tố riêng tư trở thành bộ phim “tỉ tê” với người xem.
Nếu bạn thực sự thích thú một bộ phim như “Roma”, khi xem xong, bạn sẽ cảm thấy rất đặc biệt, không chỉ đơn giản là vừa xem xong một bộ phim. “Roma” rất hiếm thấy trong điện ảnh hôm nay, một bộ phim đề cao yếu tố thấu cảm đối với con người và cuộc đời quanh ta.
Đó là cuộc đời của nữ giúp việc Cleo trong những ngày tháng “bụng mang dạ chửa” đầy đơn độc, trải qua sóng gió, bi kịch nhưng vẫn gắng gượng làm tốt phần việc của mình một cách đầy yêu thương, nhân hậu, thậm chí sẵn sàng xả thân.
Đó là bà chủ Sofía trải qua giai đoạn hôn nhân khủng hoảng, túng thiếu cả về tình cảm và tiền bạc, nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ Cleo. Cùng với nhau, hai người phụ nữ và những đứa trẻ càng yêu thương, gắn bó và mạnh mẽ hơn bao giờ hết để vượt qua bão giông trong đời.
Chuyện phim được lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ của đạo diễn, với những ký ức về một chị giúp việc được những đứa trẻ trong gia đình coi như người chị thân thiết, nhưng đồng thời, vẫn cứ là một “người ngoài” trong căn nhà mà chị hết lòng chăm sóc, phục vụ.
Mọi việc đều đến tay người nữ giúp việc ấy, nhưng chị vẫn luôn vui tươi, còn mọi người trong nhà nhận lấy sự tận tụy của chị như một lẽ tự nhiên. Trong “Roma”, không có xung đột về tầng lớp, địa vị, tất cả được đạo diễn khắc họa bằng sự yêu thương, nếu đâu đó thoáng chút châm biếm cũng chỉ rất nhẹ nhàng.
Trong bộ phim tràn ngập yêu thương ấy, cô giúp việc Cleo, bà chủ Sofía và bọn trẻ đều đang trải qua những sự đổi thay mạnh mẽ trong đời.
“Roma” khiến người xem ý thức về những bất an, biến động trong cuộc sống, nhưng trước sau, Cleo vẫn cứ là cô gái bình thản, ấm áp. Chỉ đến những cảnh cuối phim, Cleo mới để những xúc cảm mà cô đã giữ trong lòng quá lâu được phép bật ra.
“Roma” kể về những con người, những cuộc đời, đơn giản như cuộc sống, thật như cuộc đời, khiến người xem rung cảm bởi những điều rất đời, rất thật, khẽ khàng, thấm thía, và không thiếu đi vẻ đẹp của chất thơ trong điện ảnh.
Bích Ngọc
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn