Đừng cấm trẻ sử dụng thiết bị điện tử, cũng đừng đặt ra số trang sách tối thiểu phải đọc mỗi ngày. Thay vào đó, hãy tìm những cách vận động âm thầm, khéo léo khiến trẻ tự động ngồi lại với những cuốn sách, và rồi bạn sẽ thấy điều gì xảy ra...
Khi một năm học kết thúc, trẻ nhỏ thường nghĩ tới những hoạt động đặc trưng của mùa hè như đi bơi, cắm trại, thậm chí là... ngủ nướng. Trong khi đó, giáo viên và phụ huynh muốn trẻ dành nhiều thời gian để đọc sách hơn thay vì mê mải với những trò chơi điện tử.
Dù vậy, hầu hết trẻ nhỏ ban đầu đều không thể coi việc đọc sách là một hoạt động thú vị ngay lập tức và sẽ chỉ đọc sách một cách đối phó nếu bị gây áp lực. Làm thế nào để cha mẹ có thể khiến trẻ tự động tìm tới những cuốn sách một cách đầy hứng thú trong hè này? Có nhiều bậc phụ huynh dành phần thưởng cho con sau khi con đọc xong một đầu sách nào đó.
Phần thưởng có thể khiến trẻ chăm chỉ đọc sách trong một khoảng thời gian, nhưng theo nghiên cứu của tờ The Atlantic (Mỹ), có một nguy cơ xảy ra đó là trẻ sẽ chẳng buồn đọc sách nữa sau khi những phần thưởng thưa dần và ngưng hẳn.
Một phần thưởng dành cho trẻ chịu đọc sách cũng đồng thời “ngấm ngầm” đưa ra thông điệp rằng: “Đọc sách đúng là một việc chẳng vui thích tí nào. Đó là lý do tại sao cha mẹ phải dành phần thưởng để mình đọc sách”.
Việc cha mẹ đặt ra mục tiêu đọc sách mỗi ngày, chẳng hạn như số trang tối thiểu phải đọc xong cũng không phát huy tác dụng lớn. Nếu việc đọc sách là thú vị, vậy thì những đứa trẻ sẽ không cần mục tiêu tối thiểu để phải vượt qua.
Bởi việc gì trẻ đã thích, trẻ sẽ làm mê mải và không coi đó là việc khó khăn để phải đặt ra một giới hạn tối thiểu, khi ấy, cha mẹ chỉ cần phải quan tâm tới giới hạn tối đa, chẳng hạn, thời gian tối đa trong một ngày được sử dụng thiết bị điện tử, thời gian tối đa được vui chơi tự do theo ý thích trong một ngày...
Nhưng nếu không dành phần thưởng, cũng không gây chút áp lực nào đối với việc đọc sách của trẻ, vậy làm thế nào để trẻ tự động chịu khó đọc?
Giải pháp chính là thay đổi ngôi nhà của bạn, để việc đọc sách là hoạt động thú vị nhất có thể thực hiện vào bất cứ lúc nào khi con bạn đang tìm kiếm việc gì đó để làm. Cách dễ dàng để khởi đầu là đặt những cuốn sách ở những nơi con của bạn thường ngồi nghỉ, nằm chơi khi cảm thấy “mệt mệt, chán chán”. Hãy đặt một rổ nhỏ đựng sách ở gần chỗ trẻ cất đồ chơi.
Thậm chí đặt một vài cuốn sách mỏng trên giá trong... phòng vệ sinh, nơi không ít người lớn chúng ta vẫn thường tranh thủ... thời gian đọc sách. Đối với những người con đã lớn và được quyền sở hữu thiết bị điện tử, hãy khuyến khích trẻ cài “ebook” (sách điện tử) trên điện thoại, để mỗi khi trẻ có thời gian rảnh ngồi lại với điện thoại, đó cũng là khi trẻ có một quyển sách di động bên mình.
Các hiệu sách luôn đẹp đẽ, kỳ diệu, những cuốn sách luôn có thể trở thành những món quà đáng yêu, nhưng bạn cần sự đa dạng trong những cuốn sách dành cho con mình, không thể biết trước cuốn nào sẽ thu hút trí tưởng tượng của con bạn, và sự đa dạng chính là điều quan trọng khi bạn chọn mua sách.
Những chuyến ghé thăm hiệu sách định kỳ không chỉ cho phép chính bạn làm đầy thêm giá sách của mình, đó còn là nơi lý tưởng để nán lại trong sự tĩnh lặng, mát mẻ giữa tiết trời mùa hè. Và nán lại trong một không gian có nhiều sách có thể dẫn tới tình yêu dành cho việc đọc sách.
Nếu con của bạn thoạt tiên chưa thích đến hiệu sách, hãy nói với trẻ rằng bạn cần ghé qua và thời gian phù hợp nhất đối với bạn, chính là khi cùng con ra ngoài trong thời gian rảnh.
Thật đơn giản và dễ dàng khi đổ lỗi cho các thiết bị điện tử khiến trẻ nhỏ hiện giờ không thích đọc sách, rằng các thiết bị ấy choán mất quá nhiều thời gian của trẻ. Nhưng ngay cả khi bạn hạn chế trẻ xem tivi hay sử dụng điện thoại, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc bạn có thể khiến trẻ ham đọc sách.
Một đứa trẻ không thích đọc sẽ không tự động cầm lên một cuốn sách mà sẽ luôn ưu tiên những hoạt động khác khiến trẻ thích thú hơn. Dù vậy, giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử có thể có tác dụng phần nào, bởi nó khiến trẻ còn lại ít lựa chọn hơn cho việc tiêu khiển, mà cha mẹ lại đã khéo léo đặt ngay cạnh trẻ những cuốn sách.
Cha mẹ có thể không cần luôn miệng nhắc con hãy đọc sách, thay vào đó họ cần âm thầm quan sát và đưa ra những giải pháp, chẳng hạn không cho trẻ mang thiết bị diện tử vào phòng ngủ nhưng âm thầm đặt những cuốn sách bên giường trẻ và im lặng quan sát trẻ dần hình thành thói quen đọc sách trước khi đi ngủ.
Việc đọc sách giúp cải thiện ngôn từ, khiến ta viết lách tốt hơn, nới rộng khả năng thấu hiểu, quan sát. Đừng kỳ vọng quá nhiều rằng trẻ sẽ thấm nhuần ngay ý nghĩa của việc đọc sách, nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể tạo nên những thay đổi nhỏ cho ngôi nhà của mình để khiến việc đọc trở thành lựa chọn thú vị cho cả cha mẹ và con cái. Và hãy nhớ, muốn con ham đọc, mình cũng phải yêu sách.
Bích Ngọc
Theo The Atlantic
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn