Các nhân vật văn học kinh điển được “thay áo” ra sao khi đi vào âm nhạc?
Vừa qua, Chi Pu cho ra mắt MV “Anh ơi ở lại” lấy ý tưởng từ truyện cổ tích “Tấm Cám”. Tuy nhiên, dựa trên nền tảng có sẵn của câu chuyện kinh điển, Chi Pu mang đến câu chuyện mới mẻ hơn.
Nếu trong truyện gốc, Cám và mẹ Cám đại diện cho cái ác với hàng loạt hành động hãm hại Tấm vì lòng tham cái yếm thắm, vì lòng tham muốn được làm hoàng hậu… thì trong MV mới, Chi Pu đã lý giải hành động sai trái đó xuất phát từ tình yêu Cám dành cho nhà vua. Vì tình yêu đơn phương mù quáng, Cám đã làm ra hàng loạt chuyện độc ác. Và kết cục Cám phải trả giá, nhận về nhiều đớn đau.
“Vì sợ cô đơn nên em mặc kệ đúng sai/ Mặc kệ anh có đưa đôi bàn tay ấm áp cho ai/Chỉ cầu xin anh em đã rất đau đừng làm mắt em vương vấn thêm buồn…”, hình ảnh Cám đáng thương hơn đáng giận…
Tương tự Chi Pu, nhạc sĩ Sa Huỳnh đã viết ca khúc “Hoạn Thư” lấy cảm hứng từ nhân vật Hoạn Thư trong tác phẩm kinh điển “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Trong “Truyện Kiều”, có lẽ Hoạn Thư là nhân vật nữ phụ ám ảnh nhất về sự ghen tuông đến độc ác khi cho đến nay người ta vẫn ví “máu ghen Hoạn Thư”, “kẻ giết người không dao”… Vì ghen tuông, Hoạn Thư đã bắt cóc Thúy Kiều về làm nô tì, bắt quỳ đánh đàn, hầu rượu, ép nàng xuất gia.
Tuy nhiên, sáng tác của Sa Huỳnh lại được viết dưới góc nhìn sự cảm thông về tiểu thư khuê các- một phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang cũng vì sống trong thời đại “trọng nam khinh nữ” mà phải giành giật hạnh phúc gia đình: “Chuyện ghen tuông đâu dễ nói bằng lời/ Vì khi ghen ai cũng lại đớn đau thôi/ Vì đau khi yêu quá dại cuồng/ Phụ nhau chi ai oán rồi xót thương..” Theo Sa Huỳnh, một phụ nữ đảm đang, tài giỏi như Hoạn Thư lẽ ra phải được hưởng cuộc hôn nhân trọn vẹn…
Hay mới đây nhất, ca sĩ Hoàng Thùy Linh gây không ít nhạc nhiên khi khoác “áo mới” lên cuộc đời nhân vật văn học kinh điển là Mị trong truyện “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
Trong truyện gốc, khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra, cuộc đời Mị đi vào ngõ cụt, sống “không bằng con ngựa”, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”…Rồi cảnh vật mùa xuân, tiếng khèn đánh thức tâm hồn Mị. Mị nhận ra mình còn trẻ và muốn đi chơi, muốn sống lại những ngày thời con gái. Tuy nhiên, chồng của Mị- A Sử đã dập tắt mong muốn đó khi trói Mị, quấn tóc Mị lên cột…
Còn Mị trong MV “Để Mị nói cho mà nghe”, được cởi trói, được mặc quần áo đẹp, thoải mái rong chơi cùng trai gái ở bản: đánh đu, thổi khèn, thổi sáo…
Không chỉ sáng tạo để cho Mị tận hưởng cuộc sống tự do, Hoàng Thùy Linh cũng thay đổi kết truyện “Lão Hạc” của Nam Cao. Nếu trong truyện gốc, sau khi bán con chó mà con trai lão Hạc để lại làm kỷ niệm khi đi đồn điền cao su, lão Hạc luôn sống trong những ngày tháng dằn vặt, đau khổ. Cuối cùng, lão Hạc tìm đến cái chết đầy ám ảnh bằng cách ăn bả chó...
Thì, trong MV mới, Hoàng Thuỳ Linh đã mang đến cái kết tươi vui hơn khi cho “cậu Vàng” đoàn tụ với lão Hạc. Sự xuất hiện của chú chó vàng ngay thời điểm lão Hạc chuẩn bị tự tử là cái kết có hậu đầy sáng tạo của nữ ca sĩ.
“Các bạn trẻ có quyền nhìn thế giới theo cách riêng…”
Trước hiện tượng các nhân vật văn học kinh điển được “thay áo” khi đi vào âm nhạc, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim cho rằng đó là sự sáng tạo thú vị. Theo nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim mỗi thời đại có góc nhìn khác và sự thay đổi cũng thể hiện sự sáng tạo, góc nhìn táo bạo của các nghệ sĩ trẻ về những nhân vật văn học kinh điển.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ sự sáng tạo của các nhạc sĩ, ca sĩ. Trong thời đại bây giờ, phân tích kỹ lưỡng thì thấy rằng sự nổi loạn, ghê gớm đanh đá, giành giật lại cuộc sống là điều cần thiết đối với thân phận thấp cổ bé họng.
Tôi ủng hộ việc, bị cưỡng bức thì phải đấu tranh. Không thể như cô Tấm ngồi chờ đợi phép màu từ ông Bụt. Mỗi thời đại một khác. Nhìn nhận ở góc độ hiện tại thì nhân vật Tấm có phần nhu nhược, thụ động trong chuyện tình cảm. Nếu yêu hết mình, đắm đuối hết mình với tình yêu đấy thì người ta có nhiều cách xử sự khác nhau. Tất nhiên, ta chưa bàn đến chuyện hành động của Cám trong MV ca nhạc đúng hay sai…”, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim chia sẻ.
Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng cho rằng: “Văn học là cuộc sống, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống. Văn học cổ điển có sức sống đối với thời hiện đại thì là điều đáng mừng.
Việc các bạn trẻ lồng ghép được các trào lưu, góc nhìn và tư duy hiện đại vào các nhân vật văn học cổ điển cũng cách gia tăng sức sống cho các tác phẩm văn học này.
Trong giáo dục kỹ năng cũng có phương pháp đó là kể câu chuyện của mình. Lấy góc nhìn, quan điểm của mình sau đó áp vào các sự vật, hiện tượng, nhận vật văn học cũng giúp cho các bạn trẻ hiểu cặn kẽ, dễ nhớ dễ hiểu hơn tác phẩm văn học đó.”
Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng phủ nhận nghi vấn cho rằng, sự sáng tạo về các nhân vật văn học kinh điển có thể gây nhầm lẫn về góc nhìn đối với giới trẻ. “Các bạn trẻ có quyền nhìn thế giới theo cách nhìn của mình. Như thế mới tạo ra sự đa dạng, phong phú của cuộc sống. Nếu chỉ áp dụng góc nhìn duy nhất thì cuộc sống trở nên khô khan, máy móc…”, Tiến sĩ Vũ Việt Anh khẳng định.
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn