Sáng tác ca khúc trong 120 phút
TS. Toán học Lê Thống Nhất được biết đến với tư cách là một thầy giáo dạy có tâm hồn nghệ sĩ. Ông từng sáng tác nhiều bài thơ, ca khúc được nhiều người biết đến như: Nhớ thầy, Một Hà Nội của tôi, Ký ức thời học trò
Thầy giáo Lê Thống Nhất kể, trong những ngày dịch bệnh mới bùng phát, thấy có quá nhiều thông tin nhiễu loạn gây hoang mang dư luận, nhiều bạn bè đã động viên ông viết một ca khúc để truyền thông tích cực cho đại dịch này. Tuy nhiên, vì thấy đây là một điều rất khó nên ông tạm gác ý tưởng đó sang một bên. Với ông, việc sáng tác nên một ca khúc cổ động mà đi được vào lòng người không hề dễ dàng.
Đến đêm 5/2, một thầy giáo cấp 3 ở huyện Tĩnh Gia - Thanh Hoá có gửi lên diễn đàn do ông sáng lập một bài vè. Đích thân ông đã ngồi biên tập lại bài vè này để đăng lên diễn đàn của mình cho các thành viên cùng đọc.
Chính từ bài vè này đã “thức tỉnh” trong ông một suy nghĩ: “Tại sao một thầy giáo, ở một vùng xa xôi như thế còn sáng tác được một bài vè để góp vào việc tuyên truyền phòng chống đại dịch mà mình lại đứng ngoài cuộc”. Nghĩ là thế, TS. Lê Thống Nhất quyết định phải bắt tay vào sáng tác ca khúc.
“Đương nhiên, thầy giáo làm vè rồi thì tôi sẽ sáng tác nhạc. Trong 2 tiếng đồng hồ tôi đã viết xong bài hát. Bài này khi viết xong tôi đưa nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hải - Trung tâm Bảo tồn Di sản Dân ca xứ Nghệ tiến hành hoà âm và ca sĩ Hải Lê - Thế Anh đã nhận lời thu âm bài hát.
Lúc đầu tôi chỉ nghĩ bài hát nhất định phải có một bản demo để mọi người biết được giai điệu của nó. May mắn là tôi luôn có những người bạn, người cộng sự… sẵn sàng song hành cùng tôi trong mọi công việc”, thầy giáo Toán học nổi tiếng tâm sự.
Theo TS. Lê Thống Nhất, một bài hát cổ động muốn đi sâu được vào lòng người không chỉ có giai điệu mà ca từ cũng phải có vần điệu. Ông đã cố gắng vận dụng cách gieo vần trong tiếng Việt để lời ca uyển chuyển, mượt mà hơn.
“Một ca khúc để tất cả mọi người dân có thể thẩm thấu được thì âm nhạc phải đơn giản, ca từ phải giản dị… Tôi đã cố gắng viết ca từ với những nội dung cơ bản nhất để mọi từng lớp xã hội hiểu được việc chung tay chống đại dịch này quan trọng như thế nào.
Có thể, thông điệp hơi khô khan phương pháp gieo vần tiếng Việt đã làm ca khúc được mềm mại hoá. Bằng tất cả những hiểu biết của tôi, tôi đã cố gắng truyền đạt cho cộng đồng những điều tối thiểu nhất. Tôi mong muốn tác phẩm của mình sẽ góp phần đưa đến cho người dân những thông tin chuẩn xác nhất”.
Thầy giáo bất ngờ nổi tiếng với vai trò “ca sĩ”
Ở thời điểm này, bài hát đã được rất nhiều thành phần khác nhau thu âm hoặc quay MV đề truyền thông tích cực đến người dân trong công tác phòng chống dịch corona. Trong đó, bản thu của thầy giáo Hoàng Thuấn - trường PTTH Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội đang được chia sẻ khá nhiều trên cộng đồng mạng. Tính đến thời điểm này, bản MV đang đạt gần 36.000 lượt xem.
Thầy giáo Hoàng Thuấn cho biết, mặc dù ca khúc này được thầy giáo Lê Thống Nhất hoàn thành vào ngày 5/2 nhưng đến ngày 14/2 anh mới biết đến. Ở thời điểm đó, trường PTTT Phan Huy Chú cũng đang có chủ trương đẩy mạnh khâu truyền thông về phòng tránh dịch corona theo thông tin của Bộ Y tế đến các học sinh trong trường. Nhưng nhận thấy việc truyền thông đơn thuần sẽ không tác động được sâu sắc đến suy nghĩ của học sinh. Vì thế, thầy giáo này đã quyết định lên mạng tìm hiểu.
“Cơ duyên đưa đẩy kiểu gì mà khi vừa gõ chữ “corona”, tôi đã tìm thấy ngay bản nhạc này. Tôi thấy bản nhạc có nội dung, ý nghĩa, thông điệp rất hay và rất đúng với tinh thần truyền thông của ngành giáo dục. Đặc biệt, khi nghe lời thấy rất đúng tinh thần của người chiến sĩ. Câu mà tôi rất yêu thích là “Đánh giặc corona, đoàn kết toàn dân ta” và “ngành y là xung kích, thề quyết thắng đại dịch, hoà chung một bài ca”.
Trong vòng một tiếng đồng hồ, tôi nghĩ mình sẽ thể hiện được ca khúc này. Lúc đó là 8h tối, tôi phi xe đến phòng thu của một thầy giáo dạy nhạc để tiến hành học lời, làm nhạc và thu âm. Tôi thấy ca khúc thực sự làm cho mình phấn chấn lên và làm cho mình tin tưởng với các giải pháp đồng bộ chống dịch. Đến 2h đêm ngày 15/2, tôi hoàn thành việc thu âm ca khúc này”, thầy Hoàng Thuấn chia sẻ.
Thầy Hoàng Thuấn cũng bộc bạch thêm rằng, thầy cảm thấy rất vui và bất ngờ khi bản thu âm của mình được học sinh - sinh viên đón nhận nhiệt tình. Thậm chí, có nhiều học sinh còn nhắn tin về cho thầy giáo của mình bày tỏ lòng ngưỡng mộ và hứa sẽ cùng chung tay để “đánh bị giặc corona”.
“Lúc nhận bài hát từ thầy Lê Thống Nhất, tôi chỉ nghĩ sẽ hát để truyền thông tới học sinh - sinh viên, những đối tượng mà tôi đang giảng dạy. Nhưng không ngờ bài hát lại lan toả đến cộng đồng nhanh đến vậy. Thật sự tôi rất vui vì đã góp được một phần nhỏ bé trong công tác truyền thông phòng chống dịch”.
Nhạc sĩ Thuỵ Kha cho rằng, bài hát “Đánh giặc Corona” mang tính cộng đồng rất cao. Bài hát đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc cổ vũ tinh thần đoàn kết của người dân trước việc chung tay cùng ngành ý phòng chống dịch bệnh. Tuy là một bài hát cổ động nhưng không mang tính khẩu hiệu mà ca từ rất gần gũi. Bản thân ông khi nghe ca khúc này cũng thấy cởi bỏ được những ưu tư về dịch bệnh để hướng niềm tin vào ngày mai tươi vui.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn