Ngày 18/5, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (TP Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức triển lãm ảnh với chuyên đề: “Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống tỉnh Bình Định”. Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018) và hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), diễn ra trong 8 ngày (từ 18 đến 25/5).
Triển lãm gồm 2 phần: Giới thiệu một số làng nghề truyền thống tiêu biểu và Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống tỉnh Bình Định, với có 130 bức ảnh và 70 hiện vật là những công cụ sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống tỉnh.
Hiện nay, nhiều làng nghề có cơ hội mở rộng, phát triển bởi sự giao thương rộng. Tuy nhiên, đi liền với sự phát triển của hoạt động sản xuất, nhiều giá trị văn hóa dần bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền cùng với sự ra đi của nhiều nghệ nhân lớn tuổi. Xu hướng thương mại hóa đã làm cho bản sắc văn hóa làng nghề bị phai mờ, điều này ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của mỗi một làng nghề.
“Triển lãm là dịp giới thiệu, quảng bá làng nghề thủ công truyền thống của tỉnh Bình Định. Mỗi làng nghề có đặc trưng riêng, bí kíp nghề nghiệp riêng tạo nên những sản phẩm độc đáo của từng địa phương. Làng nghề truyền thống là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, sinh động mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền”, đại diện Bảo tàng Tổng hợp Bình Định chia sẻ. (Trong ảnh: Sản phẩm nón ngựa Phú Gia được trưng bày tại triển lãm).
Bằng sự sáng tạo và đôi tay khéo léo của người thợ thủ công, các nghệ nhân, sản phẩm nón ngựa Phú Gia đạt đến độ tinh xảo cao mà không phải nơi nào cũng làm được.
Làng nghề rèn Tây Phương Danh (thị xã An Nhơn) đã có trên 300 năm tồn tại và phát triển.
Dệt thổ cẩm ở huyện Vĩnh Thạnh đang ngày một mai một cần bảo tồn phát triển.
Bình Định còn được mệnh danh là xứ dừa. Ngoài dừa uống nước, xơ dừa còn được làm ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ trong đời sống đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân.